11/01/2025

Đòn bẩy từ khu đô thị sáng tạo phía Đông

Khu đô thị sáng tạo phía Đông có thể được quy hoạch thế nào để giúp TP chuyển đổi kinh tế vươn tầm quốc tế, và người dân nhận được gì từ dự án được TP đặt nhiều kỳ vọng này?

 

Đòn bẩy từ khu đô thị sáng tạo phía Đông

Khu đô thị sáng tạo phía Đông có thể được quy hoạch thế nào để giúp TP chuyển đổi kinh tế vươn tầm quốc tế, và người dân nhận được gì từ dự án được TP đặt nhiều kỳ vọng này?


 

Đòn bẩy từ khu đô thị sáng tạo phía Đông - Ảnh 1.

Sáu trọng điểm sáng tạo của khu đô thị sáng tạo phía Đông

Tuổi Trẻ có cuộc trao đổi với chuyên gia quy hoạch Nguyễn Đỗ Dũng – giám đốc điều hành Công ty enCity thuộc đội đoạt giải nhất Sasaki-encity cuộc thi quốc tế “Ý tưởng quy hoạch phát triển khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP.HCM (Q.2, Q.9, Q.Thủ Đức)”.

* Diện mạo của khu đô thị sáng tạo phía Đông theo quy hoạch của đội Sasaki-encity sẽ như thế nào, thưa ông?

– Theo quy hoạch của chúng tôi, dự án này sẽ được tạo nên từ sáu “trọng điểm sáng tạo”. 

Thứ nhất là Khu công nghệ cao (SHTP) với định hướng trở thành trung tâm sản xuất tự động hóa, ngôi nhà của nền công nghiệp thế kỷ 21 tại Việt Nam. 

Thứ hai là ĐH Quốc gia TP.HCM cung cấp quần thể giáo dục – đào tạo cùng một trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, thu hẹp khoảng cách giữa nghiên cứu và ứng dụng. 

Thứ ba là khu tài chính Thủ Thiêm với tầm nhìn trở thành trung tâm công nghệ tài chính của khu vực. Thứ tư là Rạch Chiếc – trung tâm thể thao và sức khỏe của Đông Nam Á. 

Thứ năm là Tam Đa – trung tâm công nghệ sinh thái và khu đô thị có khả năng chống chịu cao. Thứ sáu là khu Trường Thọ – nơi định hình như một đô thị tương lai, áp dụng những ý tưởng độc đáo và có tính cách mạng nhất về công nghệ.

Sáu trọng điểm sáng tạo này kết nối và hợp tác với những hệ sinh thái sáng tạo hiện hữu trong TP như Công viên phần mềm Quang Trung hay khu Thảo Điền, giúp khu đô thị này trở thành khu vực kinh tế sáng tạo và có tính tương tác cao. 

Các hoạt động kinh tế tập trung vào các lĩnh vực giáo dục – đào tạo bậc cao, nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao, trung tâm tài chính dịch vụ thương mại và ứng dụng công nghệ nhằm tạo động lực phát triển mới cho TP.HCM và toàn vùng Đông Nam Bộ.

* Khu đô thị này kết nối như thế nào với khu vực, quốc tế?

– Việc kết nối nội vùng, liên vùng và quốc tế của khu đô thị sẽ thông qua hai trục hiện hữu là xa lộ Hà Nội và trục Mai Chí Thọ – Long Thành – Dầu Giây. Ngoài ra, chúng tôi đề xuất thêm trục Đông Tây nối từ Phạm Văn Đồng đi qua một số trọng điểm sáng tạo mới như Trường Thọ, Rạch Chiếc, Khu công nghệ cao và Tam Đa, rồi kết nối sân bay Long Thành. 

Trục này vừa giảm tải cho hai trục hiện hữu vừa mở ra những cơ hội phát triển mới. Chúng tôi cũng đề xuất kéo dài xuống phía nam tuyến Mỹ Phước – Tân Vạn nối TP.HCM với TP mới Bình Dương thành vành đai mới cho TP, cũng như xây dựng thêm một số tuyến giao thông công cộng và tuyến đường sắt nội ô để kết nối các trọng điểm sáng tạo.

