11/01/2025

Hàng nhái, giả ngập chợ du lịch: Sập bẫy hàng hiệu đặt hàng từ nước ngoài

Không chỉ sản phẩm nhái, giả bày bán công khai khắp nơi trên thị trường và các chợ điện tử, ngay cả những đơn đặt hàng từ nước ngoài cũng bị đánh tráo hàng giả với nhiều chiêu thức tinh vi.

 

Hàng nhái, giả ngập chợ du lịch: Sập bẫy hàng hiệu đặt hàng từ nước ngoài

Không chỉ sản phẩm nhái, giả bày bán công khai khắp nơi trên thị trường và các chợ điện tử, ngay cả những đơn đặt hàng từ nước ngoài cũng bị đánh tráo hàng giả với nhiều chiêu thức tinh vi.


 
 
 
 

Nhiều khách hàng tại Việt Nam hiện nay thích đặt hàng qua mạng  /// Ảnh: Ngọc Dương

Nhiều khách hàng tại Việt Nam hiện nay thích đặt hàng qua mạng  Ảnh: Ngọc Dương

 

 

Thật giả lẫn lộn

Mới đây, trong một nhóm kín chuyên đặt hàng (order) hàng từ nước ngoài với hơn 4.000 thành viên trên mạng Facebook, các thành viên đã “bóc phốt” một trường hợp bán nước hoa Le Labo giả nhưng người bán rao là hàng chính hãng (Auth) được người nhà mang từ Pháp về cho.
 
Cụ thể, người bán rao thanh lý 3 chai nước hoa Le Labo số 29 The Noir, 31 Rose và 33 Santal với giá 3 triệu đồng/chai. Tuy nhiên, ngay sau khi thông tin được đăng, một số thành viên đã đề nghị đối chất và làm rõ vì có dấu hiệu hàng “fake”. Theo phân tích, giá chai nước hoa hàng chính hãng trên 5 triệu đồng thì không có giá thấp như trên; các thông tin trên nhãn không sắc nét như hàng thật, không giống các sản phẩm chính hãng mà nhiều thành viên đã tự mua khi đi du lịch
 
Nghi vấn oder hàng nước ngoài nhưng nhận hàng giả cũng được nhiều tín đồ của phong trào này đặt ra lâu nay. Chia sẻ với chúng tôi, chị Thanh (Q.3, TP.HCM) cho biết vừa đặt hàng một chiếc túi hiệu Michael Kors qua một người bán hàng trên Facebook với giá 2,9 triệu đồng.
 
Người bán nói giá rẻ hơn thông thường do chị đang ở Mỹ, đảm bảo chất lượng, khoảng 3 tuần nữa mới có chuyến hàng về. Thế nhưng một tuần sau, chị Thanh thấy một trang Facebook khác đang rao gom hàng giảm giá 70% cũng từ Mỹ về với nhiều mẫu túi Michael Kors, trong đó có mẫu mà chị đã đặt mua với giá chỉ 2,4 triệu đồng.
 
Nhờ một người bạn sống ở Mỹ tìm hiểu xem giá thật sự của chiếc túi Michael Kors là bao nhiêu, người này cho biết: “Em không thấy chỗ nào giảm 50 – 70% như chị nói, chắc mẫu đó ở các cửa hàng outlet. Mà ở những cửa hàng bán đó, chị không biết túi nó xấu cỡ nào đâu”. Điều này khiến chị Thanh hoang mang, vì hàng nhận về thì vẫn đúng mẫu trên web, có đủ hoá đơn.
 
Là người vừa đi định cư ở Mỹ khoảng 2 năm trở lại đây, chị Quỳnh kể, trước ở Việt Nam chị thích chiếc đồng hồ hiệu Maxell có giá khoảng 3.000 USD, gần 70 triệu đồng. Khoảng vài tuần sau, một trang bán hàng do một người khá nổi tiếng quản lý rao bán chiếc đồng hồ này 35 triệu đồng và cam đoan là hàng thật. Nếu người mua phát hiện hàng nhái, dỏm sẽ cho đổi lại.
 
Sau khi qua định cư ở Mỹ, chị thấy giá niêm yết vẫn 3.000 USD và nhân viên khẳng định chiếc đồng hồ này chưa bao giờ được giảm giá.
 
