Tình hình Hồng Kông vẫn khó lường
Một nhóm nhỏ người biểu tình vẫn cố thủ bên trong Đại học Bách khoa Hồng Kông bất chấp lời kêu gọi đầu hàng của chính quyền đặc khu.
Tình hình Hồng Kông vẫn khó lường
Một nhóm nhỏ người biểu tình vẫn cố thủ bên trong Đại học Bách khoa Hồng Kông bất chấp lời kêu gọi đầu hàng của chính quyền đặc khu.
Người biểu tình đu dây thoát khỏi Đại học Bách khoa Hồng Kông AFP
Tình hình căng thẳng tại Hồng Kông hôm qua tiếp tục diễn biến khó lường, trong đó mọi sự chú ý đổ dồn vào cuộc đụng độ tại Đại học Bách khoa Hồng Kông (PolyU) ở khu Hồng Khám, quận Cửu Long.
Vẫn còn người cố thủ
Sau hơn 24 giờ cố thủ bên trong PolyU, hàng trăm người biểu tình khuya 18.11 rạng sáng 19.11 tìm cách thoát ra ngoài do đồ tiếp tế cạn kiệt trong lúc đối diện với việc bị cảnh sát bắt giữ nếu đầu hàng. Một số người đu dây ra và được người ở bên ngoài dùng xe máy chở đi, trong khi một số người khác tìm lối thoát qua đường cống ngầm nhưng bất thành. Trong khi đó, nhiều người chấp nhận đầu hàng sau khi được phụ huynh và nhà trường vận động. Một nhóm lính cứu hỏa và nhân viên y tế được cho vào trong trường để điều trị những người bị thương và bị mất nhiệt.
Trong cuộc họp báo sáng qua, Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho biết khoảng 600 người đã rời khỏi PolyU, trong đó có 200 người dưới 18 tuổi và được cho về nhà. Những người này bị cảnh sát đưa vào hồ sơ và vẫn có thể bị điều tra thêm. Trong khi đó, 400 người còn lại trên 18 tuổi bị bắt giữ và có thể bị truy tố tội bạo loạn với mức án lên đến 10 năm tù.
Bà Lâm cho hay khoảng 100 người vẫn cố thủ trong trường và chính quyền muốn giải quyết tình hình theo cách “hòa bình và nhân đạo”, nhưng cảnh báo cảnh sát có thể dùng vũ lực nếu người bên trong không đầu hàng. Bà Lâm lên án mạnh mẽ việc người biểu tình đang biến các trường đại học thành “xưởng sản xuất vũ khí” khi cho biết cảnh sát đã phát hiện hơn 2.000 chai bom xăng chưa sử dụng tại một trường đại học, trong khi một số hóa chất nguy hiểm khác bị đánh cắp từ các phòng thí nghiệm. SCMP dẫn nguồn tin cảnh sát tiết lộ hơn 8.000 chai bom xăng được tìm thấy trong Đại học Trung văn Hồng Kông, một trong những nơi xảy ra đụng độ giữa hai bên vài ngày trước
Khi được hỏi liệu Hồng Kông có đề nghị quân đội Trung Quốc hỗ trợ, bà Lâm tuyên bố chính quyền đặc khu vẫn tự tin có thể đối phó với tình hình hiện tại.
Bắc Kinh lên tiếng mạnh mẽ
Trong diễn biến liên quan, phát ngôn viên Ủy ban Các vấn đề lập pháp thuộc quốc hội Trung Quốc Tang Thiết Vĩ hôm qua chỉ trích rằng tòa án Hồng Kông vượt quá thẩm quyền khi ra phán quyết tuyên bố quy định cấm người biểu tình đeo mặt nạ là vi hiến. Tân Hoa xã dẫn lời ông Tang tuyên bố chỉ có quốc hội mới có quyền phán quyết một quy định có phù hợp với bộ luật Cơ bản của Hồng Kông hay không. Cùng ngày, phát ngôn viên Dương Quang của Văn phòng các vấn đề Hồng Kông và Macau thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc cảnh báo phán quyết của tòa án có thể gây tác động nghiêm trọng và tiêu cực tới tình hình chính trị - xã hội Hồng Kông.
Cùng ngày, chính quyền trung ương bổ nhiệm ông Đặng Bỉnh Cường làm cảnh sát trưởng Hồng Kông theo đề cử của Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga sau khi ông Lư Vĩ Thông về hưu sớm vào cùng ngày, theo Đài RTHK. Trong cuộc họp báo sau khi nhậm chức, ông Đặng bác bỏ những cáo buộc cho rằng cảnh sát đã dùng vũ lực quá mức. Ông nói rằng có rất nhiều hành động phạm luật xảy ra trong cuộc biểu tình nhưng đáng tiếc là người dân chỉ chĩa mũi dùi vào cảnh sát và nhắm mắt làm ngơ trước tình trạng bạo lực. Trong bài phỏng vấn trên tờ SCMP, ông Đặng nói rất đau lòng vì bạo lực đã lan rộng đến “rất gần với mức khủng bố” và cho rằng người dân cần lên án những hành vi này mạnh mẽ hơn vì “sự im lặng và dung thứ chỉ khuyến khích những kẻ cực đoan đeo mặt nạ gieo rắc sự tàn phá”.
Tính đến hôm qua, đường hầm xuyên biển nối đảo Hồng Kông với phần đất liền ở khu Cửu Long vẫn chưa mở cửa do bị thiệt hại nặng, một số tuyến tàu điện và đường bộ cũng ngừng hoạt động. Trong khi đó, Cục Giáo dục Hồng Kông thông báo các trường cấp một và cấp hai sẽ mở cửa trở lại vào hôm nay.
BẢO VINH