* Nền kinh tế – xã hội TP sẽ chuyển đổi ra sao và người dân sẽ được lợi thế nào với khu đô thị sáng tạo?

 

– Nỗ lực phát triển khu đô thị sáng tạo cũng là nỗ lực để giải quyết các vấn đề đô thị của TP trên cơ sở kết nối và tận dụng các nguồn lực. Mỗi ý tưởng được đề xuất ở trong khu đô thị sẽ tạo ra giá trị mới, cơ hội mới cho các ngành kinh tế của khu vực, của vùng.

Ví dụ hiện TP đang phải chi hàng tỉ đôla để giải quyết vấn đề nhức nhối là kẹt xe và ngập lụt. Tại khu đô thị này, chúng ta sẽ thử nghiệm những giải pháp giao thông và thoát nước mới trước khi áp dụng ra toàn TP cũng như dành cơ hội cho các công ty công nghệ, nhất là các công ty khởi nghiệp của các bạn trẻ để tham gia giải quyết các vấn đề lớn của TP và cả nước. 

Như vậy, khu đô thị giúp chuyển đổi và nâng tầm nền kinh tế hiện tại của TP trở thành nền kinh tế tri thức, công nghệ cao. Qua đó tạo ra nhiều việc làm có chất lượng hơn, sáng tạo hơn, thu nhập tốt hơn; hạ tầng được nâng cấp và thêm không gian xanh sẽ có môi trường trong lành hơn… 

Không chỉ người dân ba quận (2, 9, Thủ Đức) hưởng lợi trực tiếp từ việc được đầu tư, khu đô thị còn giúp TP có nền kinh tế phát triển hơn, đáng sống hơn.

* Cơ hội để TP.HCM hiện thực hóa dự án khu đô thị sáng tạo như thế nào, thưa ông?

– Việc phát triển khu đô thị sáng tạo tại TP có bốn thuận lợi gồm: nhân lực chất lượng cao; hệ sinh thái sáng tạo đã và đang hình thành; hạ tầng kết nối vùng quốc gia, quốc tế tốt nhất; quyết tâm chính trị của lãnh đạo TP. 

Khu đô thị đặt trên địa bàn của ba quận có vị trí địa lý trung tâm của toàn vùng Đông Nam Bộ. TP.HCM được đánh giá là một trong ba trung tâm khởi nghiệp lớn nhất vùng Đông Nam Á. Lãnh đạo TP đã đeo đuổi dự án này nhiều năm và có những bước đi rất vững chắc để đạt được mục tiêu chuyển đổi TP.HCM thành đô thị thông minh. 

Quyết tâm của TP cũng thể hiện qua việc tổ chức thi tuyển quốc tế đóng góp ý tưởng quy hoạch khu đô thị sáng tạo và thu hút các nhà tư vấn hàng đầu thế giới.

Cuối năm 2018, Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM mở cuộc thi quốc tế “Ý tưởng quy hoạch phát triển khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP.HCM (Q.2, Q.9, Q.Thủ Đức)”. Ban giám khảo đã chọn sáu ý tưởng của sáu đội thi để trao giải. 

Cuối tháng 11 vừa qua, UBND TP.HCM tổ chức hội thảo định hướng quy hoạch khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP và trao giải cho các đội thi. Kết quả: đội Sasaki-encity được trao giải nhất, một đội đoạt giải nhì và bốn đội đoạt giải khuyến khích.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong:

Tương đối khả thi

Phương án được hội đồng giám khảo chấm giải nhất đã đặt vấn đề rất mạch lạc và tương đối khả thi khi xây dựng các trung tâm sáng tạo trên những nền tảng sẵn có của khu vực phía Đông TP. Đó là các khu vực đã được đầu tư xây dựng và cần tiếp tục hoàn thiện thêm như: khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu công nghệ cao, khu Đại học Quốc gia TP, tuyến metro số 1…

Phương án đoạt giải nhất cũng chỉ ra được các công cụ, tiến trình và phương pháp triển khai với chính sách quản lý nhà nước đổi mới để đồng hành với xây dựng xã hội sáng tạo trong tương lai.

 

 

ÁI NHÂN