16.700 tỉ đồng phát triển Đồng bằng sông Cửu Long
Chính phủ có kế hoạch bố trí 16.700 tỉ đồng cho các dự án phát triển ĐBSCL và tiếp tục kiến nghị Quốc hội bố trí đủ 3.400 tỉ đồng từ kế hoạch đầu tư công trung hạn và dự phòng ngân sách trung ương 2019 để hỗ trợ các địa phương trong vùng.
16.700 tỉ đồng phát triển Đồng bằng sông Cửu Long
Chính phủ có kế hoạch bố trí 16.700 tỉ đồng cho các dự án phát triển ĐBSCL và tiếp tục kiến nghị Quốc hội bố trí đủ 3.400 tỉ đồng từ kế hoạch đầu tư công trung hạn và dự phòng ngân sách trung ương 2019 để hỗ trợ các địa phương trong vùng.
Điểm tiếp giáp giữa đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương và dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. Dự án cần được đẩy nhanh tiến độ sau nhiều năm trì trệ do thiếu vốn – Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Phát biểu trước Quốc hội và trả lời chất vấn chiều 8-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nguồn lực phát triển lớn nhất của đất nước ta không phải là “rừng vàng biển bạc” mà là con người, với gần 100 triệu người.
Đánh giá về những thách thức, nguy cơ lớn nhất đối với Việt Nam hiện nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đó không phải thoát bẫy thu nhập trung bình hay không phải là tụt hậu kinh tế, mà đó là thiếu ý chí mạnh mẽ vươn lên và không hành động vì sợ trách nhiệm.
Hoàn thành sớm các đường kết nối vùng ĐBSCL
Đồng thời, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định cả hệ thống chính trị cam kết luôn nỗ lực chăm lo cho mọi người dân, để không ai bị bỏ lại phía sau. “Phải làm sao để mỗi người dân Việt Nam có cơ hội thực hiện khát vọng làm giàu hợp pháp, phát triển khả năng trên chính mảnh đất quê hương” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Giải trình về các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm, Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ của Chính phủ là sẽ thúc đẩy giải ngân vốn cho các dự án trọng điểm quốc gia như sân bay Long Thành, cao tốc Bắc – Nam phía đông…
Về việc triển khai nghị quyết phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu còn nhiều khó khăn được nhiều đại biểu đề cập, Thủ tướng cho biết Chính phủ đã và đang tập trung chỉ đạo, quyết tâm sớm hoàn thành các tuyến đường bộ quan trọng kết nối các địa phương trong vùng ĐBSCL.
Theo Thủ tướng, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đã được ưu tiên bố trí đủ vốn và dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2021, dự án cầu Mỹ Thuận 2 sẽ triển khai quý 1-2020 và đoạn cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ sẽ sớm thực hiện.
Ngoài ra, Chính phủ đã có kế hoạch bố trí 16.700 tỉ đồng cho các dự án phát triển ĐBSCL và tiếp tục kiến nghị Quốc hội bố trí đủ 3.400 tỉ đồng từ kế hoạch đầu tư công trung hạn và dự phòng ngân sách trung ương 2019 để hỗ trợ các địa phương trong vùng.
Tại phần trả lời chất vấn, trước lo lắng của đại biểu Quốc hội về các hành vi vi phạm nghiêm trọng trên các vùng biển của nước ta, Thủ tướng khẳng định sẽ tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng triển khai các hoạt động thực thi pháp luật bằng các giải pháp phù hợp, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, bảo đảm môi trường phát triển hòa bình nhưng kiên quyết không nhân nhượng với các hành vi xâm phạm chủ quyền.
Ngoài ra, ông cũng cam kết sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, trong đó sẽ xem xét trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng chậm cổ phần hóa.
Mạng xã hội Việt Nam có thay thế mạng nước ngoài?
Sáng 8-11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng lần đầu đăng đàn trả lời chất vấn Quốc hội, đối diện với rất nhiều câu hỏi nóng từ các đại biểu, từ mạng xã hội, báo chí, tin thất thiệt.
