Bé gái đi lạc vì mẹ dặn không tiếp xúc người lạ: Đừng dạy trẻ một cách máy móc
Mới đây, câu chuyện bé gái 10 tuổi (Hải Dương) đi lạc mà không dám hỏi ai vì mẹ dặn không được tiếp xúc với người lạ sẽ bị bắt cóc. Câu chuyện gióng lên hồi chuông cảnh báo về cách cha mẹ dạy kỹ năng cho trẻ.
Bé gái đi lạc vì mẹ dặn không tiếp xúc người lạ: Đừng dạy trẻ một cách máy móc
Mới đây, câu chuyện bé gái 10 tuổi (Hải Dương) đi lạc mà không dám hỏi ai vì mẹ dặn không được tiếp xúc với người lạ sẽ bị bắt cóc. Câu chuyện gióng lên hồi chuông cảnh báo về cách cha mẹ dạy kỹ năng cho trẻ.
Theo chị Huệ, kỹ năng sống hình thành hằng ngày từ những gì trẻ nghe, thấy và làm HOA NỮ
Các chuyên gia cho rằng không nên dạy kỹ năng cho trẻ một cách máy móc, cực đoan. Đừng làm trẻ mất hết niềm tin và e dè với mọi thứ trong cuộc sống…
Mấy hôm nay, dân mạng chia sẻ câu chuyện của cô bé H.D (10 tuổi, Cẩm Giàng, Hải Dương) đi chơi về nhầm đường, nhớ mẹ dặn không được nói chuyện với người lạ nên em không hỏi ai, thế là cứ đạp xe đi từ Hải Dương lạc lên Hà Nội.
Khoảng 12 giờ đêm, vài người dân Q.Long Biên, Hà Nội thấy cô bé mặt mũi lấm lem nên hỏi thăm, cô bé mếu máo nói đi lạc: “Mẹ dặn nói chuyện với người lạ sẽ bị bắt cóc, cho nên cháu sợ không dám hỏi ai trên đường đi”.
Không dạy con một cách cực đoan
Nhìn nhận về câu chuyện này, chị Phan Thị Thanh Huệ (giáo viên dạy kỹ năng sống tại TP.HCM) cho biết có 2 lý do chính, thứ nhất là sự linh hoạt của bé không có, có thể do bé quá hoảng sợ và tuổi còn nhỏ nên không đủ tỉnh táo để giải quyết tình huống. Thứ hai, dưới góc độ của người đứng lớp dạy kỹ năng sống lâu năm, chị Huệ cho rằng điều quan trọng là do cách của người mẹ cực đoan từ trong lúc dạy, và tư tưởng đó tác động lên bé.
“Trong quá trình tôi dạy học sinh hay chính con mình, không phải là dạy người lạ hay người quen mà là đối tượng nào có thể tiếp xúc thân mật, những đối tượng nào có thể nhờ vả lúc cần thiết”, chị Huệ nói và phân tích khi đặt vào trường hợp trẻ đi lạc, mình phải định hướng cho trẻ là ở trên đường có rất nhiều người lạ và nhìn bề ngoài không thể phân định được đâu là người xấu, đâu là người tốt. Nhưng có những người, đối tượng mà con có thể nhờ cậy được, như những chú mặc đồng phục màu xanh lá cây hoặc màu vàng, đó là những chú công an, cảnh sát. Người thứ 2 là những cô chú mặc đồng phục màu xanh dương, là những cô chú bảo vệ đều là những người chúng ta có thể tìm đến để nhờ sự hỗ trợ.
“Cách dạy quan trọng hơn cả nội dung dạy. Phải tạo cho bé niềm tin nhất định vào con người để bé không ngại giao tiếp. Nhưng cũng đủ tỉnh táo để dạy cho bé cách phán đoán khi gặp nạn con phải biết tìm sự giúp đỡ ở chỗ đúng đắn”
Giáo viên kỹ năng sống Phan Thị Thanh Huệ
Chị Huệ cũng cho rằng trong trường hợp cụ thể của cô bé, nếu không dám hỏi người lạ thì trên suốt hành trình 60 km từ Hải Dương đến Hà Nội chắc chắn không thể không có một nhà dân và bé có thể tấp vào nhờ giúp đỡ. Hơn nữa đó là buổi tối, đây là thời điểm mà gia đình sum vầy nên sẽ tránh được rất ít trường hợp bé chỉ tiếp xúc với một người khi ghé vào nhờ giúp đỡ.
“Việc chúng ta dạy cho bé theo kiểu cực đoan người lạ là xấu, người lạ là như thế này như thế kia, khiến cho nỗi sợ người lạ của bé còn lớn hơn cả nỗi sợ lạc đường. Nên cách dạy quan trọng hơn cả nội dung dạy. Phải tạo cho bé niềm tin nhất định vào con người để bé không ngại giao tiếp. Nhưng cũng đủ tỉnh táo để dạy cho bé cách phán đoán khi gặp nạn con phải biết tìm sự giúp đỡ ở chỗ đúng đắn”, chị Huệ nhấn mạnh.
