11/01/2025

Mỹ cam kết tái triển khai lực lượng tại châu Á

Giới quan sát cho rằng chuyến đi thứ hai của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper chỉ trong vòng 3 tháng qua sẽ đặt trọng tâm vào việc tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với đồng minh và đối tác ở châu Á.

 

Mỹ cam kết tái triển khai lực lượng tại châu Á

Giới quan sát cho rằng chuyến đi thứ hai của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper chỉ trong vòng 3 tháng qua sẽ đặt trọng tâm vào việc tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với đồng minh và đối tác ở châu Á.


 

Mỹ cam kết tái triển khai lực lượng tại châu Á - Ảnh 1.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper – Ảnh: AFP

 

Ông Mark Esper bắt đầu chuyến công du 4 nước châu Á bao gồm Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines và cuối cùng là Việt Nam. Hôm 13-11, ông Esper đã bắt đầu thăm Hàn Quốc, nơi vị bộ trưởng này sẽ tham dự Tham vấn an ninh Mỹ - Hàn lần thứ 51.

“Tôi cần gắn kết hơn nữa, tôi cần tái triển khai lực lượng tại khu vực, tôi cần hiện diện nhiều hơn tại châu Á – Thái Bình Dương.

Ông MARK ESPER, bộ trưởng quốc phòng Mỹ

Nhiều việc phải làm

Tại Hàn Quốc, ông Esper dự kiến thảo luận các vấn đề an ninh khu vực với Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong Doo cũng như các quan chức cấp cao khác của chính quyền Seoul.

Ba điểm chính trong chuyến đi này là thỏa thuận hợp tác quốc phòng song phương, vấn đề an ninh trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Theo Hãng tin Reuters, nhiều khả năng Mỹ sẽ yêu cầu 5 tỉ USD từ Hàn Quốc cho chi phí duy trì sự hiện diện của lính Mỹ tại đây. Ngoài ra, căng thẳng giữa Hàn Quốc và Nhật Bản gần đây, dẫn tới nguy cơ cắt đứt sợi dây hợp tác giữa các đồng minh của Mỹ, cũng sẽ được ưu tiên bàn luận.

Trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ Randall Schriver khẳng định Bộ trưởng Esper sẽ không đàm phán về ngân sách trên vì đó là công việc của các nhà ngoại giao, song nhấn mạnh ông Esper sẽ tìm cách thể hiện cam kết và lợi ích của Mỹ.

Tại Thái Lan, ông Esper sẽ tham dự Hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN + (ADMM+), nơi bộ trưởng quốc phòng Mỹ sẽ gặp gỡ những người đồng cấp thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và Nga.

Đây là thời điểm Mỹ sẽ trực tiếp lắng nghe những mối quan tâm của đối tác và đồng minh, đồng thời truyền tải thông điệp về những gì Mỹ có thể làm để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác.

Chặng tiếp theo sẽ là Philippines và Việt Nam, nơi ông Esper dự kiến gặp gỡ Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch.

Giới quan sát nhìn nhận trong cả hai chuyến đi này, ông Esper đều đặt trọng tâm vào thúc đẩy quan hệ quốc phòng song phương và bàn thảo về các chủ đề an ninh trong khu vực này.

Nhưng tựu trung, tất cả các vấn đề chờ đợi ông Esper vẫn xoay quanh nhiệm vụ tái khẳng định mức độ cam kết của Mỹ đối với khu vực châu Á, đặc biệt là chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Nhậm chức được 4 tháng, ông Esper cần thể hiện rằng các chính sách từ người tiền nhiệm James Mattis sẽ được duy trì.

Không “quên” Biển Đông và Đông Á

Chuyến công du 4 nước châu Á của ông Esper, diễn ra ngay sau một chuyến khác của Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, đặc biệt thu hút sự chú ý giữa thời điểm cam kết của chính quyền Tổng thống Donald Trump bị nghi ngờ.

Mới hơn một tuần trước, hoài nghi bủa vây Washington khi ông Trump lần thứ hai không dự Hội nghị cấp cao ASEAN diễn ra tại Bangkok.

Hãng tin AP cho rằng chuyến công du này sẽ minh họa cho điểm mới trong trọng tâm chiến lược quốc phòng của Mỹ: tập trung vào Trung Quốc như một mối đe dọa cho sức ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.

Điều này nghĩa là sau thời gian chia sẻ quan tâm cho Trung Đông, Lầu Năm Góc quay lại với ưu tiên cạnh tranh cùng Trung Quốc ở châu Á – Thái Bình Dương. Trong chuyến này, ông Esper sẽ lần đầu tiên tương tác trực tiếp với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa.

Trang defense.gov, website chính thức của Bộ Quốc phòng Mỹ, ngày 12-11 cũng có bình luận cho rằng chiến lược của Lầu Năm Góc dựa trên sự trở lại của cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc, trong đó Nga và Trung Quốc là hai mối đe dọa lớn nhất.

Trang này lưu ý Trung Quốc đang hiện đại hóa quân đội, tích cực đẩy mạnh năng lực quốc phòng và các hoạt động xây dựng, quân sự hóa phi pháp ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Mỹ thảo luận Biển Đông với Việt Nam

Defense.gov trong bài viết ngày 12-11 nhắc nhiều tới Việt Nam và Biển Đông trong chuyến đi của Bộ trưởng Quốc phòng Esper. Bàn về Việt Nam, trang web Bộ Quốc phòng Mỹ viết:

“Quan hệ với Việt Nam khá mới mẻ, được khôi phục từ những năm 1990 và đang trở nên khắng khít hơn. Mỹ đã bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam năm 2014 và việc cải thiện quan hệ được thể hiện một cách biểu tượng qua chuyến thăm của tàu USS Carl Vinson năm 2018”.

Defense.gov cho rằng tại Việt Nam, ông Esper sẽ tìm những phương thức hợp tác mới với Việt Nam để thúc đẩy hòa bình ở Đông Nam Á.

Ông Esper qua đó sẽ thảo luận về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông, đồng thời tái nhấn mạnh mong muốn của Mỹ về việc tìm kiếm giải pháp cho bất đồng một cách hoà bình.

 

 

 

NHẬT ĐĂNG