08/01/2025

Có những người thầy không cầm phấn…

Ngày 20-11, cô giáo về hưu mang bó hoa rất đẹp đến nhà anh thanh niên hướng dẫn mình trong lớp trị liệu. Anh lúng túng vì chưa từng nghĩ mình là thầy…

 

Có những người thầy không cầm phấn…

Ngày 20-11, cô giáo về hưu mang bó hoa rất đẹp đến nhà anh thanh niên hướng dẫn mình trong lớp trị liệu. Anh lúng túng vì chưa từng nghĩ mình là thầy…

 

 


Có những người thầy không cầm phấn... - Ảnh 1.

Năm về nghỉ hưu, cô giáo chủ nhiệm cũ của tôi mới đi học lại. Cô chọn một lớp học về trị liệu để tự chữa bệnh cho mình và cho gia đình. 

 

Người dạy cô là một thanh niên trẻ chỉ xấp xỉ tuổi con gái lớn của cô. Cô trân trọng gọi anh ấy là thầy. Vốn là một người cẩn trọng, chăm chỉ và đam mê, sau khi học xong cô đã chữa khỏi một số bệnh cho mình và cho mọi người xung quanh. 

Thỉnh thoảng cô vẫn đến thăm thầy, ngày 20-11 cô mang một bó hoa rất đẹp đến nhà thầy. Cô thì cười tươi, còn anh ấy thì lúng túng vì anh ấy chưa từng nghĩ mình là thầy, chỉ nghĩ mình có chút kinh nghiệm, truyền dạy lại cho mọi người để giúp ích cho mọi người mà thôi.

Câu chuyện của cô giáo tôi khiến tôi nhớ đến một cô bé khi mới 13 tuổi, sau kỳ nghỉ hè tham gia một câu lạc bộ bơi lội, cô ấy đã viết một bức thư cho thầy giáo dạy bơi. 

“Tôi luôn nhớ và biết ơn một người thầy, dù chưa bao giờ cầm phấn, không bao giờ có giáo án, và cũng chưa từng một lần đứng trên bục giảng nhưng đã dạy cho tôi bài học sinh tồn vô cùng bổ ích, truyền cho tôi niềm đam mê mãnh liệt đối với môn bơi lội…”. 

Sau này, khi được chọn vào đội tuyển bơi lội, những dịp hè cô lại trở về lớp dạy bơi cũ, dạy các em nhỏ trong nhóm bơi như một sự tri ân với người thầy giáo cũ của mình.

Bản thân tôi cũng là người dạy học, trong quá trình làm việc, tôi cũng tham gia nhiều lớp học khác nhau, được tiếp xúc với nhiều người có thể bổ sung, giúp đỡ mình một cách hiệu quả để mình bù đắp được những phần thiếu hụt. Khi biết mình cần gì, tôi biết nên tìm đến đâu và đến với ai. 

Những người thầy tôi tìm đến có thể là những người đang làm việc trong ngành giáo dục; có những người tôi tìm đến chỉ là những chuyên gia trong những lĩnh vực tôi cần. Họ cũng chưa từng làm thầy nhưng họ đã chỉ dẫn một cách nhiệt thành cho tôi những điều tôi đang cần từ phía họ. 

 

Tôi trân trọng và kính phục những con người ấy và vẫn trân trọng gọi họ là thầy vì những điều đã học được từ họ.

Việt Nam là một đất nước có truyền thống trọng thầy trọng chữ, trong suốt quá trình lịch sử, người thầy luôn được xã hội coi trọng và đề cao. Ông cha ta có câu: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” nhưng chữ “tự” đến nay cũng đã cần thay đổi. Người thầy không chỉ là những người dạy chữ, dạy cho ta những tri thức mới, người thầy còn là người có thể bổ sung cho ta những điều ta đang cần thiết.

Ngày 20-11 là ngày tri ân các thầy cô giáo, những người làm trong nghề giáo dục. Vào ngày này, không chỉ các cơ quan đoàn thể, không chỉ các thầy cô giáo mà cả các học trò cũ cũng luôn nhớ đến mái trường, luôn nhớ đến những người thầy người cô đã tận tâm dạy dỗ chỉ bảo chăm lo cho mình là một minh chứng về truyền thống quý báu đó.

Cũng ngày này, không ít người nhớ về những người thầy trong lòng họ lặng lẽ ân cần và đầy đam mê tâm huyết. Họ chính là nơi khơi nguồn cảm hứng học tập, là nơi ươm lên khát vọng để đến một khởi đầu mới, một tương lai tươi sáng. 

Những người thầy, người cô ấy cũng cần được tôn vinh bởi họ, dù nhỏ bé, đã góp phần thắp lên ngọn lửa ước mơ cho những học trò để nhân lên những điều nhân ái, những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Xu hướng học tập suốt đời khiến cho mỗi cá nhân có cơ hội tiếp cận, lựa chọn, thụ hưởng nhiều hình thức học tập và cơ hội học tập khác nhau. Chính vì vậy mục đích học tập, môi trường học tập của mỗi cá nhân cũng khác nhau. Và người hướng dẫn, giảng dạy cho họ cũng không chỉ là những người thầy trong các nhà trường hay trong các lớp học quy củ.

 

 

HẢI SA