Đề xuất cắt quy chế kinh tế đặc biệt của Hong Kong nếu Trung Quốc đưa quân can thiệp
Uỷ ban đánh giá an ninh và kinh tế Mỹ – Trung (USCC) cho rằng Quốc hội Mỹ nên đình chỉ quy chế kinh tế đặc biệt dành cho Hong Kong nếu Trung Quốc đưa binh lính đến dập tắt biểu tình tại nơi này.
Đề xuất cắt quy chế kinh tế đặc biệt của Hong Kong nếu Trung Quốc đưa quân can thiệp
Uỷ ban đánh giá an ninh và kinh tế Mỹ – Trung (USCC) cho rằng Quốc hội Mỹ nên đình chỉ quy chế kinh tế đặc biệt dành cho Hong Kong nếu Trung Quốc đưa binh lính đến dập tắt biểu tình tại nơi này.
Hãng tin Kyodo News của Nhật ngày 14-11 dẫn báo cáo của USCC cho rằng Quốc hội Mỹ nên kích hoạt luật nhằm đình chỉ tất cả điều khoản và quy chế đặc biệt về kinh tế với Hong Kong trong Đạo luật chính sách Mỹ – Hong Kong 1992 nếu Bắc Kinh can thiệp vũ trang tại Hong Kong.
Đạo luật cho phép Hong Kong được hưởng quy chế đặc biệt về thuế và visa với Mỹ.
Việc đình chỉ quy chế đặc biệt của Hong Kong có thể ngăn Bắc Kinh có hành động cứng rắn hơn với đặc khu vốn là đầu mối quan trọng của Bắc Kinh để kết nối với thị trường tài chính thế giới.
Đánh giá của USCC đưa ra trong bối cảnh biểu tình tiếp diễn căng thẳng tại Hong Kong. Trung Quốc trước đó đã dọa sẽ có động thái cứng rắn với làn sóng biểu tình, bao gồm khả năng triển khai quân đến đặc khu.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 14-11 tuyên bố việc quan trọng nhất đối với Hong Kong hiện tại là tái lập trật tự và chấm dứt bạo lực.
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV cho biết ông Tập nói Trung Quốc sẽ tiếp tục ủng hộ trưởng đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) để đặt ra các chính sách phù hợp với pháp luật và trừng phạt “những kẻ nổi loạn”.
Ông cũng cho biết Trung Quốc phản đối bất cứ thế lực bên ngoài nào can thiệp vào tình hình tại Hong Kong, cũng như khẳng định quyết tâm thực hiện nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” là không thể lay chuyển.
Global Times, tờ báo thuộc quản lý của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ngày 14-11 đã đăng lên Twitter thông tin chính quyền Hong Kong có thể sẽ tuyên bố lệnh giới nghiêm vào cuối tuần. Tuy nhiên, sau đó Global Times đã gỡ nội dung này.