27/11/2024

Đại gia Thái xin tăng vốn đầu tư dự án tỉ đô lọc hoá dầu Long Sơn

Sau khi PVN, Vinachem rút khỏi dự án lọc hoá dầu Long Sơn, người Thái quyết định tăng vốn đầu tư dự án từ 3,7 tỉ lên 5,1 tỉ USD, và xin lùi tiến độ dự án đến năm 2022.

 

Đại gia Thái xin tăng vốn đầu tư dự án tỉ đô lọc hoá dầu Long Sơn

Sau khi PVN, Vinachem rút khỏi dự án lọc hoá dầu Long Sơn, người Thái quyết định tăng vốn đầu tư dự án từ 3,7 tỉ lên 5,1 tỉ USD, và xin lùi tiến độ dự án đến năm 2022.



Đại gia Thái xin tăng vốn đầu tư dự án tỉ đô lọc hóa dầu Long Sơn - Ảnh 1.

Tổ hợp hóa dầu Long Sơn được khởi công tháng 2-2018 – Ảnh: LS

 

Tăng vốn 1,4 tỉ USD

Bộ Kế hoạch – đầu tư vừa kiến nghị Thủ tướng xem xét, quyết định điều chỉnh tăng vốn, tăng quy mô đầu tư dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam (dự án lọc hóa dầu Long Sơn). Bộ này cũng khẳng định bối cảnh hiện nay có thể xem xét việc điều chỉnh công nghệ, tăng công suất, tăng vốn đầu tư.

Dự án do Công ty TNHH hóa dầu Long Sơn đầu tư tại xã Long Sơn, TP Vũng Tàu được kỳ vọng trở thành trung tâm hóa dầu hiện đại tại khu vực phía Nam.

Được quyết định đầu tư từ năm 2008, nhưng sau 11 năm đầu tư nhỏ giọt, trải qua 5 lần điều chỉnh dự án, Tập đoàn Dầu khí VN và Tập đoàn Hóa chất VN lần lượt rút vốn, lọc hóa dầu Long Sơn đã thuộc về hai nhà đầu tư Vina SCG Chemicals Company Limited (VSCG) và Thai Plastic And Chemicals Public Company Limited (TPC) của Thái Lan.

Trước đó, liên danh nhà đầu tư đã lập ra Công ty TNHH hóa dầu Long Sơn để thực hiện dự án, nhưng đến tháng 7-2019, tiến độ dự án đạt khoảng 19,7%.

Mới đây, hai nhà đầu tư Thái Lan bất ngờ đề xuất điều chỉnh vốn đầu tư dự án từ 3,7 tỉ USD lên khoảng 5,1 tỉ USD (khoảng 118.300 tỉ đồng), tăng khoảng 1,4 tỉ USD, nhằm tăng khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh tế thông qua điều chỉnh công nghệ, công suất.

Đại gia Thái xin tăng vốn đầu tư dự án tỉ đô lọc hóa dầu Long Sơn - Ảnh 2.

Tổ hợp hóa dầu tỉ đô Long Sơn dự kiến hoàn thành năm 2022 – Ảnh: LS

 

Xin lùi tiến độ đến năm 2022

Trong báo cáo vừa gửi tới Thủ tướng, Bộ Kế hoạch – đầu tư cho rằng hai nhà đầu tư VSGC và TPC chưa bảo đảm khả năng tăng vốn góp thực hiện dự án lọc hóa dầu Long Sơn. 

Bộ này cũng đánh giá với sự hỗ trợ tài chính của công ty mẹ – The Siam Cement Public Company Limited thì VSGC và TPC đủ khả năng tài chính thực hiện dự án. Tuy nhiên, bộ cũng yêu cầu nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm góp đủ vốn thực hiện dự án.

Để thực hiện dự án lọc hóa dầu Long Sơn, liên danh đầu tư VSGC và TPC dự kiến vay 60% tổng vốn đầu tư, khoảng 3 tỉ USD để thực hiện dự án lọc hóa dầu Long Sơn. Đến nay, Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn – đại diện cho liên danh đầu tư đã ký hợp đồng vay vốn của 6 ngân hàng của Thái Lan, Nhật Bản, Singapore, giá trị vốn vay khoảng 3,2 tỉ USD.

Bộ Kế hoạch – đầu tư nhấn mạnh trong trường hợp được Thủ tướng chấp thuận điều chỉnh tăng vốn, Sở Kế hoạch – đầu tư Bà Rịa Vũng Tàu cần rà soát, làm rõ vốn đầu tư dự án, đặc biệt là phần vốn góp của nhà đầu tư.

Bên cạnh đề xuất tăng vốn, liên danh đầu tư Thái Lan VSGC và TPC cũng xin lùi thời gian vận hành thương mại nhà máy đến tháng 12-2022.

Hầu hết các dự án lọc dầu quy mô lớn đang được các địa phương trải thảm đỏ mời gọi với hàng loạt ưu đãi đầu tư mang tính xé rào. Nhưng thực tế những năm qua, nhiều nhà đầu tư ngoại đã tháo chạy khỏi các “siêu dự án” lọc hóa dầu quy mô vốn từ vài tỉ USD đến vài chục tỉ USD.

Đó là dự án lọc dầu Nhơn Hội (Bình Định) vốn đăng ký đầu tư 22 tỉ USD, lọc dầu Vũng Rô (Phú Yên) vốn đăng ký đầu tư 5 tỉ USD, lọc dầu Nam Vân Phong vốn đầu tư 4,8 tỉ USD.

 

 

BẢO NGỌC