29/11/2024

Cấm để xe dưới tầng hầm thì để đâu?

Đề xuất không sử dụng tầng hầm ở các chung cư cao tầng, nhà nghỉ, khách sạn làm nơi để xe (của đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương – Quảng Bình) tại buổi thảo luận về kết quả giám sát phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014 – 2018 đã gây nhiều phản ứng trái chiều.

 

Cấm để xe dưới tầng hầm thì để đâu?

Đề xuất không sử dụng tầng hầm ở các chung cư cao tầng, nhà nghỉ, khách sạn làm nơi để xe (của đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương - Quảng Bình) tại buổi thảo luận về kết quả giám sát phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014 – 2018 đã gây nhiều phản ứng trái chiều.


 
 
 

Bãi giữ xe dưới tầng hầm của một chung cư tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM
 /// Ảnh: Ngọc Dương

Bãi giữ xe dưới tầng hầm của một chung cư tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM   Ảnh: Ngọc Dương

 

 
“Bom xăng” trong tầng hầm

Cả thế giới người ta xây tầng hầm làm nơi giữ xe, mình phải học hỏi xem làm thế nào cho an toàn chứ sao lại cải lùi

KTS Trần Tuấn

Theo đại biểu Phương, từng xe đều có bình xăng và tầng hầm nơi đậu xe sẽ trở thành kho xăng dầu, khi cháy thì không thể ứng cứu được. Kể cả có phun nước vào thì xăng nổi lên và vẫn cháy. Điều này không chỉ nguy hiểm đến tính mạng, tài sản mà còn khiến các trụ nhà cao tầng bị nóng và ảnh hưởng. Do đó, ông Phương đề nghị Quốc hội xem xét, sửa luật Xây dựng để các khu chung cư phải xây bãi đỗ xe riêng chứ không để dưới tầng hầm.

Đặt vấn đề này với ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, ông Châu cho biết, tại Singapore đa số các khu chung cư dùng để ở, xe để ở khu vực riêng để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC). Từ năm 2017, Hiệp hội cũng đã đề nghị Bộ Xây dựng, Chính phủ sửa đổi Quy chuẩn VN khi bổ sung vào dự thảo quy chuẩn này nội dung khuyến khích xây dựng chỗ để xe ở khu vực riêng ngoài tòa nhà chung cư, tại những dự án có điều kiện về mặt bằng, để đảm bảo an toàn PCCC. Đối với những dự án không có nhiều quỹ đất hoặc ở khu vực trung tâm thì điều đó là quá đắt đỏ.
 
Do đó, chỉ còn cách phải xây tầng hầm, tầng trệt hay một số tầng nào đó để đáp ứng chỗ đậu xe. “Hiện nay không có quy định bắt buộc chủ đầu tư phải xây tầng hầm làm nơi đậu xe mà phụ thuộc vào sự lựa chọn của chủ đầu tư. Đồng thời quy định đối với một cụm chung cư có thể để xe tập trung một khu vực, không nhất thiết phải mỗi block chung cư phải có chỗ đậu xe riêng. Chỗ đậu xe đó có thể ở dưới hầm hoặc ngoài trời”, ông Châu cho hay.
 
Một đại diện Bộ Xây dựng cho biết không phải từ bây giờ mà cách đây mấy năm cũng đã từng có đề xuất không dùng tầng hầm các cao ốc làm nơi để xe. Tuy nhiên đề xuất này chưa thể áp dụng vào thực tiễn bởi những TP lớn như TP.HCM hay Hà Nội, thậm chí những nước trong khu vực do tốc độ đô thị phát triển quá nhanh, lượng người và phương tiện xe cộ tăng từng ngày nên tầng hầm vẫn được dùng làm nơi để xe.
 
Trong khi đó, hiện nay quy chuẩn xây dựng ở nhiều nước phát triển không dùng tầng hầm để xe. “Khi chúng tôi qua Nhật Bản tham quan các mô hình nhà ở thì thấy các chung cư không làm hầm giữ xe mà họ làm một bãi đậu xe cạnh đó, thậm chí nhiều cao ốc, cư dân phải đi gửi xe ở một bãi đậu công cộng cách đó mấy ki lô mét. Bởi tầng hầm để xe như quả bom dưới gầm giường, khi xảy ra sự cố là rất nguy hiểm. Sau khi lắng nghe đề xuất của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết sẽ nghiên cứu”, vị này cho hay.

Không nên “cải lùi”

Theo ông Lê Hoàng Châu, để đảm bảo tính khả thi và khuyến khích xây dựng chỗ để xe ở khu vực riêng ngoài tòa nhà chung cư thì Bộ Xây dựng không nên tính hệ số sử dụng đất đối với công trình chỗ để xe trong hệ số sử dụng đất của dự án. Như vậy mới khuyến khích được các chủ đầu tư xây chỗ đậu xe ở bên ngoài tòa nhà

Ở một góc nhìn khác, KTS Trần Tuấn phân tích nếu nói hầm giữ xe như một quả bom vì quá nhiều xăng thì đậu ở trên hay dưới chung cư cũng vậy. Ở ngoại thành đất mênh mông thì có thể tách được riêng nhà để xe và khu chung cư, nhưng nội thành đất chật người đông thì đa số các chủ đầu tư đều muốn “chui” xuống đất hoặc vươn lên trên để tận dụng quỹ đất và có chỗ đậu xe. Đây là nhu cầu tất yếu không thể cấm được. Do đó, nếu cứ nguy hiểm thì cấm, siết là bất hợp lý.

