11/01/2025

Ấn Độ – Nhật Bản tay trong tay

Nhật Bản và Ấn Độ đã khởi động Đối thoại an ninh 2+2 mà tại đó, Tokyo và New Delhi dự kiến khẳng định sự hợp tác trong nỗ lực xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở.

 

Ấn Độ – Nhật Bản tay trong tay

Nhật Bản và Ấn Độ đã khởi động Đối thoại an ninh 2+2 mà tại đó, Tokyo và New Delhi dự kiến khẳng định sự hợp tác trong nỗ lực xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở.


 

Ấn Độ - Nhật Bản tay trong tay - Ảnh 1.

Ba nhà lãnh đạo Mỹ – Nhật – Ấn rất thoải mái trong cuộc gặp tay ba bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka (Nhật) vào tháng 6 vừa qua – Ảnh: Reuters

 

Cả Ấn Độ và Nhật Bản đều nhận thấy cách tiếp cận của Trung Quốc trong khu vực là độc quyền. Có sự đối lập rõ ràng của hai tầm nhìn trong khu vực.

Nữ tiến sĩ Rajeswari Pillai Rajagopalan (Ấn Độ)

Theo các quan chức Nhật Bản, tại hội nghị ở New Delhi ngày 30-11, các ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng của hai nước bàn cách đẩy nhanh những cuộc đàm phán về thỏa thuận mua bán hàng hóa và dịch vụ chéo (ACSA), cho phép hai bên chia sẻ năng lực và các nguồn cung quốc phòng, trong đó có nhiên liệu và đạn dược. 

Chính phủ hai nước đang lên kế hoạch ký kết ACSA, khi Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo tới thăm Ấn Độ vào giữa tháng 12 tới để tiến hành các cuộc hội đàm với người đồng cấp Narendra Modi.

Trang tin của Thủ tướng Narendra Modi đã phát đi thông báo cho biết hai bên cũng trao đổi quan điểm về tình hình ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cùng những nỗ lực tương ứng của họ theo “Chính sách hướng Đông” của Ấn Độ và “Tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở rộng” của Nhật Bản, để đạt được mục tiêu chung là hòa bình, thịnh vượng và tiến bộ nhằm hiện thực hóa một tương lai tốt đẹp hơn cho người dân hai nước và khu vực.

Theo nữ tiến sĩ Rajeswari Pillai Rajagopalan – chuyên gia của Ấn Độ, quyết định tổ chức Đối thoại an ninh 2+2 lần này dù được khơi gợi cách đây hơn một năm nhưng mới được xác quyết vào mùa hè này, trong cuộc điện đàm giữa tân Bộ trưởng Ngoại giao của Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar và người đồng cấp Nhật Bản Taro Kono (sau ngày 11-9 được bổ nhiệm làm bộ trưởng Quốc phòng). Cuộc đối thoại tương tự Mỹ – Ấn đã được tổ chức từ tháng 9-2018.

Nữ chuyên gia của Ấn Độ nhận định cơ chế 2+2 này là khá quan trọng. Nhật Bản là quốc gia thứ hai (sau Mỹ) mà Ấn Độ có định dạng đối thoại như vậy. “Cuộc đối thoại Ấn Độ – Nhật Bản 2+2 là sự chứng thực cho mối quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt giữa New Delhi và Tokyo” – bà viết trên tạp chí The Diplomat.

Nhìn rộng hơn, cuộc đối thoại đã được thúc đẩy bởi mong muốn chung là tạo ra một châu Á không bị chi phối bởi một quốc gia duy nhất và để thấy sự xuất hiện của một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đa cực, tự do, cởi mở và bao trùm. Theo tiến sĩ Rajagopalan, cả Ấn Độ và Nhật Bản đều đã tiếp cận khuôn khổ chiến lược châu Á mới nổi với mục tiêu đó và cả hai đều muốn có một cách tiếp cận toàn diện trong khu vực.

Không ít chuyên gia đã nhận định rằng chính sách lược tạo đồng minh kiểu lấn át của Trung Quốc đã khiến Nhật Bản và Ấn Độ xích lại gần nhau hơn nữa. Thậm chí không thể không nhắc đến yếu tố hỗ trợ của Mỹ. 

Trong cuộc gặp giữa ba nước bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức ở Nhật gần cuối tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Modi của Ấn Độ không ngớt lời ngợi khen mối giao hảo mới. Ngay khi cuộc họp kết thúc, ông Modi đã viết trên Twitter: “Cuộc họp ba bên JAI (Nhật – Mỹ – Ấn Độ) hôm nay là một cuộc họp hiệu quả. Chúng tôi đã thảo luận rộng rãi về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cải thiện kết nối và phát triển cơ sở hạ tầng. Biết ơn Thủ tướng @AbeShinzo và Tổng thống @realDonaldTrump vì đã chia sẻ quan điểm của họ”.

Thủ tướng Modi cũng gặp hai bộ trưởng Nhật trước Đối thoại 2+2 với những người đồng cấp Ấn Độ là ông Subrahmanyam Jaishankar và ông Rajnath Singh. Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Kono cũng hi vọng Đối thoại 2+2 góp phần nâng cao các mối quan hệ an ninh Nhật – Ấn. 

Ông Kono khẳng định: “Chúng tôi đang xúc tiến hợp tác quốc phòng, với việc các lực lượng phòng vệ trên không, hàng hải và trên bộ của Nhật Bản đều đang có các cuộc tập trận chung với đối tác Ấn Độ”.

Tại Hội nghị thượng đỉnh thường niên Ấn Độ – Nhật Bản lần thứ 13 diễn ra ở Tokyo vào tháng 10-2018, hai thủ tướng Abe và Modi đã nhất trí khởi động Đối thoại 2+2 thông qua việc nâng cấp khuôn khổ đàm phán cấp thứ trưởng. Nhật Bản là quốc gia thứ hai cùng với Ấn Độ có cơ chế đối thoại an ninh 2+2 sau Mỹ, trong khi New Delhi là đối tác 2+2 thứ 7 của Tokyo.

 

 

TƯỜNG NGUYỄN