24/01/2025

Lo ngại heo nhập lậu từ Campuchia

Trong khi giá heo hơi xuất chuồng khu vực phía Nam liên tục lập đỉnh, hiện đang ở mức 63.000-65.000 đồng/kg heo hơi; heo nhập lậu từ Campuchia cũng bắt đầu tràn vào Việt Nam qua ngả biên giới Tây và Tây Nam Bộ, tất cả đều không được kiểm dịch.

 

Lo ngại heo nhập lậu từ Campuchia

Trong khi giá heo hơi xuất chuồng khu vực phía Nam liên tục lập đỉnh, hiện đang ở mức 63.000-65.000 đồng/kg heo hơi; heo nhập lậu từ Campuchia cũng bắt đầu tràn vào Việt Nam qua ngả biên giới Tây và Tây Nam Bộ, tất cả đều không được kiểm dịch.


 

 

 

Lo ngại heo nhập lậu từ Campuchia - Ảnh 1.

Một xe chở heo bị lực lượng chức năng tỉnh An Giang thu giữ. Chủ xe khai mua của người Campuchia, chở đi TP.HCM và các tỉnh tiêu thụ – Ảnh: BỬU ĐẤU

 

Dù các cơ quan chức năng khẳng định nguồn cung thịt heo trong nước không thiếu nhưng các thương lái cho biết lượng heo về những chợ đầu mối ở TP.HCM có xu hướng giảm dần, nguồn heo của các hộ chăn nuôi tại khu vực phía Nam không còn nhiều do người dân không dám tái đàn bởi lo ngại dịch tả heo châu Phi (ASF).

Nhộn nhịp nhập lậu heo tại các cửa khẩu

Thời gian gần đây, các cửa khẩu dọc biên giới Việt Nam – Campuchia tại khu vực Tây và Tây Nam Bộ trở nên nhộn nhịp hơn với những xe tải đầy ắp những con heo thịt từ phía Campuchia đổ về tập kết, trước khi được vận chuyển đi tiêu thụ. 

Mọi giao dịch đều được thực hiện vào ban đêm, dưới ánh đèn điện thoại, thi thoảng vang lên tiếng kêu mệt mỏi của những con heo nhập lậu được chuyển từ xe mang biển kiểm soát Campuchia sang xe mang biển kiểm soát Việt Nam.

Anh K. – một thương lái tại An Giang – cho biết giá heo hơi từ Campuchia được vận chuyển về đến vùng giáp ranh Việt Nam – Campuchia hiện dao động từ 45.000-50.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với giá bán ra tại trại chăn nuôi ở khu vực phía Nam hiện nay. “Chênh lệch giá rất cao, lợi nhuận lớn nên các đầu nậu nhảy vào nhập heo lậu có ăn hơn”, anh K. nói.

Cũng theo thương lái này, heo từ Campuchia không chở đến cố định một cửa khẩu mà liên tục thay đổi hướng, tùy theo tình hình động tĩnh ở trong nước. Họ liên lạc với cánh lái heo trong nước để cho địa điểm, giá cả. Người mua có mặt chỉ để đánh giá tình trạng của heo sau khi được vận chuyển một quãng đường dài. Chúng tôi được hướng dẫn đến cửa khẩu Vĩnh Gia (huyện Tri Tôn, An Giang), bên kia là địa phận tỉnh Tà Keo của Campuchia.

Đưa tay chỉ qua những bãi đất trống nằm ở địa phận tỉnh Tà Keo, anh M. – một thương lái heo tại đây – cho biết trước đây các bãi này là điểm tập kết heo từ các tỉnh của Việt Nam để xuất sang Campuchia. Nhưng kể từ khi dịch ASF bùng phát tại Việt Nam, các bãi tập kết này lại là “điểm đến” để heo từ Campuchia đổ ngược vào Việt Nam. Chỉ trong hơn một giờ, chúng tôi thấy có đến hàng chục xe chở heo được giao nhận rồi nhanh chóng tỏa đến các lò mổ ngay trong đêm.

Theo các thương lái, dọc biên giới Việt Nam – Campuchia, tùy vào động tĩnh của cơ quan chức năng, các cửa khẩu như Long Bình và Vĩnh Gia (An Giang), cửa khẩu Hà Tiên (Kiên Giang), cửa khẩu Dinh Bà (Đồng Tháp) và cửa khẩu Châu Mai (Long An)… trở thành cửa ngõ tuồn heo từ phía Campuchia về Việt Nam. 

“Phần lớn số heo này là heo của Thái Lan, được thương lái Campuchia nhập lậu về rồi bán lại cho phía Việt Nam. Chỉ cần báo trước một ngày là có hàng” – ông D., một thương lái ở thị trấn An Phú (An Giang), cho biết.

Cũng theo ông D., từ giữa tháng 10 đến nay ông chuyển sang lấy heo của một thương lái ở Campuchia, qua ngả biên giới thuộc huyện Koh Thom, tỉnh Kandal. Nguồn heo này hiện đang có giá thấp hơn heo tại Việt Nam từ 5.000-10.000 đồng/kg hơi. 

