11/01/2025

Đường sắt Cát Linh – Hà Đông chậm tiến độ, đội vốn do giàn khoan HD981 của Trung Quốc

Theo Bộ Giao thông vận tải, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD981 trong thềm lục địa của Việt Nam đầu tháng 5.2014 ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình thực hiện dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông.

 

Đường sắt Cát Linh – Hà Đông chậm tiến độ, đội vốn do giàn khoan HD981 của Trung Quốc

Theo Bộ Giao thông vận tải, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD981 trong thềm lục địa của Việt Nam đầu tháng 5.2014 ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình thực hiện dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông.


 
 
 

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa thể vận hành /// Ảnh Ngọc Thắng

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông vẫn chưa thể vận hành   Ảnh Ngọc Thắng

 

 
Sáng 7.12, tại hội nghị tiếp xúc cử tri đơn vị bầu cử số 1 của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội, đại biểu Trần Thị Phương Hoa đã báo cáo nội dung trả lời kiến nghị cử tri Hà Nội sau kỳ họp 7 của Bộ Giao thông vận tải về dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông.
 
Cụ thể, sau kỳ họp thứ 7, cử tri Hà Nội đề nghị xem xét trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan đối với các dự án chậm tiến độ, đội vốn của dự án nêu trên.
 
Trả lời câu hỏi này, văn bản của Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, thay mặt Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, cho hay dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông được đầu tư xây dựng bằng vốn vay ODA Chính phủ Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30.5.2008.
 
Theo đó Tổng thầu EPC được chỉ định ngay trong Hiệp định là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc làm Tổng thầu EPC. Tư vấn giám sát được tổ chức đấu thầu, đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH giám sát xây dựng Viện Nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.

Tổng thầu chưa có kinh nghiệm 

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, quá trình triển khai thực hiện dự án chậm, tăng tổng mức đầu tư do nhiều nguyên nhân bao gồm cả chủ quan và khách quan.
 
Về chủ quan, ông Đông trình bày 6 nguyên nhân, gồm: thiết kế cơ sở ban đầu còn sơ sài, chưa lường hết được quy mô, tính chất, công năng, nên phải điều chỉnh tại bước thiết kế kỹ thuật; chờ nhà tài trợ phê duyệt hợp đồng, cấp hiệu lực cho Hiệp định vay vốn bổ sung kéo dài; Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank) là cơ quan quản lý, cung cấp nguồn vốn vay không thiết lập đại diện tại Việt Nam, ảnh hưởng đến hiệu quả điều hành cấp vốn thực hiện dự án.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ, đội vốn do giàn khoan HD981 của Trung Quốc - ảnh 1

Đại biểu Trần Thị Phương Hoa (phải) tại phiên họp tổ tại Quốc hội   Ảnh Ngọc Thắng

 
 
Thứ 4, theo ông Đông, Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc (Tổng thầu EPC) chưa có kinh nghiệm trong triển khai thực hiện dự án tổng thể theo hình thức hợp đồng EPC, đồng thời chưa thực hiện theo đúng cam kết về tiến độ.
 
Bên cạnh đó, cách thức triển khai thực hiện dự án ở mối nước có sự khác biệt, đặc biệt là cách thức lập hồ sơ thiết kế, hồ sơ nghiệm thu thanh toán; trong khi đây là lần đầu tiên Tổng thầu Trung Quốc thực hiện dự án tại Việt Nam, dẫn đến công tác quản lý điều hành còn nhiều lúng túng.
 
Cuối cùng, ông Đông giải thích, công tác giải ngân của Hiệp định vay bổ sung gặp nhiều vướng mắc do các bên chưa thông nhất được ý kiến pháp lý. Cụ thể, theo ông Đông, hiệp định vay bổ sung được kết từ 11.5.2017 nhưng đến 28.12.2017 các bên mới thống nhất được ý kiến pháp lý và đến ngày 25.4.2018 mới thống nhất được 13 điều kiện cho lần giải ngân đầu tiên của dự án.

Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm là cơ quan phê duyệt dự án

Về khách quan, văn bản của Bộ Giao thông vận tải đưa ra 5 nguyên nhân, gồm: công tác giải phóng mặt bằng tại trung tâm thành phố Hà Nội rất chậm và phức tạp, không đáp ứng được yêu cầu của công tác khảo sát thiết kế kỹ thuật; yếu tố khác biệt về quy định giữa hai quốc gia về các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình, quy phạm trong bước thiết kế, thi công và dự toán gây khó khăn trong công tác điều hành, tổ chức thực hiện; hệ thống quy định của pháp luật hiện hành của Việt Nam về thực hiện hợp EPC chưa đầy đủ, đồng bộ, đặc biệt là quy định về tính trọn gói giữa các yếu tố kỹ thuật, tài chính, thủ tục, thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh dự án.
 
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cũng cho hay, sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD981 trong thềm lục địa của Việt Nam đầu tháng 5.2014 ảnh hưởng trực tiếp đến thực hiện dự án do mất hơn 1 năm hạn chế các hoạn động xây dựng của tổng thầu.
 
Bên cạnh đó, lạm phát trong giai đoạn thực hiện năm 2008 (CPI là 19,9%) và giai đoạn 2010 – 2011 (CPI lần lượt là 11,8% và 18,13%), tổng tỷ lệ lạm phát của riêng 3 năm này là 49,83% đã ảnh hưởng lớn đến giá nhân công, vật tư, vật liệu xây dựng.
 
Từ phân tích trên, Thứ trưởng Đông khẳng định, việc chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư là có trách nhiệm chính thuộc về Công ty HH Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc (tổng thầu); Ban Quản lý dự án Đường sắt là đại diện Chủ đầu tư chịu trách nhiệm trực tiếp trong công tác quản lý, điều hành, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán; Bộ Giao thông vận tải, các cơ quan tham mưu của Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm là cơ quan chủ quản, phê duyệt dự án; UBND thành phố Hà Nội (chủ đầu tư hợp phần giải phóng mặt bằng), chịu trách nhiệm về việc chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng.
 
Vẫn chưa thể hoàn thành và có nguy cơ kéo dài
Trong văn bản đề ngày 10.10, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho hay, thời gian qua, mặc dù Bộ Giao thông vận tải và các bên liên quan đã quyết liệt chỉ đạo nhưng dự án vẫn triển khai rất chậm, đến nay dự án vẫn chưa thể hoàn thành và có nguy cơ kéo dài do tổng thầu vẫn chưa nghiêm túc thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải.
 
Các khó khăn vướng mắc đã được Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Trung Quốc để hỗ trợ chỉ đạo và có các giải pháp giải quyết các công việc còn lại trong thời gian tới nhằm đưa dự án vào vận hành khai thác trong thời gian sớm nhất.
 
 
 
LÊ HIỆP