23/12/2024

Lo thiếu thịt heo dịp tết, hàng Việt bị đội lốt

Những vấn đề liên quan mật thiết đến đời sống người dân như lo ngại tình trạng thiếu thịt heo dịp tết, nguy cơ thiếu điện… là những điểm nóng được đặt ra với hai tư lệnh ngành nông nghiệp và công thương trong phiên chất vấn ngày 6-11.

 

Lo thiếu thịt heo dịp tết, hàng Việt bị đội lốt

Những vấn đề liên quan mật thiết đến đời sống người dân như lo ngại tình trạng thiếu thịt heo dịp tết, nguy cơ thiếu điện… là những điểm nóng được đặt ra với hai tư lệnh ngành nông nghiệp và công thương trong phiên chất vấn ngày 6-11.


 

Lo thiếu thịt heo dịp tết, hàng Việt bị đội lốt - Ảnh 1.

Một container hàng mền gối và nệm cao su nhập từ Trung Quốc đã bị cơ quan chức năng kiểm tra và phát hiện gắn nhãn mác “made in Vietnam” tại cảng Cát Lái, TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH

 

Đại biểu Chau Chắc (tỉnh An Giang) nêu ra mâu thuẫn gây bức xúc nhiều năm qua: ngành nông nghiệp phát triển nhưng giá lúa và một số nông sản bấp bênh. Đồng tình với nhận định trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chia sẻ: “Lúa gạo là một ngành hàng rất rủi ro, hiệu quả kinh tế không cao”.

“Trước tình hình dự báo thiếu thực phẩm thì sẽ tập trung tăng sản lượng ngay tại thời điểm. Với lượng thực phẩm gia tăng thì đảm bảo không khủng hoảng thiếu thực phẩm như Trung Quốc.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường


Giảm diện tích lúa, thay đổi giá trị gạo

“Quốc hội đã có nghị quyết bảo vệ diện tích đất lúa, tuy nhiên sau đó có nghị quyết để nới dần. Chính phủ cũng chủ trương về lâu dài giảm dần diện tích đất lúa, nhường đất phát triển cây trồng khác, sản xuất khác hiệu quả hơn” – ông Cường giải thích. 

Theo ông Cường, hiện cả nước có khoảng 7,8 triệu ha đất canh tác, trong đó đất lúa chiếm tới 4,1 triệu ha. Sắp tới, Chính phủ sẽ đề xuất Quốc hội cho giảm hẳn 0,5 triệu ha trồng lúa, như vậy sẽ giảm 5-6 triệu tấn lúa, tức khoảng 3-4 triệu tấn gạo. Dù giảm, nhưng bộ trưởng đảm bảo 20 năm nữa vẫn đảm bảo an ninh lương thực.

Về ngắn hạn, theo ông Cường, sẽ khuyến khích doanh nghiệp, nông dân ưu tiên những nhóm giống có giá trị cao hơn. Trước mắt sẽ tập trung tái cơ cấu theo hướng ưu tiên nhóm giống phù hợp với nhu cầu thị trường và nâng cao giá trị hạt gạo. 

“Lúa gạo sẽ không chỉ là mặt hàng bán bình thường mà trở thành dược phẩm”, ông Cường nhắc lại yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chỉ đạo trước đó.

Ví dụ dầu cám gạo có giá trị cao hơn cả sản lượng gạo tự nhiên. Hay vừa qua, Quảng Trị có mô hình 600ha lúa gạo hữu cơ, trong đó chiết xuất một phần hướng ra sản phẩm tinh túy nhất này để giá trị hạt gạo lớn hơn. 

“Các doanh nghiệp đang cùng với bà con nông dân cùng với các vùng miền, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long, tập trung đi hướng này” – Bộ trưởng Cường chia sẻ.

Không thiếu thực phẩm dịp tết

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (TP Hà Nội) lo lắng về việc đợt dịch tả heo châu Phi vừa qua làm thiếu lượng heo bán ra dịp Tết Nguyên đán sắp tới và chất vấn về biện pháp bù lại lượng heo thiếu hụt của Bộ NN&PTNT. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định: “Phương án bù lại thịt heo, không để thiếu thực phẩm cuối năm đã được tính tới”.

