11/01/2025

Thầy giáo dạy văn ‘lên đồng’ vừa dạy, vừa diễn hài, hát, vẽ

‘Học Truyện Kiều, thầy vẽ con đường từ nhà Thúy Kiều đến nhà Kim Trọng, rồi sông Tiền Đường, lầu Ngưng Bích. Có khi thầy đóng vai Romeo lẫn Juliet khiến cả lớp như nín thở, tròn xoe mắt theo dõi’.

 

Thầy giáo dạy văn ‘lên đồng’ vừa dạy, vừa diễn hài, hát, vẽ

 ’Học Truyện Kiều, thầy vẽ con đường từ nhà Thúy Kiều đến nhà Kim Trọng, rồi sông Tiền Đường, lầu Ngưng Bích. Có khi thầy đóng vai Romeo lẫn Juliet khiến cả lớp như nín thở, tròn xoe mắt theo dõi’.


 

Thầy giáo dạy văn lên đồng vừa dạy, vừa diễn hài, hát, vẽ - Ảnh 1.

 

Thầy Võ Kim Bảo trong một tiết dạy – Ảnh: H.HG.

 

Chúng tôi đến Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM) tìm thầy Võ Kim Bảo từ lời gợi ý của một phụ huynh lớp 9. ‘Đó là thầy dạy văn, con mình nói thầy dạy văn rất hấp dẫn: vừa kể chuyện vừa diễn kịch (có khi là hài kịch), vừa hát, vừa vẽ…’.

Vị phụ huynh trên còn chia sẻ: “Trước đây con mình ghét môn văn lắm vì nó chê môn này rườm rà, không thực tế. Nhưng từ khi được học thầy Bảo, con mình lại yêu thích môn văn và chờ mong những tiết dạy của thầy để bây giờ nó “thay đổi thái độ”: Không ngờ môn văn lại thú vị đến thế!”.

Tiết học tràn đầy tiếng cười

Một ngày giữa tháng 11-2019, chúng tôi đến Trường THCS Nguyễn Du để xin được dự một tiết dạy của thầy Bảo ở lớp 9/3. Hôm ấy, thầy dạy tác phẩm Bài thơ về tiểu đội xe không kính. Thầy Bảo không đứng trên bục giảng mà ngồi ở cuối lớp. 

Thì ra đó là ngày học sinh lớp 9/3 thử làm giáo viên với bốn nhóm. Mỗi nhóm sẽ cùng nhau soạn “giáo án” dưới sự gợi ý và hướng dẫn của thầy, sau đó lên “giảng bài” cho cả lớp nghe. Sau khi “giảng” xong, các nhóm khác sẽ nhận xét, góp ý với bạn. Cuối cùng, thầy giáo mới “chốt” lại bài và chấm điểm.

Tiết học trôi qua thật nhanh với những tràng cười, tràng pháo tay giòn giã của học sinh và cả thầy giáo. Chúng tôi có cảm giác mình đang dự một tiết học ngoại khóa bởi sự thoải mái, vui tươi, không khí sinh động của lớp học – nhất là những lúc học sinh diễn tả bằng hành động để thể hiện nội dung của tác phẩm.

Thầy Bảo cho biết để có tiết học này, thầy đã phải chuẩn bị và làm việc cùng với học sinh từ trước đó ba tuần để giao việc, chỉnh sửa… “giáo án” cho các em. Sau khi các nhóm trình bày, thầy Bảo sẽ dành một tiết để giảng lại tác phẩm trên, đặc biệt là những chi tiết mà học sinh chưa “thấm” khi nghe các bạn của mình thuyết giảng.

Theo thầy Bảo, ngoài những tiết dạy theo kiểu truyền thống, thầy đã kết hợp với những phương pháp giảng dạy hiện đại như trên để học sinh được hoạt động nhiều hơn. Các em cần rèn kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, chủ động học tập và tự tìm tư liệu cho bài học của mình… 

Tùy vào mỗi bài học, thầy Bảo sẽ chọn phương pháp giảng dạy phù hợp nhất với học sinh của từng lớp.

Thầy Bảo cho biết: “Đổi mới phương pháp giảng dạy không có nghĩa là phủ nhận hoàn toàn phương pháp dạy học truyền thống mà cần kết hợp nhuần nhuyễn, phù hợp giữa phương pháp dạy truyền thống và hiện đại. Thời đại 4.0, học sinh có rất nhiều hình thức để thu thập kiến thức. Vì vậy tôi phải đọc và học rất nhiều để khi lên bục giảng, mình thể hiện sự hiểu biết đúng nghĩa của một người thầy”.

