24/11/2024

NATO họp thượng đỉnh giữa hàng loạt thách thức

Hội nghị NATO diễn ra tại Anh trong bối cảnh liên minh quân sự này kỷ niệm 70 năm thành lập và đối diện nhiều thách thức.

 

NATO họp thượng đỉnh giữa hàng loạt thách thức

Hội nghị NATO diễn ra tại Anh trong bối cảnh liên minh quân sự này kỷ niệm 70 năm thành lập và đối diện nhiều thách thức.



 
 

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại cuộc họp báo ngày 3.12 /// AFP

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại cuộc họp báo ngày 3.12   AFP

 

 
Lãnh đạo 29 quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tối 3.12 dự tiệc chiêu đãi của Nữ hoàng Anh Elizabeth II, chuẩn bị bước vào cuộc họp quan trọng vào ngày 4.12 tại Hertfordshire gần London.
 
Theo Đài BBC, với tư cách chủ nhà, Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thống nhất nội khối.
 
“Quan điểm của thủ tướng cho rằng NATO là liên minh bền bỉ, thành công nhất trong lịch sử và tiếp tục thích nghi với các mối đe dọa. Đó là nền tảng an ninh cho 1 tỉ người và mọi thành viên phải đồng lòng về những ưu tiên chung để NATO có thể đối phó với những thử thách phía trước”, theo một phát ngôn viên của Thủ tướng Johnson.

Mối đe dọa từ Trung Quốc

Theo Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, các thành viên đang đối diện với môi trường an ninh phức tạp và khó lường nhất kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc, trong đó cạnh tranh địa chính trị gia tăng, các mối đe dọa mạng ngày càng tinh vi cùng với công nghệ phát triển chóng mặt đang thay đổi các cuộc chiến.
 
“Chúng ta tiếp tục tăng cường phòng vệ và răn đe, nâng cao tính sẵn sàng của các lực lượng, gia tăng khả năng di chuyển các lực lượng khắp Đại Tây Dương cũng như tại châu Âu và hiện đại hóa cấu trúc, trụ sở chỉ huy quân sự”, theo ông Stoltenberg.

NATO thành lập năm 1949 nhằm phòng vệ quân sự trước mối đe dọa từ Liên Xô, với 12 thành viên ban đầu hiện tăng lên 29 thành viên. Tuy nhiên, theo tạp chí Time, việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng và đầu tư mạnh vào công nghệ quân sự đã tác động lớn đến mục tiêu ban đầu của liên minh.

Quan chức phụ trách quốc phòng tại Đại sứ quán Mỹ ở Anh Edward Ferguson cho rằng NATO cần xem xét các thách thức từ Trung Quốc, nhất là trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa và máy tính lượng tử.
 
Dự kiến các lãnh đạo NATO sẽ đồng ý cập nhật yêu cầu tiêu chuẩn của công nghệ viễn thông trước lo ngại Trung Quốc có thể đánh cắp công nghệ quân sự của phương Tây thông qua các công ty như Huawei.

Rạn nứt nội khối

Một trong những thách thức lớn của NATO là bất đồng phát sinh khiến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo rằng liên minh này “chết não”. Theo giới quan sát, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump rút quân ở Syria hồi tháng 10 mà không thông báo trước hay tham vấn với NATO khiến nhiều thành viên bức xúc.
 
Bên cạnh đó, ông chủ Nhà Trắng nhiều lần chỉ trích các nước thành viên chi thấp hơn mức tối thiểu 2% GDP cho ngân sách chung. Mới đây, các thành viên đồng ý rằng Mỹ và Đức mỗi bên sẽ chi gần 16% và phần còn lại do các thành viên khác đóng góp. Trước đó, Mỹ chi khoảng 22% và Đức chi 14,8%.

Liên quan đến kế hoạch phòng vệ vùng Baltic, ông Stoltenberg tuyên bố NATO sẽ đáp trả mọi hành động tấn công nhằm vào Ba Lan hay các nước khu vực này.

“Thông qua sự hiện diện của lực lượng NATO ở Ba Lan và các nước Baltic, chúng tôi gửi đến Nga một thông điệp rất mạnh mẽ rằng nếu các nước này bị tấn công, toàn bộ liên minh sẽ đáp trả”, Reuters dẫn lời ông nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết nước này sẽ phản đối kế hoạch phòng vệ cho các nước vùng Baltic nếu NATO không hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ một cách vô điều kiện trong cuộc chiến chống lại các mối đe doạ khủng bố
 
Ba điểm nhấn
Trong báo cáo tựa đề “Sự thích ứng của NATO đối với môi trường an ninh khó lường”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg kêu gọi các nước cần “cam kết gấp đôi” về bảo đảm an ninh cho các thành viên bằng cách tiếp tục đầu tư vào quốc phòng, với tổng ngân sách dự kiến tăng lên 400 tỉ USD (9,25 triệu tỉ đồng) vào năm 2024.
 
Thứ hai, liên minh cần tăng cường khả năng thích ứng đối với thay đổi cân bằng sức mạnh trên toàn cầu, nhất là những thách thức từ Trung Quốc. Thứ ba là duy trì liên kết xuyên Đại Tây Dương và toàn cầu, trong đó có sự phối hợp với các đối tác ở Thái Bình Dương, Trung Đông và Bắc Phi, nhằm đối phó với các mối đe dọa xuyên quốc gia.
 
 
 
KHÁNH AN