25/01/2025

Mỹ Latin trong vòng xoáy biến động

Ngày 12-11, cựu tổng thống Bolivia Evo Morales đã phải lên đường sang Mexico tị nạn chính trị, sau khi kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Bolivia bị cho là có gian lận và hàng ngàn người đổ xuống đường phản đối.

 

Mỹ Latin trong vòng xoáy biến động

Ngày 12-11, cựu tổng thống Bolivia Evo Morales đã phải lên đường sang Mexico tị nạn chính trị, sau khi kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Bolivia bị cho là có gian lận và hàng ngàn người đổ xuống đường phản đối.


 

Mỹ Latin trong vòng xoáy biến động - Ảnh 1.

Người ủng hộ cựu tổng thống Evo Morales và những người dân bất mãn với tình hình chính trị Bolivia đụng độ với cảnh sát chống bạo động ở thành phố La Paz, Bolivia hôm 13-11 – Ảnh: AFP

 

Nhưng Bolivia không phải là trường hợp cá biệt ở Mỹ Latin trải qua những biến động và bất ổn chính trị từ đầu năm đến nay. Vậy điều gì đang diễn ra tại Mỹ Latin?

Hàng loạt nước bất ổn

Từ đầu năm đến nay, nhiều quốc gia ở Mỹ Latin đã rơi vào bất ổn mà lý do châm ngòi cho những biến động này xuất phát từ nhiều vấn đề khác nhau ở mỗi nước. Tuy nhiên, tựu trung đều cho thấy các nước Mỹ Latin đang gặp phải những thách thức từ chính trị, kinh tế cho đến xã hội có thể bùng nổ, đưa đất nước rơi vào khủng hoảng bất cứ lúc nào.

Bolivia là trường hợp mới nhất rơi vào bất ổn mà nguồn gốc là từ cuộc bầu cử tổng thống diễn ra ngày 20-10 vừa qua, trong đó ông Morales – người đã giữ chức tổng thống Bolivia gần 14 năm, đã tự nhận là chiến thắng.

Tuy nhiên, Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (gồm 35 nước châu Mỹ) – cơ quan giám sát bầu cử – thông báo đã có những “hành vi thao túng” trong bầu cử, khuyến nghị hủy bỏ kết quả và tổ chức vòng bầu cử tiếp theo. Ông Morales đã bác bỏ và tuyên bố nhậm chức nhiệm kỳ thứ tư, một động thái khiến người dân phẫn nộ, xuống đường. Và khi quân đội, cảnh sát quay sang ủng hộ người biểu tình, Morales buộc phải từ chức.

Trước Bolivia, Chile – một quốc gia phát triển hàng đầu ở Mỹ Latin (nước hiếm hoi trong danh sách “nước phát triển” theo định nghĩa của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế) và từ lâu đã tự hào là “ốc đảo bình yên” ở Mỹ Latin – cũng đã rơi vào khủng hoảng, dẫn đến việc tổng thống Chile phải hủy bỏ việc đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao APEC và Hội nghị cấp cao về biến đổi khí hậu.

Lý do của việc này đơn giản xuất phát từ quyết định của chính quyền tăng giá vé phương tiện công cộng vào giờ cao điểm từ 800 lên 830 peso ở thủ đô Santiago. Đây là quyết định làm tràn ly trong bối cảnh kinh tế Chile đang gặp khó, đã khiến hàng ngàn người xuống đường biểu tình phản đối và gây tê liệt thủ đô Santiago.

Còn ở nhiều nước khác, bất ổn cũng lan tràn. Venezuela bên cạnh khó khăn về kinh tế còn rơi vào tình trạng một nước hai chính quyền với hai tổng thống là tổng thống đương nhiệm Nicolas Maduro và tổng thống tự xưng Juan Guaido. Tại Peru, trong cuộc đối đầu với quốc hội gồm đa số các nghị sĩ đối lập, tổng thống đã tuyên bố giải tán quốc hội và tiến hành bầu cử sớm.

