23/01/2025

Học sinh mê toán từ ‘bài ca định lý’ do thầy phổ nhạc

Một số định lý quan trọng trong môn hình học được thầy Lê Hùng Việt, giáo viên Trường THCS Dương Đông 1 (H.Phú Quốc, Kiên Giang) phổ nhạc thành những ‘bài ca định lý’, giúp học sinh khắc sâu kiến thức và hứng thú hơn trong giờ học.

 

Học sinh mê toán từ ‘bài ca định lý’ do thầy phổ nhạc

Một số định lý quan trọng trong môn hình học được thầy Lê Hùng Việt, giáo viên Trường THCS Dương Đông 1 (H.Phú Quốc, Kiên Giang) phổ nhạc thành những ‘bài ca định lý’, giúp học sinh khắc sâu kiến thức và hứng thú hơn trong giờ học.
 
 
 
 
 
 

Thầy Lê Hùng Việt hướng dẫn học sinh hát bài định lý “Tỷ số không quên” /// ẢNH: HOÀNG TRUNG

Thầy Lê Hùng Việt hướng dẫn học sinh hát bài định lý “Tỷ số không quên”   ẢNH: HOÀNG TRUNG

 

 
Thầy Việt quê ở tỉnh Tiền Giang. Năm 1984, sau khi tốt nghiệp sư phạm, thầy dạy ở cù lao Phú Đông (H.Gò Công). Đến năm 1987, thầy xung phong ra đảo Phú Quốc công tác, làm giáo viên Trường THCS Dương Đông 1 (H.Phú Quốc, Kiên Giang), dù thời điểm đó đời sống ở đảo còn rất nhiều khó khăn. Hơn 30 năm công tác, thầy đã có rất nhiều sáng kiến hay và độc đáo trong giảng dạy.

Ôm ghi ta sáng tác trong thư viện

Không chỉ là giáo viên dạy toán giỏi, thầy Việt còn hiểu biết khá nhiều về hội họa và âm nhạc. Sau giờ lên lớp, thầy thường ôm đàn ghi ta cùng đồng nghiệp ca hát cho vơi đi những mệt nhọc.
 
Gần đây, nhận thấy nhiều học sinh (HS) thường không nhớ một số định lý quan trọng trong môn hình học dẫn đến không thể vận dụng vào việc giải bài tập nên thầy nảy sinh ý tưởng phổ nhạc vào các định lý rồi hát trước lớp cho các em nghe. Sau đó, thầy tập cho các em hát theo cho đến khi thuộc mới thôi. Hai tác phẩm thầy phổ nhạc mới đây nhất là “Định lý Py-ta-go” của chương trình hình học lớp 7 và “Tỷ số không quên” của chương trình hình học lớp 9.
 
Học sinh mê toán từ 'bài ca định lý' do thầy phổ nhạc - ảnh 1

Thầy Việt nhiệt tình dạy cho học sinh hát những bài ca định lý  ẢNH: HOÀNG TRUNG

 

Vì thời gian lên lớp khá nhiều nên thầy chỉ tranh thủ phổ nhạc vào những giờ trống tiết. Khi ấy, thầy lặng lẽ một mình trong thư viện, mượn cây ghi ta của trường ngồi đàn, hát và ký âm. Phải sau nhiều lần, tác phẩm mới hoàn thiện. Sau khi hoàn thiện tác phẩm, thầy viết ra trên tờ giấy lớn để đến các lớp dán lên bảng rồi hát cho HS nghe. Giai điệu bài hát vui tươi, mộc mạc và tiết tấu khá đơn giản giúp HS dễ hát, dễ nhớ và hứng thú hơn với môn học. “Đặc biệt, những lúc HS bị quên hoặc nhầm kiến thức dẫn đến sai sót khi làm bài tập thì tôi lại cho các em hát lại bài hát liên quan (một phần hoặc cả bài) để giúp HS nhớ lại và viết lại cho đúng. Khi đó không khí lớp học cũng khá thoải mái, vui nhộn và sinh động hơn”, thầy Việt chia sẻ.
 
