15/11/2024

Đại học tự chủ khó khăn là do… không được tự chủ

Nhiều chuyên gia nhận định như vậy về thực trạng triển khai thực hiện cơ chế tự chủ ở các trường đại học hiện nay.

 

Đại học tự chủ khó khăn là do… không được tự chủ

Nhiều chuyên gia nhận định như vậy về thực trạng triển khai thực hiện cơ chế tự chủ ở các trường đại học hiện nay.


 

Đại học tự chủ khó khăn là do… không được tự chủ - Ảnh 1.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thị Kim Phụng phát biểu tại hội thảo – Ảnh: TRẦN HUỲNH

 

Hội thảo khoa học “Tự chủ đại học thời kỳ hội nhập” do Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông (Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) và Trường ĐH Tôn Đức Thắng tổ chức hôm nay 15-11, thu hút gần 100 chuyên gia giáo dục đại học cả nước.

Ai cho phép tự chủ?

Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Ngọc Hoàng – cựu phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương, nhận định việc tự chủ của các trường hiện nay khó khăn là không được tự chủ.

Để giải quyết khó khăn này, cần cho phép các trường tự chủ. Tất nhiên không chắc chắn thành công 100% mà còn phụ thuộc vào người lãnh đạo của cơ sở.

“Nếu người lãnh đạo trường có tư duy, bản lĩnh, cách làm, có trách nhiệm sẽ làm được. Tôi cho rằng ở trường đại học cần có hai người chủ tịch và hiệu trưởng. Hai người này phải đồng tâm ý hợp, có tinh thần phản biện khoa học sẽ thành công”, ông Hoàng nói.

Ông Lê Vinh Danh – hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cũng cho rằng tự chủ chỉ có được khi “người ta” cho tự chủ. Vậy ai cho phép tự chủ? Hiện nay, các cấp cao nhất đều đã cho phép tự chủ đại học nhưng đang bị tắc nhiều ở cấp bộ.

“Đó là việc sửa các quy định pháp luật cho phù hợp không kịp. Cho rồi, ban hành luật mới vẫn vướng. Nếu đã cho phép tự chủ phải cho đồng bộ từ trên xuống dưới. Nếu cấp trung gian chưa cho thì không thực hiện được”, ông Danh khẳng định.

Đại học tự chủ khó khăn là do… không được tự chủ - Ảnh 2.

Ông Lê Vinh Danh phát biểu – Ảnh: TRẦN HUỲNH

 

 

“Luật giáo dục đại học hiện đã được sửa đổi nhưng hiện nay còn rất nhiều luật liên quan như Luật đầu tư công, Luật tài chính, Luật công chức viên chức… đang được sửa đổi. Nếu các luật được đồng bộ được thì sẽ rất tốt”

Vụ trưởng Nguyễn Thị Kim Phụng

Nên thực hiện thuê hiệu trưởng

Ông Vũ Ngọc Hoàng đặt vấn đề: “Nên chăng mở ra cơ chế cho thuê hiệu trưởng? Nếu tại trường có người thì tốt, còn không thì thuê hiệu trưởng ở bất kỳ trường công tư. Có được và có nên làm việc này không?”.

GS.TS Phạm Phụ cho biết thực chất lâu nay thế giới đã xem hiệu trưởng là người làm thuê.

Ông Danh cũng cho rằng phải nên áp dụng cơ chế thuê hiệu trưởng, hiệu phó để điều hành trường đại học. Nhiều trường đại học các nước đã áp dụng cơ chế này.

“Hiệu trưởng thực ra chỉ là một giám đốc điều hành. Nếu hiệu trưởng quản trị nhà trường tốt, trường được thăng hạng sẽ tiếp tục được thuê. Người thuê không bị giới hạn tuổi tác và nhiệm kỳ. Nếu làm thất bại thì cho thôi, không thuê làm nữa. Hiện nay thiếu cơ chế để thuê và cho thuê. Cơ chế nhân sự như vậy mới thực sự là của đại học tự chủ”, ông Danh nói.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng – vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), Luật giáo dục đại học sửa đổi đã có độ mở để giải quyết vấn đề thuê hiệu trưởng. Luật trước đây quy định nhiệm kỳ của hội đồng trường theo nhiệm kỳ hiệu trưởng nhưng hiện nay quy định này được sửa đổi, nhiệm kỳ hiệu trưởng do hội đồng trường quyết định trong nhiệm kỳ của hội đồng trường.

“Như vậy có nghĩa không có quy định số năm của nhiệm kỳ hiệu trưởng. Hội đồng trường đánh giá năng lực hiệu trưởng để thuê làm việc theo mức thời gian phù hợp. Luật đã mở ra cơ chế này rồi”, bà Phụng nói.

 

 

TRẦN HUỲNH