“Tụi tui sang Campuchia ngã giá, cân đếm và thanh toán tiền bên đó trước khi heo được vận chuyển về Việt Nam. Khi nào cơ quan chức năng “làm căng”, việc mua bán tạm dừng để nghe ngóng rồi đâu lại vào đấy”, ông D. khẳng định.

Lo ngại heo nhập lậu từ Campuchia - Ảnh 2.

Cân heo trong đêm tại biên giới Campuchia, giáp cửa khẩu Vĩnh Gia – Ảnh: TIẾN TRÌNH

 

Nhiều vụ vận chuyển heo lậu

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Tiến Hiệp – chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh An Giang – cho biết đơn vị này vừa nhận được kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y vùng VII đối với 50 con heo do đoàn kiểm tra Đội quản lý thị trường (QLTT) số 1 bắt giữ tại ngã ba Búng Bình Thiên trên đoạn quốc lộ 91C, xã Quốc Thái, huyện An Phú. 

“Tuy các con heo này đều âm tính với virút bệnh ASF nhưng UBND tỉnh vẫn yêu cầu tiêu hủy vì heo không nguồn gốc, được vận chuyển từ hướng biên giới Campuchia về Việt Nam”, ông Hiệp nói.

Trước đó ngày 26-10, khi kiểm tra ôtô tải do tài xế Nguyễn Hữu Giáp (thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú) điều khiển, Đội QLTT số 1 phát hiện trên xe vận chuyển 50 con heo hơi, trọng lượng gần 4,7 tấn nhưng không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, cũng như hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Đoàn kiểm tra đưa số heo này về giữ cách ly tại một lò giết mổ ở TP Châu Đốc (An Giang) để chờ kết quả xét nghiệm mới xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo ông Diệp Trọng Danh – quyền đội trưởng Đội QLTT số 1, làm việc với lực lượng chức năng, ông Giáp thừa nhận số heo này được ông mua từ một thương lái người Campuchia để phân phối cho các lò mổ ở các tỉnh ĐBSCL và TP.HCM. Theo đó, ông Giáp trình bày với lực lượng chức năng là giá heo hơi bên Campuchia thấp gần 10.000 đồng/kg so với Việt Nam nên ông mua heo về bán kiếm lời.

“Do mình không bắt quả tang việc chuyển heo từ Campuchia về mà ông Giáp chỉ khai nhận mua heo qua thương lái Campuchia đưa xuống nên khó có thể khép vào tội nhập lậu, chỉ lập biên bản không có giấy tờ kiểm dịch, nguồn gốc….”, ông Danh nói, đồng thời cho biết đang hoàn tất hồ sơ, thủ tục để ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính khoảng 30 triệu đồng về hành vi vận chuyển heo không rõ nguồn gốc, không giấy tờ kiểm dịch và tịch thu toàn bộ số heo này để bán hóa giá theo quy định.

Ông Nguyễn Phúc Xuân Thụy – quyền đội trưởng Đội QLTT số 4, đóng quân ở TP Châu Đốc – cũng vừa có báo cáo nhanh gửi Cục QLTT An Giang cho biết trong ngày 30 và 31-10, đơn vị này đã bắt giữ 56 con heo không rõ nguồn gốc, xuất xứ. 

Dù không khẳng định số heo không rõ xuất xứ nguồn gốc được bắt giữ thời gian gần đây đều được nhập từ Campuchia về, nhưng một cán bộ QLTT tỉnh An Giang nhận định với giá heo hơi trong nước tăng cao gần đây, khả năng nguồn heo Thái Lan tuồn qua Campuchia rồi đổ vào VN là rất lớn. 

“UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo Ban chỉ đạo 389 tỉnh và các địa phương ven biên giới tăng cường kiểm soát việc vận chuyển heo từ khu vực biên giới vào nội địa”, vị này cho biết.

Giá heo lập kỷ lục

 

giaheokiluc0911 (read-only)

Giá heo liên tiếp lập kỷ lục ở mức cao trong thời gian gần đây – Ảnh: NG.TRÍ

 

Giá heo tại khu vực phía Nam tiếp tục lập kỷ lục mới. Theo đó, giá heo mảnh (đã mổ, không đầu) bán ra tại chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền (TP.HCM) hiện đạt mức 88.000 đồng/kg loại 1, 80.000 đồng/kg loại 2 và loại nái 60.000 đồng/kg, tăng gần gấp đôi thời điểm giá thấp các tháng trước đó.

Tương tự, giá heo hơi xuất chuồng tại khu vực này hiện đạt mức cao nhất lên đến 65.000 đồng/kg. Theo các chợ đầu mối, giá heo bán ra tại chợ tăng liên tục do nguồn cung giảm và một phần do thương lái “thổi giá” với lý do nguồn không đáp ứng nhu cầu dù lượng heo về chợ không giảm nhiều.

 

NGUYỄN TRÍ

 

 

TIẾN TRÌNH – BỬU ĐẤU – ĐỒNG HƯƠNG