Học sinh mê toán từ 'bài ca định lý' do thầy phổ nhạc - ảnh 2

Thầy Việt lặng lẽ sáng tác trong thư viện của trường   ẢNH: HOÀNG TRUNG

 

Bên cạnh đó, đối với những HS khá giỏi, đã nắm vững kiến thức thì việc học toán kết hợp với âm nhạc sẽ giúp các em khắc sâu kiến thức hơn và cũng cảm nhận được niềm vui, ý nghĩa của việc học tập với đời sống âm nhạc và thực tiễn cuộc sống. Điều này vẫn hợp và đúng với những đối tượng học sinh khác.
Về hiệu quả, thầy Việt cho biết tâm trạng học môn toán của HS thoải mái hơn nhiều, tiến bộ và thân thiện hơn. Đặc biệt đối với các em “sợ” môn toán đã có tiến triển nhiều hơn, các em đã biết làm bài tập, mạnh dạn giơ tay phát biểu ý kiến, một điều mà trước đây rất ít xảy ra.

Ngạc nhiên khi thầy ôm đàn vào lớp

Gặp gỡ những học sinh đã học thầy Việt và được thầy dạy những “bài ca định lý”, tất cả các em đều cho rằng những tiết học đó đều rất đặc biệt, các em rất thích tiết toán và luôn mong được học giờ toán, đặc biệt là tiết học của thầy Việt.
Học sinh mê toán từ 'bài ca định lý' do thầy phổ nhạc - ảnh 3

Cùng học sinh hát vang những “bài ca định lý” trong sân trường vào giờ ra chơi   ẢNH: HOÀNG TRUNG

 
Em Phạm Huỳnh Thảo Vy, học sinh lớp 9/3, cho biết em rất hứng thú với tiết học của thầy Việt, bởi với cách dạy định lý bằng các bài hát giúp các em rất dễ hiểu. “Trước đây, không khí tiết toán của lớp em khá trầm, có thể nói là hơi nặng nề vì bạn nào cũng nghĩ môn này khó. Từ khi được học toán qua những bài hát của thầy, không khí lớp lúc nào cũng sôi nổi, ngay cả các bạn chậm hiểu nhất cũng hăng hái tham gia phát biểu, chứ không mệt mỏi, uể oải như trước”, Thảo Vy chia sẻ.
 
Còn em Trần Ngọc Sáng, cũng là học sinh lớp 9/3, thì cho biết em thật bất ngờ vì thầy Việt là giáo viên toán mà lại biết âm nhạc, lại còn biết đánh đàn. “Thầy quả thật là đa tài, em ngưỡng mộ và thán phục!”, Sáng nói.
 
Cùng nhận xét như Thảo Vy, em Trần Ngọc Huỳnh Trâm, học sinh lớp 9/5, cho rằng thầy dạy thật dễ hiểu, với việc phổ nhạc cho các định lý, tiết toán của lớp em đã trở nên sôi nổi và vui hơn nhiều so với trước đây.
 
Nhận xét về việc này, thầy Nguyễn Minh Trí, Phó hiệu trưởng Trường THCS Dương Đông 1, cho biết đây là phương pháp dạy hay, nói đúng hơn là rất độc đáo. Phương pháp này giúp ích trong việc dạy học môn toán của trường, đặc biệt là những em còn yếu môn học này. “Tôi mong rằng những giáo viên khác trong trường có thể giới thiệu những bài ca định lý của thầy Việt đến học sinh lớp mình dạy để phương pháp này được nhân rộng hơn”, thầy Trí nói.
 
Trước sự tiến bộ của học sinh sau khi áp dụng phương pháp của mình trong giảng dạy, thầy Việt đã quyết định chọn viết sáng kiến kinh nghiệm với đề tài “Tích hợp bộ môn âm nhạc trong phân môn hình học”. “Bản thân tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc khi phần nhiều học sinh các lớp tôi giảng dạy đều vận dụng tốt những bài ca định lý mà tôi đã dạy vào các bài toán liên quan. Tôi đặc biệt vui khi nghe đâu đó trong sân trường vang lên bài hát mà tôi đã dạy các em”, thầy Việt chia sẻ.
 
 
 
HOÀNG TRUNG