Theo ông Cường, khi dịch bệnh xảy ra, các bộ liên quan vừa tích cực ứng phó nhưng vừa tập trung tăng lượng sản xuất các thực phẩm khác như gia cầm, đại gia súc và thủy sản. Chín tháng qua, sản lượng gia cầm tăng 12%, thủy sản tăng 6,5%, đại gia súc tăng 4%.

Tuy nhiên, ông Cường cũng nhận định văn hóa người Việt quen ăn thịt heo, không thể nhanh chóng đổi thói quen này. Do đó, bộ yêu cầu các tỉnh, doanh nghiệp và người dân tập trung tăng đàn. “Bà con cũng phải thông cảm giá heo ngày xưa 40.000 – 45.000 đồng, nay tăng lên 60.000 – 65.000 đồng vì giá thành sản xuất cao hơn trước” – Bộ trưởng Cường nói.

Lo thiếu thịt heo dịp tết, hàng Việt bị đội lốt - Ảnh 3.

Một lô quần áo, vải có nguồn gốc Trung Quốc nhưng ghi nhãn mác “made in Vietnam” vừa bị Hải quan TP.HCM kiểm tra và phát hiện tại cảng Cát Lái, Q.2 – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Vỡ quy hoạch điện mặt trời, nguy cơ thiếu điện

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhận trách nhiệm khi để quy hoạch điện mặt trời bị phá vỡ, đồng thời cảnh báo nguy cơ thiếu điện, tình trạng gian lận thương mại đang ngày càng gia tăng, quản lý hàng hóa có thông tin “đường lưỡi bò”…

Bộ trưởng cho biết trong tổng quy hoạch điện VII điều chỉnh dự kiến điện mặt trời đạt công suất 800 MW. Tuy nhiên, đến nay đã có hơn 4.000 MW bổ sung cho nguồn điện. Khó khăn là ở chỗ Nhà nước độc quyền truyền tải điện, các hệ thống đường truyền tải chậm được nâng cấp và cải thiện. Bộ Công thương đã đề xuất bổ sung 15 dự án truyền tải, nên không kịp để đón nhận nguồn công suất mới.

Bộ trưởng nhìn nhận khi triển khai thực hiện có chủ quan, đánh giá không hết trong khả năng, năng lực của đầu tư điện mặt trời. “Có sự lúng túng phối hợp các cơ quan chức năng và nhìn nhận trách nhiệm chưa tổ chức thực hiện đầy đủ, có sự bao quát và dự báo trước, đặc biệt là sự phát triển của đường truyền tải điện. Tới đây với các văn bản pháp luật, phê duyệt hướng dẫn bổ sung nguồn, lưới điện thì giải tỏa công suất tốt hơn với nhà đầu tư” – bộ trưởng nhấn mạnh.

Cũng thông tin về nguy cơ thiếu điện, đặc biệt là vùng có phụ tải cao và không có dự phòng, bộ trưởng cho rằng đây là nguy cơ hiện hữu trong năm 2019 – 2020 và kéo dài tới 2022 – 2023. Nguyên nhân là do điều kiện bất lợi thời tiết, thủy điện không đủ tích nước để huy động. Sự suy giảm thị trường năng lượng sơ cấp, năm 2020 nhập khẩu 25 triệu tấn, khí hiện cũng không đủ phát điện ở Đông Nam Bộ, Trung tâm nhiệt điện Ô Môn.

Do đó, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công thương có phương án đảm bảo cấp điện, như rà soát cân đối nhu cầu điện 2020 – 2025, huy động tối đa các nguồn điện than, khí, thủy điện; tiếp tục nghiên cứu trình Chính phủ cơ chế về phát triển năng lượng tái tạo, cấp phép thêm các dự án điện mặt trời để huy động 8.000 MW và điện gió 3.000 MW; có kế hoạch giao PVN đàm phán mua khí từ Malaysia, Thái Lan; chuyển đổi cung cấp điện từ chạy dầu sang chạy khí; điều hành thủy điện và thủy lợi để tích nước…

Bộ Công thương cũng kiến nghị sửa đổi Luật đầu tư, Luật điện lực thu hút nguồn đầu tư mới đường truyền tải từ xã hội hóa, kể cả đường dây 500kV. Việc đầu tư không có nghĩa là đánh mất vai trò của Nhà nước, nên có thể áp dụng hình thức đầu tư PPP. Đồng thời, sẽ có cơ chế bán điện trực tiếp từ nhà máy điện mặt trời cho các khách hàng, hoàn thiện thị trường điện mặt trời, hướng tới thị trường bán lẻ cạnh tranh vào năm 2023.

