Hàng Trung Quốc ồ ạt đội lốt hàng Việt để né thuế
Qua kiểm tra, Tổng cục Hải quan đã phát hiện hàng loạt mặt hàng từ Trung Quốc bóc tem, dán đè, ghi xuất xứ Việt Nam… để gian lận thương mại, đột lốt, mượn đường sang Mỹ nhằm trốn thuế.
Hàng Trung Quốc ồ ạt đội lốt hàng Việt để né thuế
Qua kiểm tra, Tổng cục Hải quan đã phát hiện hàng loạt mặt hàng từ Trung Quốc bóc tem, dán đè, ghi xuất xứ Việt Nam… để gian lận thương mại, đột lốt, mượn đường sang Mỹ nhằm trốn thuế.
Hải quan Lạng Sơn bắt giữ hàng Trung Quốc nghi giả mạo xuất xứ Tiêu Phong
Thông tin trên được ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết tại hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về ngăn chặn gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại” do cơ quan này phối hợp cùng Bộ Công thương và USAID (Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ) tổ chức ngày 14.11.
Liên tiếp bắt giữ
Theo ông Tuấn, vụ điển hình Cục Hải quan TP.HCM vừa bắt giữ là lô hàng của Công ty TNHH B. tạm nhập từ Trung Quốc và tái xuất sang Mỹ. Cụ thể, doanh nghiệp (DN) này khai báo hàng là cáp internet nhưng qua kiểm tra thực tế lô hàng nhập khẩu, các sợi cáp quang mang hiệu Monster, trên bao bì sản phẩm có in sẵn dòng chữ “Made in Vietnam”.
Ngày 9.10, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1 cũng phát hiện bắt giữ lô hàng của một công ty. Theo khai báo hàng là quần áo nam nữ, xuất xứ Trung Quốc (có C/O mẫu E). Kết quả kiểm tra, ngoài một số mặt hàng quần áo xuất xứ ghi Trung Quốc (China), có 3.000 quần áo trên tem/mác thể hiện “Made in Vietnam” và 5.000 quần áo khác thể hiện “Made in Korea”.
Ở phía bắc, Cục Hải quan Hải Phòng cũng phát hiện một DN chế xuất 100% vốn đầu tư nước ngoài, nhập khẩu linh kiện từ Trung Quốc về Việt Nam. DN chỉ lắp ráp đơn giản các cụm linh kiện để xuất sang nước thứ ba. Khi kiểm tra cơ sở sản xuất của DN, không có máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất gì.
Mới đây, Cục Quản lý thị trường Hà Nội sau khi kiểm tra 5 địa điểm kinh doanh thương hiệu thời trang Seven.am đã lập biên bản tạm giữ hơn 9.035 sản phẩm của thương hiệu này do chưa xuất trình đầy đủ hóa đơn chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa. Ông Âu Anh Tuấn cho biết vụ này Tổng cục Quản lý thị trường đang chủ trì điều tra, xác minh. Tuy nhiên, Cục Điều tra chống buôn lậu của hải quan cũng đang vào cuộc rà soát, kiểm tra. “Theo rà soát ban đầu thì DN này rất lạ, hải quan mới phát hiện họ chỉ mở 1 tờ khai nhập hàng từ Trung Quốc về. Trong khi nhìn qua bao tải đựng hàng hóa của quản lý thị trường chụp ảnh và số lượng hàng hóa khổng lồ như vậy, cùng với báo chí phản ánh, chúng tôi nhận thấy rất nhiều bất thường. Có thể hàng hóa không đi qua đường chính ngạch mà bằng đường khác”, ông Tuấn cho hay.
Thủ đoạn tinh vi
Qua đấu tranh và kiểm tra thực tế, Tổng cục Hải quan đã chỉ rõ một loạt thủ đoạn, hành vi của các DN. Đối với hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam, hàng hóa khi nhập về để tiêu thụ trong nước đã ghi sẵn chữ “Made in Vietnam” hoặc trên bao bì sản phẩm, phiếu bảo hành đều ghi bằng tiếng Việt thông tin, nhãn hiệu, địa chỉ, trung tâm bảo hành Việt Nam. Một thủ đoạn khác là hàng hóa ghi “Made in China” nhưng khi đưa ra lưu thông, tiêu thụ nội địa, DN bóc nhãn hàng hóa và thay nhãn mới ghi “Made in Vietnam” hoặc “Xuất xứ Việt Nam”, “Sản xuất tại Việt Nam”.
“Họ thành lập nhiều công ty, mỗi công ty nhập khẩu một số cụm linh kiện, phụ tùng hoặc bộ phận tháo rời để lắp ráp hoặc bán cho công ty khác thực hiện gia công, lắp ráp. Công đoạn gia công đơn giản không đáp ứng được tiêu chí xuất xứ theo quy định nhưng ghi sản xuất tại Việt Nam hoặc xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ tại thị trường trong nước nhằm đánh lừa người tiêu dùng”, ông Âu Anh Tuấn cho biết.
Đối với hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam chuyển tải bất hợp pháp để xuất khẩu, theo ông Tuấn, hàng hóa nhập khẩu có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài. Khi đưa về nhà kho sản xuất hoặc trong quá trình vận tải đã được thay đổi nhãn thành hàng hoá có xuất xứ Việt Nam hoặc hợp thức hóa hồ sơ xin chứng nhận xuất xứ để xuất khẩu nhằm lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại của các nước.
Theo ông Claudio Dordi, Giám đốc Dự án Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ, có rất nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau về gian lận xuất xứ hàng hóa. Cụ thể, hàng hoá được nhà xuất khẩu chuyển qua Việt Nam nhưng khi xuất khẩu đi nước khác mà không có sự thay đổi nào về vật lý, hay nói cách khác là sản phẩm vẫn như vậy. Ngoài ra, sản phẩm tháo rời rồi xuất sang Việt Nam, sau đó trải qua công đoạn lắp ráp rất giản đơn thành sản phẩm hoàn chỉnh rồi xuất đi Mỹ, EU. “Sự lắp ráp đơn giản này không đủ để được coi hàng có xuất xứ Việt Nam”, ông Claudio Dordi khẳng định.
ANH VŨ