Từ thực trạng hiện nay người Việt Nam tham gia mạng xã hội nước ngoài cao hơn rất nhiều so với mạng xã hội trong nước, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng cần xây dựng hệ thống mạng xã hội trong nước đủ mạnh để có thể cạnh tranh và tiến tới thay thế dần mạng xã hội nước ngoài. “Bộ trưởng dự báo đến lúc nào mạng xã hội trong nước của chúng ta đủ mạnh để có thể thay thế được mạng xã hội nước ngoài?” – bà Hoa chất vấn.
Theo bộ trưởng, hiện nay các mạng xã hội Việt Nam có khoảng 65 triệu tài khoản tham gia, với tốc độ như vậy thì đến năm 2020 sẽ có khoảng 90 triệu tài khoản sử dụng mạng trong nước, tương đương với số người dùng các mạng Facebook, Google.
“Bây giờ chúng ta nghĩ gì, nói gì, thậm chí yêu ai, mua gì đều nằm ở thông tin trên mạng xã hội, điều gì sẽ xảy ra nếu như tất cả các thông tin đó ở một mạng xã hội? Có nghĩa rằng não người Việt Nam tập trung vào một chỗ mà chỗ đấy hiện không nằm ở Việt Nam, và sau này người ta sẽ dùng vào việc gì? Rất nguy hiểm, đấy là an ninh quốc gia” – Bộ trưởng Hùng nêu vấn đề và cho rằng việc phân tán dữ liệu, phát triển mạng xã hội trong nước là để tạo ra sự an toàn.
Tuy vậy, người đứng đầu Bộ Thông tin và truyền thông đã nói “không” với việc xây dựng mạng của Việt Nam để thay thế mạng nước ngoài.
“Mỗi mạng xã hội có chức năng riêng, có không gian riêng, khách hàng riêng. Đất nước ta mở chúng ta phải mời gọi mọi người vào đây làm ăn, ai vào đây làm ăn cũng được, càng nhiều càng tốt, nhưng phải tuân thủ luật pháp Việt Nam. Vào đây làm ăn thịnh vượng nhưng phải làm cho Việt Nam thịnh vượng, chứ không thể vào đây mà thịnh vượng rồi làm cho dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam lụn bại” – ông nói.
“Làm nghề báo là tự nhận cho mình một sứ mạng”
“Nghề báo, chúng tôi nghĩ là một nghề rất đặc biệt” – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu quan điểm này khi trả lời các chất vấn của đại biểu Quốc hội về mặt trái của hoạt động báo chí, về quy hoạch báo chí.
“Làm nghề báo là tự nhận vào mình một sứ mạng làm cho xã hội tốt đẹp hơn, sứ mạng vì lợi ích cộng đồng. Chúng tôi cùng với Hội Nhà báo sẽ tăng cường hơn nữa, đặc biệt là trong công tác giáo dục, đào tạo nâng cấp phóng viên và đặc biệt là sứ mệnh và trách nhiệm của người phóng viên đối với xã hội” - ông nói.
Với tư cách người đứng đầu bộ quản lý ngành, ông Hùng cho rằng có giải pháp rất quan trọng “là phải nghĩ đến chuyện đời sống của anh em, việc này thực sự là trăn trở rất lớn của cá nhân tôi”.
Ông cho biết hiện có 41.000 người sống bằng nghề báo chí, trước đây nguồn thu từ quảng cáo là khoảng 26.000 tỉ, bây giờ chỉ còn khoảng 13.000 tỉ, vì một nửa phần đó đã rơi vào các mạng xã hội nước ngoài.
Sẽ chất vấn việc thực hiện các nghị quyết chất vấn
Phát biểu kết luận chung các phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết trong ba ngày chất vấn đã có 250 lượt đại biểu tham gia chất vấn, tranh luận với các thành viên Chính phủ. Phần trả lời của các thành viên Chính phủ không né tránh những vấn đề khó, thẳng thắn nhận trách nhiệm về những tồn tại của ngành, cũng như đưa ra những cam kết cải thiện hoạt động trong thời gian tới.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đánh giá trong các vấn đề đại biểu chất vấn vẫn còn nhiều nội dung cần tiếp tục làm rõ, “có vấn đề làm ngay nhưng cũng có vấn đề cần thời gian nghiên cứu” và yêu cầu Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo các bộ, ngành triển khai đồng bộ các giải pháp, nhằm tạo chuyển biến tích cực trong các lĩnh vực.
