11/01/2025

Nên thu hồi quyết định kỷ luật nam sinh lớp 8 xúc phạm nhóm nhạc Hàn Quốc

‘Trường THCS Ngô Quyền nên thu hồi quyết định đình chỉ học đối với nam sinh lớp 8 xúc phạm nhóm nhạc Hàn Quốc vì không đạt hiệu quả giáo dục, chưa tạo đồng thuận, chưa tâm phục khẩu phục’.

 

Nên thu hồi quyết định kỷ luật nam sinh lớp 8 xúc phạm nhóm nhạc Hàn Quốc

‘Trường THCS Ngô Quyền nên thu hồi quyết định đình chỉ học đối với nam sinh lớp 8 xúc phạm nhóm nhạc Hàn Quốc vì không đạt hiệu quả giáo dục, chưa tạo đồng thuận, chưa tâm phục khẩu phục’.


 

Nên thu hồi quyết định kỷ luật nam sinh lớp 8 xúc phạm nhóm nhạc Hàn Quốc - Ảnh 1.

Ngày 8-11, một lãnh đạo của Phòng GD-ĐT Q.Tân Bình thông tin Trường THCS Ngô Quyền đã báo cáo về phòng việc kỷ luật nam sinh lớp 8 vì xúc phạm nhóm nhạc Hàn Quốc.

 

Trường nên thu hồi, thay đổi quyết định

“Chúng tôi đã gửi báo cáo về sở, quận, mặc dù trường đã nhận sai nhưng chúng tôi cũng phải chờ hướng chỉ đạo của sở mới có quyết định cụ thể, hướng xử lý câu chuyện này” – vị này cho hay.

Tuy nhiên, ý kiến từ một số nhà giáo cho rằng nhà trường nên thu hồi, thay thế quyết định.

Theo ông Hà Thanh Quốc (giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam), việc đình chỉ học học sinh là việc không hề đơn giản, phải xem xét sự việc như thế nào.

“Đây là lần đầu tiên các em có lỗi lầm như thế, chứ tôi không nói là sai phạm. Vì áp lực và vì để răn đe và bảo vệ học trò mà dùng cách kỷ luật nặng là điều không nên, tôi không chấp nhận. Nếu nói vì áp lực nhà trường bị đe dọa thì nên báo cơ quan chức năng ngoài nhà trường để họ tư vấn, hay báo gấp lên phòng, sở.

Trường nên thu hồi quyết định đình chỉ học, thay đổi quyết định vì rõ ràng quyết định kỷ luật không đạt hiệu quả giáo dục, chưa tạo đồng thuận, chưa tâm phục khẩu phục”, ông nói.

Còn ông Lê Đình Thảo (hiệu trưởng Trường THCS Cửu Long, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) nêu: “Tôi chưa thấy quyết định đuổi học nào 4 ngày, vì nó không căn cứ văn bản nào, vì quyết định đuổi học có thời hạn 1 tuần, 1 tháng, 1 học kỳ…

Ngoài ra, mức độ ảnh hưởng của hành vi này phải căn cứ trên ảnh hưởng đối với môi trường đang học để xử lý. Ra quyết định sai, xem xét và thu hồi, hủy quyết định là chuyện bình thường. Trường nên tính toán suy nghĩ lại”.

Trong khi đó thầy Hồ Tấn Nguyên Minh (tổ trưởng tổ văn Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, Phú Yên) bày tỏ: “Lẽ ra nhà trường nên bình tĩnh và dùng tình thương và những biện pháp phù hợp để giáo dục, uốn nắn học sinh của mình, giúp em hiểu ra sai lầm của mình mà sửa chữa. Phải sử dụng đến những hình phạt nặng như vậy đã là một sự bất lực và yếu kém của giáo dục rồi”.

“Nếu trường bình tĩnh hơn thì tốt”

Chia sẻ xung quanh câu chuyện này, thầy giáo Nguyễn Hoàng Chương viết: “Tôi thấu hiểu nỗi lòng của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng khi học sinh trường vi phạm nội quy trường lớp – đặc biệt là các em xúc phạm đến hình ảnh thần tượng nói chung, nhóm nhạc Hàn Quốc nói riêng.

Áp lực từ các fan hâm mộ ban nhạc không chỉ với học sinh vi phạm mà nhà trường, phụ huynh cũng bị vạ lây.

Chỉ buổi sáng sau khi clip chửi tục ban nhạc BTS được “up” lên YouTube, tôi nhận 72 thư gửi qua hộp thư điện tử nhà trường, ít ý kiến cảm thông, còn trách móc thì đủ cung bậc. Thôi thì, “học sinh dại, thầy cô mang”. Trường tôi cũng đã từng…

Lúc này, tôi chỉ biết trả lời thư: “Cảm ơn bạn”. Tuy nhiên, có mấy điều tôi trao đổi thêm với lãnh đạo Trường THCS Ngô Quyền (Q.Tân Bình, TP.HCM).

