11/01/2025

Nhà đầu tư điện khí Bạc Liêu báo giá rẻ rề, Bộ Công thương đâm lo

Trong khi nhà đầu tư cam kết giá thành sản xuất cho dự án điện khí Bạc Liêu chỉ 7 cent/kWh thì Bộ Công thương tỏ ra thận trọng khi cho rằng khó có mức giá như vậy, mặc dù vẫn kiến nghị Thủ tướng bổ sung dự án này vào quy hoạch điện.

 

Nhà đầu tư điện khí Bạc Liêu báo giá rẻ rề, Bộ Công thương đâm lo

Trong khi nhà đầu tư cam kết giá thành sản xuất cho dự án điện khí Bạc Liêu chỉ 7 cent/kWh thì Bộ Công thương tỏ ra thận trọng khi cho rằng khó có mức giá như vậy, mặc dù vẫn kiến nghị Thủ tướng bổ sung dự án này vào quy hoạch điện.


 

Nhà đầu tư điện khí Bạc Liêu báo giá rẻ rề, Bộ Công thương đâm lo - Ảnh 1.

Dự án điện khí hiện nay có mức giá khoảng từ 2.300 – 2.800 đồng/kWh. Trong ảnh: một dự án điện khí – Ảnh: TL

 

Sau phiên chất vấn của Quốc hội với Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh liên quan đến dự án điện khí LNG Bạc Liệu, Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Thủ tướng về việc bổ sung dự án nhà máy nhiệt điện LNG Bạc Liêu vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. 

Theo đó, UBND tỉnh Bạc Liêu đã có văn bản kiến nghị cho phép bổ sung toàn bộ công suất với dự kiến tiến độ vận hành các năm từ 2023 đến 2026.

Nhà đầu tư dự án – Công ty Delta Offshore Energy (DOE), khẳng định cam kết giá bán điện là khoảng 7 cent/kWh (khoảng gần 1.700 đồng) trong khi các dự án điện khí hiện nay có mức giá khoảng từ 2.300 – 2.800 đồng/kWh.

DOE giải thích có được mức giá rẻ là nhờ sáng kiến độc đáo đưa ra giải pháp tích hợp tất cả trong một của dự án, bao gồm dây chuyền công nghệ và cung ứng, bên nhập, lưu kho LNG, tái hoá khí, đường ống dẫn khí, nhà máy phát điện…

Trên cơ sở tham vấn ý kiến của Viện Năng lượng, Bộ Công Thương cho rằng việc đề xuất mức giá 7 cent/kWh là thấp hơn giá thành sản xuất điện bình quân của nhiệt điện than miền Nam (khoảng 7,8 cent/kWh), và giá thành sản xuất điện bình quân của hệ thống điện, nên việc đưa vào vận hành nhà máy này là có lợi, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt nguy cơ thiếu điện. 

Tuy nhiên, đây là khu vực có nhiều nguồn điện lớn nên khả năng giải tỏa công suất bị hạn chế. Theo tính toán sơ bộ, cần phải xây dựng 355 km đường dây 500 kV, ước tính tổng mức đầu tư 285 triệu USD để giải toả công suất. 

Trong khi tham chiếu ý kiến của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nếu tính toán theo đúng quy định, thì giá điện của dự án là 8,39 cent/kWH (chưa tính chi phí đầu tư lưới điện đồng bộ). 

Thêm nữa, điều kiện địa lý của dự án khá bất lợi, cảng nhập LNG cách đất liền 35 km, chưa đánh giá chi tiết về luồng tàu, vùng quay tàu, đê chắn sóng… vị trí xây dựng nhà máy trên đất liên có nền đất yếu, khối lượng đường dây cần xây dựng lớn, nên sẽ làm tăng chi phí đầu tư, dẫn tới khó đảm bảo giá thành sản xuất điện đạt 7 cent/kWh. 

Bộ Công Thương cho rằng, nếu bổ sung quy hoạch toàn bộ 3.200 MW dự án, trường hợp giá điện dự án thay đổi, tăng trên 7,8 cent/kWh thì sẽ tác động làm tăng giá thành sản xuất điện bình quân của hệ thống và làm tăng giá bán lẻ điện. 

Do vậy, Bộ Công Thương cho rằng nếu bổ sung quy hoạch toàn bộ dự án và nhà đầu tư được lựa chọn, thì phải tuân thủ đúng cam kết về giá điện ở mức 7 cent/kWh cho cả đời dự án. 

Trên cơ sở đã nêu, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ bổ sung quy hoạch dự án điện khí LNG Bạc Liêu, với toàn bộ công suất là 3.200 MW, vận hành giai đoạn từ 2024-2027 với giá bán điện là 7 cent/kWh cho toàn bộ vòng đời dự án. 

Sau khi được bổ sung quy hoạch, yêu cầu UBND tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo nhà đầu tư đề xuất làm rõ ý kiến của Bộ Công Thương và các bộ, ngành. Nếu trường hợp giá điện tăng trên 7 cent/kWh cho cả đời dự án, thì cần xem xét lại quy mô và thời điểm xuất hiện cũng như phân kỳ đầu tư, tránh việc làm mất cơ hội đầu tư của dự án tương tự nhưng hiệu quả hơn về kinh tế xã hội. 

 

 

N.AN