Từ kết quả chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu chuẩn bị dự thảo nghị quyết chất vấn kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV để các đại biểu thông qua vào cuối kỳ họp. Đồng thời giúp Chính phủ, các bộ, ngành thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
“Vào kỳ họp cuối năm 2020, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn việc thực hiện các nghị quyết chất vấn của Quốc hội tại các kỳ họp khóa XIV” – bà Ngân nhấn mạnh.
Sẽ có quy định pháp luật về xử lý tin xấu, độc
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Bộ trưởng nói tốt nhất đừng xem thông tin xấu, độc, giả trên mạng. Nhưng người sử dụng mạng không đọc thì làm sao biết đó là xấu, giả. Vấn đề là người đọc tin đó phải tự bảo vệ mình, phải biết phân biệt được đúng, sai, thật, giả. Nếu không xem thì không biết gì.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Ý tôi là như thế này: chúng ta xem một lần thì chúng ta cũng biết rằng trang đấy, tờ đấy, người đấy nói về cái gì là chính và chúng ta nên có thái độ về việc đó. Tất nhiên vẫn phải xem một vài lần. Thứ hai là một lần xem xong thì có phần “dislike”, chúng ta cũng nên thể hiện thái độ.
Trong đời thực một người làm việc xấu, chỉ một ánh mắt nhìn thôi đã ngăn chặn được hành động đó rồi. Trong không gian mạng không có ánh mắt nhìn thì chúng ta nên có hành động “dislike” để thể hiện thái độ nhằm đấu tranh với những cái xấu.
Trong hơn một buổi trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin – truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nhận được rất nhiều câu hỏi xung quanh vấn đề ứng xử với mặt trái của mạng xã hội. Ông Hùng cho rằng giải pháp căn cơ nhất là tuyên truyền, giáo dục để người dùng nhận biết được thông tin tốt, xấu và tỏ thái độ với nó khi “sống trên mạng xã hội”.
“Có nhiều trang mạng xấu, độc nhưng có một lượng độc giả lớn, hình thành các luồng dư luận tác dụng xấu đến đời sống xã hội. Bộ trưởng cho biết giải pháp nào khắc phục bất cập nêu trên để không bị động chạy theo xử lý hậu quả?” – đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) chất vấn.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cũng đặt vấn đề là Luật an ninh mạng đã được ban hành nhưng thực tế vẫn xuất hiện “nhiều video clip, tin bài phản cảm, nội dung đồi trụy, nói xấu chế độ, bôi nhọ lãnh đạo, vi phạm nhân quyền, nguy cơ an ninh mạng tiếp tục không đảm bảo”. Ông đòi hỏi trách nhiệm và đề nghị có giải pháp hữu hiệu.
“Tin xấu, độc trên mạng xã hội là một câu chuyện mang tính toàn cầu. Không chỉ riêng nước ta, mà cả thế giới đang phải đối diện với vấn đề tin sai sự thật, tin xấu trên mạng xã hội” – ông Hùng nêu.
Ông khẳng định việc tạo hành lang pháp lý như Luật an ninh mạng là rất quan trọng. Gần đây, Singapore cũng đã ban hành đạo luật chống tin giả, theo đó thì người tung tin giả có thể bị phạt đến hàng triệu đôla và phải đi tù, có thể đi tù đến 10 năm. Thậm chí ở một số quốc gia, người đứng đầu mạng xã hội nếu vi phạm cũng phải đi tù.
“Chúng ta sẽ phải ban hành quy định pháp luật này. Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Công an, chúng tôi đang phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Công an để sớm có một quy định pháp luật nhằm xử lý vấn đề tin giả” – bộ trưởng cho biết.
Trình bày về giải pháp để loại bỏ thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, ngoài việc đề cập đến công cụ pháp luật và công cụ công nghệ như sử dụng bộ lọc để loại bỏ, phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước với các nhà mạng, ông Hùng nhấn mạnh đến nhận thức, kỹ năng của người dùng.