Nhiều câu hỏi về trách nhiệm để gian lận xuất xứ

Trả lời về tình trạng gian lận xuất xứ, giả mạo nhãn mác “made in Vietnam”, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhìn nhận có tình trạng lợi dụng ưu đãi xuất xứ để gian lận, như trường hợp của doanh nghiệp xuất khẩu nhôm đùn tận dụng ưu đãi xuất xứ để xuất đi nước ngoài.

Tuy nhiên, Bộ Công thương khẳng định đã chủ động ngăn chặn tình trạng này, đồng thời kiểm soát chặt các mặt hàng khác như điện tử, gỗ dán… có nguy cơ gian lận thương mại. Mới đây Thủ tướng vừa phê duyệt đề án ngăn chặn gian lận thương mại với 5 nhóm nhiệm vụ chính.

Tuy nhiên, chưa thỏa mãn với phần trả lời của bộ trưởng, nhiều đại biểu tiếp tục đặt câu hỏi. Theo đó, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) đề nghị bộ trưởng giải trình rõ hơn về hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt.

Theo đại biểu Sinh, vấn đề quan trọng nhất mà bộ trưởng chưa trả lời được là lỗ hổng rất lớn về pháp luật, hàng rào kỹ thuật chưa đủ mạnh để kiểm soát tình hình, đặc biệt là công khai quy định thế nào là hàng Việt Nam.

“Chính điều này khiến nhiều doanh nghiệp như kiểu Asanzo không biết mình có vi phạm không, đẩy doanh nghiệp và người dân vào rủi ro. Asanzo, Khaisilk có đơn thuần là gian lận thương mại hay không, đề nghị bộ trưởng nói rõ?” – đại biểu chất vấn.

Từ bất cập về quản lý kho ngoại quan ở Bà Rịa – Vũng Tàu liên quan đến vụ gian lận xuất xứ nhôm, đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) chỉ ra vướng mắc hiện nay là chưa có quy định hàng hóa gửi tại kho ngoại quan và hàng nhập vào khu chế xuất không phải chịu thuế. Dẫn tới nhiều hàng nước ngoài nhập vào có thể chuyển hóa thành hàng Việt Nam, nên ông Diến đặt ra câu hỏi về trách nhiệm, giám sát vụ việc và giải pháp ngăn chặn.

Cũng về vấn đề này, đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) đặt câu hỏi có hay không buông lỏng quản lý trong cấp giấy chứng nhận xuất xứ và khi nào sẽ có quy định về ghi nhãn hàng hóa để bảo vệ hàng Việt Nam? Tuy nhiên, những nội dung này được bộ trưởng chuẩn bị để trả lời vào phiên chất vấn 7-11.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (phó trưởng Đoàn đại biểu QH tỉnh Quảng Bình):

Chưa có câu trả lời bao giờ giải quyết dứt điểm “được mùa, rớt giá”

Ngày 6-11, Bộ trưởng Cường đã trả lời rất ngắn gọn, đúng trọng tâm, đưa ra những giải trình cụ thể. Bộ trưởng đã hứa trước Quốc hội, trước nhân dân, nhưng hi vọng rằng những điều bộ trưởng trả lời, hứa hôm nay sẽ hiện thực hóa bằng những giải pháp trong thời gian tới.

