11/01/2025

Nỗi buồn từ một sân chơi

Sáng 16-11, Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM tổ chức Cosplay History Festival lần 1 (Ngày hội hoá thân thành các nhân vật lịch sử) với sự tham gia của học sinh 8 trường THPT trên địa bàn quận 1, quận 3.

 

Nỗi buồn từ một sân chơi

Sáng 16-11, Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM tổ chức Cosplay History Festival lần 1 (Ngày hội hoá thân thành các nhân vật lịch sử) với sự tham gia của học sinh 8 trường THPT trên địa bàn quận 1, quận 3.


 

Nỗi buồn từ một sân chơi - Ảnh 1.

 

Tiết mục hoá thân thành Trưng Trắc, Trưng Nhị của học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn – Ảnh: H.HG.

 

Theo ban tổ chức chương trình, ngày hội không chỉ là một sân chơi đơn thuần mà còn nhằm mục đích khơi gợi, truyền cảm hứng học lịch sử cho học sinh khối lớp 10 và 11. 

Thế nhưng, người dự khán đã rất ngạc nhiên khi thấy đa số học sinh đều chọn các nhân vật của lịch sử thế giới để hóa thân. Những nhân vật nổi tiếng như: Abraham Lincoln, Alan Turing, Cleopatra, Marie Antoinette, Elizabeth I, Đát Kỷ, Điêu Thuyền, Vương Chiêu Quân, Võ Tắc Thiên… lần lượt được các em học sinh tái hiện trên sân khấu. 

Còn những nhân vật của lịch sử Việt Nam chỉ chiếm một phần nhỏ trong ngày hội.

Phan Ngọc Thùy Đoan, học sinh lớp 10D2 Trường THPT Lê Quý Đôn, giải thích về việc hóa thân thành Võ Tắc Thiên: “Nhóm của em cũng muốn chọn một nhân vật của lịch sử Việt Nam nhưng rất khó. Bởi những nhân vật quen thuộc như bà Trưng Trắc, Triệu Thị Trinh hay Bùi Thị Xuân thì đã có nhóm khác chọn rồi. Những nhân vật khác nữa thì các kênh tham khảo lại không có nhiều…”.

 

Được biết, các tiết mục cosplay đều được các giáo viên lịch sử chấm điểm và vào sổ điểm thay cho cột điểm kiểm tra 15 phút hoặc 1 tiết (tùy theo lớp). Thế nên, đa số học sinh đều bộc bạch rằng: các em chọn những nhân vật đã được đưa lên phim, kịch… nhiều nhất. Vì như thế học sinh sẽ được tham khảo về trang phục, thần thái…

Thầy Nguyễn Viết Đăng Du, tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn, giải thích: “Chương trình này cho phép học sinh được tự do chọn lựa nhân vật lịch sử mà mình yêu thích để hóa thân. Giáo viên lịch sử không thể ép buộc học sinh phải chọn nhân vật của sử Việt Nam vì như thế có khi lại tạo tác dụng ngược”.

Ông Du cho biết: “Có 19/45 tiết mục hóa thân thành nhân vật của lịch sử Việt Nam. Điều này khiến người lớn chúng ta phải suy ngẫm – nhất là những nhà giáo dục và xã hội học. Tôi cho rằng nguyên nhân trước hết là do chương trình giáo dục lịch sử của ta chưa chú trọng vào các nhân vật lịch sử mà chú trọng vào các sự kiện nhiều hơn. Thứ hai, kênh phim ảnh để tuyên truyền về các nhân vật lịch sử Việt Nam không nhiều và nếu có thì chưa thực sự hấp dẫn giới trẻ”.

 

 

HOÀNG HƯƠNG