Sinh viên tự thiêu vì nghèo, ngành giáo dục Pháp khủng hoảng
Hỗn loạn bùng nổ tại các trường đại học của Pháp sau khi Anas K, sinh viên 22 tuổi tại thành phố Lyon, châm lửa tự thiêu.
Sinh viên tự thiêu vì nghèo, ngành giáo dục Pháp khủng hoảng
Hỗn loạn bùng nổ tại các trường đại học của Pháp sau khi Anas K, sinh viên 22 tuổi tại thành phố Lyon, châm lửa tự thiêu.
Cuộc khủng hoảng trong ngành giáo dục Pháp bùng nổ khi biểu tình đòi thay đổi chính sách diễn ra tại nhiều thành phố ở nước này, sau khi một sinh viên tự thiêu vì không chịu nổi áp lực tài chính và một tương lai mịt mờ.
Hỗn loạn bùng nổ tại các trường đại học của Pháp sau khi Anas K, sinh viên 22 tuổi tại thành phố Lyon, châm lửa tự thiêu vào cuối tuần trước bên ngoài một trung tâm hỗ trợ sinh viên và đang trong tình trạng nguy kịch vì phỏng đến 90%.
Trong thông điệp trên Facebook, sinh viên này cho biết cuộc sống của mình bế tắc hơn sau khi bị mất khoản hỗ trợ 450 euro mỗi tháng vì phải học lại năm thứ hai.
“Tôi cáo buộc các ông Emmanuel Macron, (các cựu tổng thống) Francois Hollande, Nicolas Sarkozy và Liên minh châu Âu đã giết tôi khi tạo một tương lai bất ổn cho mọi người… Mong muốn cuối cùng của tôi là các sinh viên tiếp tục đấu tranh và chấm dứt chuyện này” – Anas để lại thông điệp cho Bộ Giáo dục và Chính phủ Pháp.
20% sinh viên dưới mức nghèo
Sự tuyệt vọng của Anas nhận được sự đồng cảm của giới sinh viên và lập tức khuấy động biểu tình tại nhiều thành phố từ Lyon, Paris đến Lille.
Tại thủ đô Paris, người biểu tình vẽ dòng chữ “kẻ giết người” lên tường và kêu gọi Bộ trưởng Frédérique Vidal từ chức, theo AFP.
Phong trào biểu tình đòi chính phủ phải tăng cường các khoản hỗ trợ sinh viên, giúp đỡ họ về chỗ ở, chấm dứt tình trạng sinh viên phải làm thêm nhiều để kiếm sống…
Chỉ khoảng 1/3 sinh viên Pháp nhận được hỗ trợ từ chính phủ, tối đa là 550 euro – mức chỉ đủ trả tiền nhà tại nhiều thành phố của nước này.
“Nhiều sinh viên phải ngủ trong xe hay ngoài đường đã tìm đến Hội Sinh viên Pháp (UNEF) nhờ giúp đỡ. 42% sinh viên trong một cuộc khảo sát của nhóm bảo hiểm sinh viên cho biết họ không thể đi khám bác sĩ vì không có tiền” – Mélanie Luce, chủ tịch UNEF, nói.
“46% sinh viên Pháp phải đi làm trong một số thời gian của khóa học” – Damien Charte, 23 tuổi, một nhà hoạt động sinh viên tại Đại học Clermont-Ferrand, nói.
Đây là một phần nguyên nhân khiến nhiều sinh viên trượt các kỳ thi trong khóa học. Số liệu của Chính phủ Pháp năm 2016 cho thấy gần 1/3 sinh viên phải học lại năm đầu và chỉ 28,4% lấy được bằng sau ba năm. Năm 2017, ước tính 20% sinh viên Pháp sống dưới mức nghèo.
Tranh cãi
Nhiều sinh viên dù ủng hộ đòi hỏi của phong trào biểu tình nhưng không chấp nhận được hành động của Anas. “Tự thiêu là một dấu hiệu rằng anh là một người hèn yếu. Luôn có thể vượt qua dù không có tiền, luôn luôn có giải pháp” – sinh viên 20 tuổi Fares nói trên tờ The Local của Pháp.
Pablo, sinh viên 23 tuổi khác, cho rằng việc tấn công Bộ Giáo dục là kết quả của việc không có kênh đối thoại với sinh viên.
Chính phủ Pháp đang theo dõi cuộc biểu tình với lo ngại nó có thể nhập với cuộc biểu tình của phe “áo vàng” dự kiến diễn ra đầu tháng sau.
Trong phát biểu ngày 13-11, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông qua người phát ngôn chính phủ Sibeth Ndiaye bày tỏ sự cảm thông với Anas. Tuy nhiên, bà Ndiaye khẳng định bi kịch của sinh viên này không phải là cái cớ cho cuộc biểu tình bởi theo bà, số lượng học bổng cho sinh viên khó khăn đã tăng 1,1% cho năm học 2019-2020.
Cựu tổng thống Hollande hôm 13-11 cũng ra tuyên bố xoa dịu cơn phẫn nộ của sinh viên, nhưng “lấy làm tiếc vì cảm xúc của họ biến thành bạo lực… khiến không còn chỗ cho đối thoại”. Ông cho biết cuộc biểu tình đã cướp đi cơ hội của hơn 1.000 sinh viên đối thoại với ông về dân chủ.
Tuy nhiên, Bastien Pereira Besteiro – một nhà hoạt động tại Đại học Lyon 2 – khẳng định các cuộc biểu tình sẽ tiếp diễn đến khi chính phủ đưa ra giải pháp phù hợp.
Tổng thống Emmanuel Macron trong chiến dịch tranh cử năm 2017 cam kết “tăng cường hệ thống hỗ trợ tài chính đại học và sinh viên trong các gia đình không giàu có sẽ không bị thiệt thòi trong học tập”.
Ông cũng hứa sẽ thiết lập hệ thống học bổng công bằng và tiến bộ hơn. Tuy nhiên, những lời hứa này vẫn bỏ ngỏ. Năm ngoái, nhằm giảm thâm hụt ngân sách, ông Macron thậm chí cắt giảm hỗ trợ về nhà ở cho sinh viên.