Không có hình phạt đọc kiểm điểm trước toàn trường

 

Căn cứ xem xét kỷ luật học sinh là thông tư 08/TT của Bộ Giáo dục (nay là Bộ GD-ĐT) ngày 21-3-1988 và điều 41 (Các hành vi học sinh không được làm), điều 42 (Khen thưởng và kỷ luật) tại thông tư 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28-3-2011 của Bộ GD-ĐT, không có nội dung buộc học sinh đọc bản kiểm điểm trước toàn trường.

Việc làm này, theo tôi, vô hình trung bêu xấu học sinh, đó là bạo lực tinh thần. Giáo học pháp, tư vấn tâm lý học đường, không có biện pháp nào xử lý học sinh phạm lỗi như thế. Lẽ thường, cả thầy cô, khi sai phạm ai cũng mong được tha thứ. Kỷ luật là đúng nhưng nhà trường cần kỷ luật tích cực.

Liên đới trách nhiệm cùng nhà trường, phải xét tới phụ huynh. Tôi có người bạn, con đang theo học tại một trường quốc tế tầm cỡ, cháu đến trường có thái độ không tốt, lập tức phụ huynh nhận thư phê bình của nhà trường.

Chưa đúng quy định hiện hành

Trường THCS Ngô Quyền thông báo hình thức kỷ luật nam sinh lớp 8 bằng hình thức “cảnh cáo trước toàn trường, đình chỉ học tập trong 4 buổi, hạ bậc hạnh kiểm xuống loại trung bình trong học kỳ I năm học 2019-2020” là chưa đúng quy định hiện hành.

Tại thông tư 08, các mức kỷ luật học sinh gồm: Phê bình trước lớp (1), Khiển trách trước hội đồng kỷ luật nhà trường (2), Cảnh cáo trước toàn trường (3), Đuổi học một tuần lễ (4), Đuổi học một năm (5). Theo điều 42 của thông tư 12, các hình thức kỷ luật gồm: Phê bình trước lớp, trước trường (1); Khiển trách và thông báo với gia đình (2); Cảnh cáo ghi vào học bạ (3); Buộc thôi học có thời hạn (4).

Theo đó, học sinh kể trên với một lỗi vi phạm, chịu hai mức kỷ luật là cảnh cáo trước toàn trường và đình chỉ học (tôi hiểu là buộc thôi học – theo điều 42 của thông tư 12). Cần nói thêm, đình chỉ học là hình thức kỷ luật không có trong quy định, và học sinh nói tục, chửi thề… chỉ xử lý ở mức phê bình trước lớp, trước trường.

Không đưa ra kỷ luật khi căng thẳng

Lo cho học sinh an toàn là cần thiết, yêu cầu học sinh nhận lỗi và biết xin lỗi là đúng. Tuy nhiên, ứng xử đó, từ hai phía, nhà trường cũng cần xin lỗi. Sau đó bảo ban học sinh phạm lỗi, giáo dục học sinh trong trường có ý thức, thái độ, chia sẻ chuẩn mực khi tham gia mạng xã hội.

Để có được điều đó là cả một quá trình, tiến hành đồng bộ trong các hoạt động dạy học và giáo dục ở giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm, Đoàn, Đội và nhà trường. Hình thành được thói quen tốt cho học sinh khi tham gia mạng xã hội không thể nóng vội, càng không có được với cách làm, kỷ luật nặng nhằm răn đe.

Không để cảm xúc tiêu cực mà lãnh đạo nhà trường thường rơi vào khi đối mặt với những tình huống phát sinh trong học sinh – vốn muôn vàn ở học đường. Lúc giận dỗi, cả lo lắng cho sự tổn thương danh hiệu nhà trường mà kỷ luật áp đặt học sinh, đó là kỷ luật không tích cực.

Kỷ luật tích cực

Kỷ luật tích cực là quá trình giáo dục, trong đó thầy cô lắng nghe, bình tâm xem xét mọi việc, hiểu hoàn cảnh học sinh; thầy cô cần bản lĩnh, thận trọng, lường hết mọi khả năng có thể xảy ra (đối với học sinh bị kỷ luật, người liên quan, học sinh của trường, phụ huynh, thái độ của cộng đồng).

Kỷ luật tích cực là nội hàm của nhà trường kỷ cương – tình thương – trách nhiệm. Giá trị ấy không thể có bằng chủ quan, áp đặt, những tính toán vì điều gì đó, để thắng gì đó…

Giáo dục là nhẫn nhịn, thuyết phục, tâm trong, trí sáng”.

 

 

NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG – TH.THƯƠNG