Trồng giống chất lượng cao để gạo Việt vươn xa
Sự kiện gạo ST25 được chọn là gạo ngon nhất thế giới không chỉ nâng uy tín của gạo Việt trên thương trường mà đã trở thành ‘cú hích’ cho cả doanh nghiệp xuất khẩu lẫn chính quyền và nông dân.
Trồng giống chất lượng cao để gạo Việt vươn xa
Sự kiện gạo ST25 được chọn là gạo ngon nhất thế giới không chỉ nâng uy tín của gạo Việt trên thương trường mà đã trở thành ‘cú hích’ cho cả doanh nghiệp xuất khẩu lẫn chính quyền và nông dân.
Ghi nhận thực tế cho thấy nhiều địa phương ĐBSCL đã và đang khuyến cáo nông dân trồng giống tốt, hạn chế chạy theo số lượng.
Tập trung làm giống chất lượng cao
Ông Phạm Minh Thiện – tổng giám đốc Công ty TNHH Cỏ May (Đồng Tháp) – cho biết sự kiện gạo ST25 đạt danh hiệu gạo “ngon nhất thế giới” là sự khích lệ đối với ngành gạo của VN, góp phần quảng bá thương hiệu gạo Việt trong bối cảnh xuất khẩu gạo gặp khó khăn như hiện nay.
Theo ông Thiện, cần sự chung tay của doanh nghiệp, bộ ngành và các địa phương trong việc xây dựng thương hiệu gạo Việt, trong đó việc quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu gạo là vô cùng cần thiết.
“Chúng tôi định hướng phát triển đi theo dòng gạo cao cấp. Nhiều năm qua, Công ty Cỏ May đã xây dựng vùng nguyên liệu tập trung gắn với chuỗi liên kết bao tiêu” – ông Thiện nói.
PGS.TS Dương Văn Chín, chủ tịch Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp Định Thành thuộc Tập đoàn Lộc Trời, cũng cho rằng các ngành chức năng nên ưu tiên số 1 đối với các loại giống đoạt giải mà thế giới vinh danh để bán gạo chất lượng cao ra thị trường thế giới.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hiền – chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh An Giang – cho biết hiện tại tỉnh đã trồng 437.000ha lúa chất lượng cao, đạt trên 70% diện tích, cung ứng ra thị trường trên 2,8 triệu tấn/năm.
“An Giang là tỉnh đứng đầu khu vực về lúa gạo nên sắp tới chúng tôi sẽ tham mưu UBND tỉnh có kế hoạch trồng giống ST25 trên địa bàn tỉnh” – ông Hiền nói.
Tương tự, ông Lương Minh Quyết – giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng – cho hay từ năm 2013, tỉnh đã điều chỉnh quy hoạch và xây dựng đề án sản xuất lúa đặc sản. Đến nay, hơn 50% diện tích đất trồng lúa đã được chuyển đổi bằng các giống lúa chất lượng cao.
Riêng nhóm giống lúa thơm ST, tỉnh dành ưu ái để “nàng thơm” từ ST1 đến ST25 bén duyên trồng trên đất Sóc Trăng. “Sắp tới, giống lúa thơm ST25 cũng được tỉnh phát triển theo hướng sản xuất hữu cơ như đàn em ST24” – ông Quyết cho biết.
Phát triển giống lúa giàu dinh dưỡng
TS Trần Ngọc Thạch, viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho rằng hiện tại người dân có xu hướng trồng các loại giống lúa nhiều dinh dưỡng, gạo chức năng và doanh nghiệp cũng đầu tư chế biến các sản phẩm khác từ gạo.
“Tôi cho rằng đây là chuyện tất yếu. Chúng ta không chỉ dừng lại ở việc làm ra hạt lúa, sử dụng mà sản phẩm hạt lúa đó phải chế biến thành bột hay những sản phẩm giá trị gia tăng nào khác. Sắp tới viện sẽ thành lập bộ môn nghiên cứu chế biến sau gạo” – ông Thạch nói.