Ông thầy đa tài

 

Giờ ra chơi, chúng tôi xin được nói chuyện với các em học sinh thì các em liên tiếp kể: nào là thầy giảng bài như “lên đồng”, tràn đầy cảm xúc; nào là thầy nói rất nhanh nhưng rất lưu loát, cứ như bài dạy đã được chuẩn bị từ lâu lắm; nào là mỗi lần cần minh họa cho một điều gì đó là thầy có ngay một câu chuyện hay. 

“Tụi em gọi thầy Bảo là ‘chuyên gia kể chuyện bằng hình ảnh’ vì thầy vẽ đẹp mà còn vẽ nhanh nữa. Ví dụ học về Truyện Kiều, thầy sẽ vẽ con đường từ nhà Thúy Kiều đến nhà Kim Trọng, rồi sông Tiền Đường, rồi lầu Ngưng Bích…” – một học sinh nói.

Bạn Gia Huy, học sinh lớp 9/1, nói “đã thay đổi 180 độ từ khi gặp thầy”. Nếu như trước kia vào giờ văn em Huy thụ động ngồi im như một cái bóng, cầu cứu đến “văn mẫu”, điểm cứ lẹt đẹt ở mức trung bình thì giờ đã khác. 

“Học với thầy Bảo, em mới nhận ra môn văn rất cần thiết trong cuộc sống” – Huy nói. Một học sinh lớp 9/1 khác thì kể được ba mẹ cho học thêm với những giáo viên dạy văn nổi tiếng của thành phố nhưng vẫn thấy tiết dạy của thầy Bảo cực kỳ thú vị. 

“Có lần thầy kể chuyện về Romeo và Juliet và đóng cả hai vai khiến cả lớp như nín thở, tròn xoe mắt theo dõi. Thầy còn có biệt tài ca hát và bắt đúng “hot trend” để dùng những từ ngữ thật gần gũi trong bài giảng nữa” – học sinh này cho biết.

Bắt nguồn từ đam mê “thích nói trước đám đông”, thầy Võ Kim Bảo đã dự thi vào ngành sư phạm văn của Trường ĐH Sài Gòn. Tốt nghiệp ĐH năm 2013, thầy Bảo được phân công về giảng dạy tại Trường THCS Nguyễn Du. 

“Kinh nghiệm từ chính bản thân tôi ngày xưa: rất thích môn văn nhưng không giỏi văn cho đến năm lớp 11, tôi gặp được một thầy giáo dạy văn tuyệt vời. Thầy đã hướng dẫn chúng tôi phương pháp học văn không vất vả mà vẫn hiệu quả. 

Từ kinh nghiệm đó, tôi chọn cho mình một phương pháp giảng dạy vui vẻ, nhẹ nhàng nhưng học sinh phải “thấm”, phải hiểu bài và biết cách làm bài, biết diễn đạt ý tứ của mình bằng tiếng nói và chữ viết” – thầy Bảo chia sẻ.

Trẻ, nhiệt huyết, tâm lý, có tinh thần tự học…

Nói về đồng nghiệp Võ Kim Bảo, cô Lê Thị Quy Thục, phó hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, cho biết thầy Bảo là giáo viên trẻ (28 tuổi – NV) của trường. Thầy là người có niềm đam mê nghề nghiệp cháy bỏng, rất nhiệt huyết và năng nổ, thường xuyên cập nhật và áp dụng những phương pháp giáo dục hiện đại, mới mẻ vào tiết dạy của mình. Tiết dạy của thầy Bảo luôn tràn đầy cảm xúc nên học sinh Trường THCS Nguyễn Du rất thích thú và hào hứng khi được học với thầy.

Đặc biệt, thầy có tinh thần tự học rất cao. Ngoài tiếng Anh, thầy đang nỗ lực học thêm một ngoại ngữ nữa để phục vụ cho việc giảng dạy. Mặc dù đã có năng khiếu văn nghệ thể hiện qua việc hát, múa… nhưng thầy còn đi học thêm về mỹ thuật, diễn xuất… để minh họa cho bài dạy.

Ngoài ra, thầy còn rất thành công trong vai trò chủ nhiệm vì thầy hiểu tâm lý học trò, xử lý rất linh hoạt và thành công với những “ca” khó.

 

 

HOÀNG HƯƠNG