“Cả thế giới người ta xây tầng hầm làm nơi giữ xe, mình phải học hỏi xem làm thế nào cho an toàn chứ sao lại cải lùi. Để xe trong tầng hầm là an toàn. Nếu có cháy nổ thì có hệ thống chữa cháy cách ly khu vực, nếu cháy lan, cháy to thì đóng cửa hầm kiểm soát đám cháy. Song song đó là ý thức và trang bị PCCC phải hiện đại. Trước khi đưa ra quyết định cấm hay không, chúng ta phải hiểu rõ hơn là các nước tiên tiến họ làm ra sao? Tại sao lại không nguy hiểm tới người ở bên trên và cách thức hoạt động của nhà để xe như thế nào?”, ông Tuấn nói.
 
Ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cũng cho rằng hiện nay khi xây dựng các hầm để làm chỗ đậu xe đều có Cảnh sát PCCC kiểm định, và thẩm định an toàn của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, đôi khi có chủ đầu tư xây chỗ để xe ở tầng 1, 2, 3 để giảm chi phí. Do đó không có gì là nguy hiểm nếu xây dựng đúng theo quy chuẩn và được cơ quan chức năng thông qua phương án thiết kế PCCC. “Không thể tồn tại tư duy quản không được thì cấm mà phải làm sao có một quy trình quản lý tòa nhà và đặc biệt là tầng hầm một cách chặt chẽ, nghiêm ngặt, và những người quản lý phải có chứng chỉ hành nghề”, ông Bảo Hoàng nêu quan điểm.

Sẽ náo loạn

Cảnh sát PCCC: Không nên cho xây hầm giữ xe ở chung cư

Theo một cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC TP.HCM, khi cháy nổ ở chung cư, lượng nhiệt, khói đen từ dưới hầm tỏa lên các căn hộ rất nguy hiểm. Công tác chữa cháy, dập lửa tại hầm giữ xe khó khăn rất nhiều lần so với những tầng trên mặt đất. Vì trong hầm xe dù có đảm bảo các điều kiện PCCC đi chăng nữa thì khi có cháy nổ, các chiến sĩ PCCC hầu như không thể tiếp cận được. Thực tế hiện nay, nhiều chủ đầu tư khi xây dựng chung cư chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà quên đi sự an toàn của người mua khi vào ở nên dành hết các quỹ đất xây thật nhiều căn hộ. Nếu chủ đầu tư nào dành quỹ đất xây dựng 5 – 7 tầng chuyên biệt dùng để xe thì khách hàng cũng sẽ sẵn sàng chấp nhận mua với giá cao hơn. Vì vậy, không nên cho xây dựng các hầm giữ xe dưới các chung cư.

Công Nguyên (ghi)

Ông Đoàn Chí Thanh, Tổng giám đốc Công ty Hoàng Anh Sài Gòn, cho biết ở các TP lớn của nước ta, đa số các tòa cao ốc đều xây dựng tầng hầm bình quân từ 1 – 3 tầng, thậm chí đến 5 – 6 tầng hầm. Những tòa nhà không có tầng hầm hiện nay đang là điều bất lợi vì không có chỗ đậu xe cho cư dân, khách hàng và ít ai ở, thuê mặt bằng để làm văn phòng hay kinh doanh. Thậm chí tại nhiều chung cư hiện đang xảy ra các cuộc chiến giành hầm giữ xe giữa chủ đầu tư và cư dân do không đủ chỗ đậu xe dưới tầng hầm. Chính vì vậy, nếu cấm các chung cư cao tầng, nhà nghỉ, khách sạn không được sử dụng tầng hầm làm nơi để xe, có thể sẽ khiến các TP, nhất là TP.HCM, Hà Nội “náo loạn” vì chỗ đậu xe. “Ngay tại TP.HCM đã quy hoạch hàng chục bãi đậu xe ngầm. Nhưng hàng chục năm nay chưa có dự án nào được triển khai, trong khi đường quá nhỏ không có chỗ đậu xe. Nay nếu cấm đậu xe ở tầng hầm các tòa nhà thì ô tô, xe máy… không biết sẽ đậu ở đâu, không lẽ làm ròng rọc kéo lên đậu trên nóc các tòa nhà?”, ông Thanh nói.

Cấm để xe dưới tầng hầm thì để đâu ?

Hầm giữ ô tô ở một chung cư tại Q.Tân Bình, TP.HCM  ảnh: Độc Lập

 

Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành, cho rằng trong các đô thị lớn hiện nay, xu hướng là càng chui xuống sâu, càng xây cao tầng càng tốt để tận dụng không gian ngầm bên dưới lòng đất và khai thác không gian phía trên. Trong khi đó, hiện nay do khống chế về mật độ dân số, khống chế chiều cao, nên buộc các chủ đầu tư phải làm thật nhiều tầng hầm để khai thác dù biết rằng làm 1 tầng hầm chi phí bằng 2 tầng nổi. Do đó, nếu không cho làm hầm thì chỗ đậu xe có thể thiết kế ở các tầng trên mặt đất. Nhưng khi đó các tầng để xe không được đưa vào hệ số sử dụng đất, tầng cao tòa nhà. “Cần đẩy mạnh đầu tư các bãi đậu xe ngầm, các bãi đậu xe nổi hiện đại để đáp ứng chỗ đậu xe của người dân. Bởi nếu cấm đầu vào mà không giải quyết đầu ra thì sẽ gây ra sự phản đối gay gắt của người dân và luật chắc chắn sẽ không thể áp dụng được”, ông Nghĩa nói.
 
 
ĐÌNH SƠN