“Ở Mỹ, nhiều khi người có tiền nhưng cũng chưa chắc mua được một số hàng hiệu như Gucci, LV… Khi khách hàng là thành viên của một số thương hiệu nổi tiếng thì khách này được ưu tiên mua hàng khi có mẫu mới ra chứ không hẳn được giảm giá. Trong khi đó tại Việt Nam, những thương hiệu này được rao bán giảm giá từ 30 – 50% mà vẫn cam kết đó là hàng thật”, chị Quỳnh chia sẻ thêm.

Làm giả hóa đơn mua hàng

Nhiều người bán hàng qua mạng vẫn cam kết dòng sản phẩm túi, giày dép, nịt… của các thương hiệu lớn được bán tại Việt Nam là do có người nhà canh mua. Hàng đều được cam kết có hóa đơn mua hàng (bill). Thế nhưng, theo tiết lộ của một số người trong nghề, không chỉ làm giả sản phẩm từ nhãn dán mà bill cũng được làm giả. Vì vậy, sản phẩm có bill chưa chắc là hàng chính hãng.
 
Chị Phương Vân, một người chuyên nhận order hàng nước ngoài tại TP.HCM – cho biết một số thương hiệu lớn như LV, Channel không bao giờ giảm giá dù ở bất kỳ nước nào. Riêng Gucci hay Kenzo, Burberry chỉ giảm giá cho các thành viên có giới hạn. Khi đó, có những cửa hàng chuyên bán hàng hiệu cũng nhờ người nhà ra xếp hàng mua về bán.
 
Thường với các sản phẩm cao cấp, người order cũng không thể đặt mua trên web mà phải có người quen ra xếp hàng mua tận cửa hàng của hãng. Khi giao về cho khách hàng sẽ giao cả bill mua hàng. Trong trường hợp có nhiều sản phẩm trên cùng một bill thì mỗi khách cũng chỉ được giao bản photo hóa đơn này.
 
Riêng với quần áo, mỹ phẩm, giày dép… hàng phổ thông cũng hay có chương trình giảm giá. Khi đó, nhà order sẽ tự đặt mua hàng online, thanh toán bằng thẻ tín dụng và giao cho đơn vị vận chuyển nhận hàng, ship về Việt Nam và lo luôn thủ tục hải quan. Chị Phương Vân cho rằng với những người đã order lâu năm thì có kinh nghiệm. Khi mua hàng trên các trang thương mại điện tử tổng hợp như eBay, Amazon thì phải xem kỹ về người bán vì hàng thật giả lẫn lộn. Còn các website chính hãng thì không lo.
 
Tuy nhiên, khi người viết đặt câu hỏi: “Mọi dịch vụ từ nhận hàng đến vận chuyển về Việt Nam thì đều giao cho công ty vận chuyển. Vậy có khả năng bị tráo hàng nhái, hảng giả trong quá trình này hay không?”. Chị Phương Vân khẳng định: Rất khó có khả năng này. Trong trường hợp phát hiện hàng hóa có vấn đề thì nhà order trực tiếp trao đổi với nhà sản xuất. Vì vậy nếu có trộn hàng giả, hàng nhái thì chính người làm dịch vụ order cố tình lừa người tiêu dùng.
 
Chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, nhận xét hàng nhái hàng giả tràn ngập tại các chợ truyền thống, các trang bán hàng qua mạng thì việc order hay mua hàng xách tay cũng không tránh khỏi. Vì lợi nhuận cao nên nhiều người bán sẵn sàng bất chấp tất cả và lừa dối khách hàng.
 
“Tôi thấy hàng order chỉ tính công và phí vận chuyển mà hầu như không tính thuế nhập khẩu vào Việt Nam. Như vậy các đơn vị nhập hàng về bằng cách nào? Liệu có thành một đường dây với sự thông đồng của cán bộ hải quan hay không? Bộ Công thương cần phối hợp với các cơ quan lãnh sự ở nước ngoài, với hải quan để kiểm tra xem xét vì dịch vụ này đang ngày càng phát triển. Lượng ngoại tệ mua hàng chảy từ Việt Nam ra nước ngoài hằng năm sẽ ngày càng gia tăng. Nếu không kiểm soát thì cả nền kinh tế đều bị thiệt hại chứ không chỉ riêng vài người dùng mua phải hàng dỏm”, ông Vũ Vinh Phú nói.
 
Không thể để người mua tự bảo vệ mình mà cơ quan quản lý nhà nước cũng cần phải vào cuộc. Chẳng hạn như các đơn vị order, vận chuyển đưa cả container vài chục tấn hàng về Việt Nam ra sao? Có khai báo nộp thuế không?
 
Chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú
 
 
MAI PHƯƠNG – THANH XUÂN