Theo ông Thạch, Bộ NN&PTNT vừa giao viện thực hiện 3 dự án liên quan đến sản xuất giống lúa gồm dự án sản xuất giống lúa phục vụ xuất khẩu, trung tâm giống sản xuất giống nguyên chủng.
Dự án sản xuất thuộc chương trình sản phẩm quốc gia lúa gạo; và dự án khuyến nông, hỗ trợ các nông hộ sản xuất giống. Với ba dự án này sẽ đáp ứng nhu cầu giống lúa cho người dân ĐBSCL.
GS Võ Tòng Xuân (chuyên gia nông nghiệp Việt Nam):
3 việc cần làm ngay
Nhu cầu gạo cấp cao (gạo thơm, hạt dài) của thế giới đang tăng nên VN có cơ hội lớn vào thị trường này nhờ có giống mới ST25 vừa được vinh danh là “gạo ngon nhất thế giới” tại Philippines. Lợi điểm của lúa ST25, ngoài có đặc tính cơm ngon và thơm, là giống lúa ngắn ngày không quang cảm (khác với các giống lúa thơm của Thái Lan, Campuchia, Lào… là giống lúa mùa năng suất thấp, dài ngày, chỉ trồng được 1 vụ/năm).
Vì vậy theo tôi, đã đến lúc Nhà nước cần làm ngay ba vấn đề sau: Thứ nhất, phải quyết liệt sắp xếp lại ngành sản xuất lúa gạo một cách bài bản, sản xuất theo chuỗi; doanh nghiệp phải xây dựng vùng nguyên liệu lớn để sản xuất đồng nhất một loại giống, hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, giảm giá thành, làm ra gạo đẹp, ngon cơm, an toàn.
Thứ hai, phải quản lý chặt chẽ các nhà sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu, khuyến cáo nông dân thay đổi nhận thức không sản xuất lúa bằng việc sử dụng thuốc trừ sâu vô tội vạ như lâu nay khiến gạo của VN bị cho là không an toàn. Thứ ba, phải xóa bỏ ngay tư duy chạy đua làm lúa thật nhiều, sản lượng thật cao mà tập trung đầu tư làm giống tốt, nâng cao chất lượng hạt gạo ngon, an toàn. (H.T.D. ghi)
Ông Lê Thanh Tùng (phó cục trưởng Cục Trồng trọt – Bộ NN&PTNT):
Phải bảo vệ hình ảnh cho hạt gạo ST25
Ở góc độ của ngành trồng trọt, chúng tôi đang nỗ lực để làm sao quản lý được các giống lúa thơm chất lượng cao, trong đó có các loại lúa ST và ST25 thật chặt chẽ để tránh sự phát tán tự phát của người dân và doanh nghiệp làm ảnh hưởng đến uy tín của gạo thơm đặc sản Việt Nam.
Để giữ giống lúa quý giá thì không phải người dân nào hay doanh nghiệp nào cũng tự do nhân giống được, mà chỉ có những đơn vị đảm bảo đủ điều kiện mới có thể làm. Nếu không đủ trình độ, nhân lực và cam kết rất có thể sẽ làm giảm chất lượng giống lúa. Chưa kể, một số người còn lợi dụng việc lúa ST25 đoạt giải để bán các giống lúa không đảm bảo chất lượng nhưng cũng gọi là các giống ST.
Cục trồng trọt đã làm việc với tác giả của các giống lúa ST Hồ Quang Cua để phối hợp kiểm soát chất lượng cũng như phát triển giống lúa này. Chúng tôi đã nghiên cứu cho thấy các vùng đất phù hợp với giống lúa này để cho ra loại gạo có chất lượng ngon nhất chứ không phải vùng nào cũng trồng được.
Có giống lúa tốt, có vùng trồng phù hợp để tạo ra hạt lúa chất lượng cao, nhưng để giữ những phẩm cấp ấy ra những bao gạo, đưa tới tay người tiêu dùng là câu chuyện mà các doanh nghiệp phải tham gia và thực sự làm để nâng cao giá trị hạt gạo. (Trần Mạnh ghi)