Chị Huệ cũng chỉ ra như hành trình bé đạp xe vào buổi tối mà vẫn bình yên vô sự đến Hà Nội thì cũng thấy được là đâu phải cuộc sống xung quanh toàn những người xấu, vậy tại sao cứ phải đánh vào người xấu làm mất lòng tin của con nhỏ với thế giới xung quanh.
“Cái gì cũng có hai mặt của nó, dạy con biết đề phòng người xấu nhưng cũng không có nghĩa là dạy con cực đoan với tất cả mọi người xung quanh. Người trực tiếp dạy dỗ bé phải hiểu được tính cách của bé là người như thế nào. Nếu bé là người năng nổ, hoạt bát sẽ có những cách dạy khác, hoặc nếu bé là người nhút nhát mà càng tấn công vào sự e dè, nhút nhát đó nữa thì bé càng co cụm lại”, chị Huệ gửi gắm.
Chị Huệ cũng khuyên từ chính câu chuyện dạy con của mình: “Từ lúc 2 tuổi đã dạy cho bé thuộc số điện thoại của cả mẹ và ba, để phòng trừ trường hợp gọi không được số này sẽ gọi số khác. Và cũng dạy cho con nếu lỡ chẳng may đang đi cùng bố mẹ mà đến chỗ đông người và bị lạc thì phải có ám hiệu riêng để mẹ con dễ tìm được nhau. Như tôi dạy cho con ám hiệu là tiếng vỗ tay, vì đây là tiếng rất hiếm khi nghe trong không gian xô bồ. Và mẹ con tôi đã áp dụng thành công trong cuộc sống”.
Giáo dục kỹ năng từ gia đình là quan trọng nhất
Theo tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Dũng, Giám đốc Hệ thống Cambridge Khai Minh, nếu dạy con không được tiếp xúc với người lạ là sai và rất máy móc. Phải dạy cho con phân biệt được người lạ là những ai, dấu hiệu nào mới là nguy hiểm. Hơn nữa, trên đường nếu sợ người lạ thì còn nhiều kênh thông tin để hỏi, để chạy đến khi gặp vấn đề. Tại sao không vào trường học, không vào đồn công an, các cơ quan nhà nước, trạm y tế… Vì trên suốt chặng đường 60 km từ Hải Dương ra Hà Nội thì chắc chắn sẽ có những đơn vị đó.
“Dạy cho bé kỹ năng không phải dạy một cách máy móc, và dạy một cách như học thuộc lòng mà phải dạy cho bé cách để phân biệt. Giống như không ngăn được thì phải cấm hết là không được và thật sự rất tai hại. Đừng dạy cho trẻ nghi ngờ tất cả mọi thứ, như vậy là chúng ta vô tình làm cho trẻ nhìn cuộc sống toàn màu đen. Mà phải dạy cho trẻ cách phân biệt được rằng trong bóng đêm đó vẫn còn có ánh sáng”, ông Dũng nhấn mạnh.
Ông Dũng cũng nhìn nhận qua câu chuyện này dường như bé hoàn toàn “mù thông tin” trong thời buổi tiếp cận thông tin khá dễ dàng như hiện nay. Và dường như gia đình bé không có thời giờ để cha mẹ và các con được xem tin tức thời sự cùng nhau, để cùng phản biện về một vấn đề.
“Dạy cho bé kỹ năng không phải dạy một cách máy móc, và dạy một cách như học thuộc lòng mà phải dạy cho bé cách để biện phân. Giống như không ngăn được thì phải cấm hết là không được và thật sự rất tai hại. Đừng dạy cho trẻ nghi ngờ tất cả mọi thứ, như vậy là chúng ta vô tình làm cho trẻ nhìn cuộc sống toàn màu đen”
Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Dũng
Từ đó ông Dũng khuyên: “Trong bữa ăn gia đình, những giờ sinh hoạt cùng nhau, nên cho con xem những tin tức thời sự về những sự việc như bắt cóc, hay xâm hại… để trẻ nêu ra quan điểm nếu trong trường hợp đó con sẽ giải quyết như thế nào. Từ đó cha mẹ mới củng cố lại và đưa cho con những cách giải quyết tình huống tốt nhất. Như thế bé sẽ tiếp thu theo hướng không áp đặt và máy móc”.
Chính vì thế, ông Dũng cho rằng kỹ năng được hình thành từ trong chính gia đình. Hãy biến giờ cơm gia đình thành những bài học kỹ năng sống cho trẻ, qua câu chuyện của bố mẹ kể và cùng bàn luận với nhau, bé sẽ lĩnh hội được từ từ và vững chắc hơn.
“Bạn có thể đưa con học rất nhiều ở các trung tâm dạy kỹ năng, nhưng nên lưu ý vì đôi khi đó chỉ là con bạn biết về kỹ năng đó. Nhưng nếu gia đình của chúng ta không trở thành môi trường để con trẻ trải nghiệm kỹ năng, sống với kỹ năng mà con được học thì khi gặp tình huống thực tế cũng khó để con có thể ứng phó và vận dụng được”, ông Dũng lưu ý.
HOA NỮ