Tại Ecuador, hàng trăm ngàn người biểu tình đã xuống đường sau khi chính phủ quyết định cắt giảm trợ cấp xăng dầu. Mexico tiếp tục chìm trong vòng xoáy bạo lực trong cuộc chiến chống lại các băng đảng ma túy khiến nhiều dân thường và cảnh sát thiệt mạng. Những cuộc biểu tình phản đối cũng đang làm tê liệt Nicaragua, Haiti… và nhiều nơi khác ở Mỹ Latin.

Vì sao?

Lý do của tình trạng bất ổn định này muôn màu muôn vẻ nhưng đều có nguồn gốc từ những vấn đề chung nhất mà từ những nước giàu có như Chile, Argentina cho đến những nước nhỏ, nghèo như Haiti, Nicaragua gặp phải. Đó là những khó khăn về kinh tế, bất bình đẳng xã hội và sự mất lòng tin về chính trị.

Không khó khi những khó khăn về kinh tế trở thành nguồn gốc cho các cuộc biểu tình và tình trạng bất ổn ở khu vực này. Những việc nhỏ như từ việc tăng giá vé tàu điện ngầm ở thủ đô Santiago của Chile cho đến việc Chính phủ Ecuador cắt giảm trợ cấp xăng dầu trong lúc đời sống khó khăn cũng đã khiến hàng trăm ngàn người bất bình, xuống đường.

Bên cạnh đó, lòng tin của người dân đối với chính quyền và chính trị gia ngày càng mất đi. Các chính trị gia Mỹ Latin, dù là cánh tả hay cánh hữu, sau khi thắng cử ít khi thực hiện các cam kết của mình mà tập trung vào việc duy trì quyền lực và thu vén cho lợi ích cá nhân.

Như trường hợp cựu tổng thống Bolivia Morales, khi nhậm chức gần 14 năm trước, ông là lãnh đạo người dân tộc bản địa đầu tiên và đã đạt những thành tựu nhất định trong tăng trưởng kinh tế và thu hẹp bất bình đẳng xã hội. Tuy nhiên, việc ông tìm cách duy trì quyền lực đã làm người dân bất bình.

Cuối cùng là tình trạng bất bình đẳng xã hội mà không có khu vực nào trên thế giới lại lớn như ở Mỹ Latin. Khoảng cách giữa những người giàu và người nghèo từ thời thuộc địa cho đến nay vẫn không hề thay đổi. Các nền kinh tế Mỹ Latin được thiết lập và vận hành để làm lợi cho một số ít người trong xã hội.

Ngay cả tại Chile, vốn được coi là “hình mẫu Chile” cho các nước Mỹ Latin khác học tập, cũng đã âm ỉ nhiều vấn đề xã hội. Không chỉ có giá vé phương tiện công cộng tăng mà người dân Chile còn bất bình về việc đóng góp nhiều mà giáo dục và y tế không hiệu quả, lương hưu thấp do bị các công ty tư nhân có quan hệ với chính phủ thao túng, và nhất là khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng (thu nhập của nhóm 10% người giàu nhất cao gấp 40 lần so với nhóm 10% người có thu nhập thấp trong xã hội).

Năm 2019 sắp qua đi và liệu rằng bình yên có quay trở lại với Mỹ Latin? Trong bối cảnh những khó khăn kinh tế ngày càng tăng và sự mất lòng tin vào chính quyền như hiện nay, có lẽ Bolivia sẽ không phải là trường hợp cuối cùng ở Mỹ Latin phải trải qua những biến động và bất ổn chính trị.

0,2%

Kinh tế Mỹ Latin sau thời kỳ tăng trưởng cao vào đầu những năm 2000, những năm gần đây rơi vào đình trệ. Quỹ Tiền tệ quốc tế dự đoán kinh tế khu vực Mỹ Latin chỉ tăng trưởng 0,2% trong năm nay, thấp nhất trong các khu vực trên thế giới, thậm chí nhiều nền kinh tế trong khu vực còn rơi vào suy thoái. Tại Argentina, đồng peso đã mất giá gần 600% so với đồng USD trong vòng hơn 3 năm qua.

 

 

 

TÔ HOÀNG