Có một điều cần chia sẻ với bộ trưởng khi có ý kiến “được mùa rớt giá, mất mùa cũng mất giá” thì không phải lần này mà rất nhiều lần đại biểu đã chất vấn, bộ trưởng đã trả lời nhưng chắc chắn việc giải quyết dứt điểm cực kỳ khó. Một trong những yếu tố đó là việc sản xuất hàng hóa, nông sản của người dân nhiều khi chưa tuân thủ quy hoạch, định hướng của bộ, của tỉnh mà làm theo lợi nhuận trước mắt. Tuy nhiên, đó cũng là yếu tố đòi hỏi bộ trưởng phải có những quy hoạch, làm sao để liên thông, liên kết, sản xuất hàng hóa và chế biến, xuất khẩu và các tỉnh cũng phải thể hiện vai trò của mình trong quy hoạch.

Về nghị định 67, tôi đã chất vấn bộ trưởng có giải pháp gì để người dân có trình độ, kỹ năng tiếp cận thực hiện. Qua phần trả lời, tôi thấy bộ trưởng nắm kỹ, có những giải pháp của Chính phủ. Tuy nhiên có điều tôi chưa thỏa mãn, đó là vấn đề giải pháp gì để tạo điều kiện nâng cao kỹ năng của những ngư dân đóng tàu theo nghị định này để ra khơi bám biển nhưng bộ trưởng chưa trả lời được.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (phó trưởng Đoàn đại biểu QH chuyên trách tỉnh Đồng Tháp):

Thấy bộ trưởng bị áp lực nhiều quá về vấn đề gian lận xuất xứ

Khi nghe chất vấn về vấn đề “đường lưỡi bò”, cho rằng việc để xảy ra tình trạng có thông tin “đường lưỡi bò” trên ôtô, bộ trưởng đã thừa nhận không kiểm tra, giám sát, kể cả ở lĩnh vực hải quan thời gian qua bị buông lỏng và bộ trưởng đã nhận thiếu sót, hứa cương quyết xử lý, không để tái diễn nên ông Hòa “hài lòng”.

Tuy nhiên, đối với vấn đề gian lận xuất xứ, ông Hòa nói “thực lòng thấy bộ trưởng áp lực nhiều quá nên không tiếp tục truy vấn để không làm khó bộ trưởng” nhưng vẫn không hài lòng bởi bộ trưởng “lách chữ Trung Quốc”. “Gian lận xuất xứ hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa Trung Quốc mang nhãn mác Việt Nam để bán cho người Việt và xuất khẩu khiến tôi rất bực bội, lừa gạt người tiêu dùng, nó còn liên quan đến trốn thuế, gian lận thương mại chứ không đơn giản” – ông Hòa nói.

Ông Lê Công Nhường (đại biểu tỉnh Bình Định): Mong Bộ NN&PTNT trả lời thấu đáo hơn

Một số nội dung trả lời của bộ trưởng Bộ NN&PTNT hầu hết đáp ứng nguyện vọng cử tri, nhưng một số còn chung chung, nên đại biểu tranh luận. Hi vọng bộ trưởng trả lời thấu đáo hơn và trả lời lại rõ ràng hơn. Lĩnh vực nông nghiệp rộng, bao quát nhiều vấn đề, nên cần trả lời cụ thể, cần nghiên cứu thấu đáo hơn trong thời gian tới. Ví dụ câu của tôi về triển khai nghị định 67 về đóng tàu cá cho ngư dân, tôi thấy chưa thực sự thỏa mãn. Tôi có nêu là số tàu đóng theo nghị định 67 chưa thực sự hiệu quả, nguyên nhân là Chính phủ không cảnh báo được nguồn lợi thủy sản, không đáp ứng đủ công suất tàu, nên khi đóng tàu càng hiện đại, chi phí càng nhiều thì ngư dân càng thua lỗ. Vấn đề này chúng ta cần phải nhìn nhận trách nhiệm, chuyển đổi những tàu này thế nào, giải quyết nợ xấu cho ngư dân thế nào, chứ ta không thể đặt tất cả rủi ro cho ngư dân.

Bộ trưởng nói trong tháng 12 này sẽ tổng kết đánh giá nghị định 67 và có cuộc họp với các bộ, ban ngành. Tôi kỳ vọng cuộc họp này sẽ tháo gỡ ở tầm Chính phủ chứ không riêng Bộ NN&PTNT, liên quan tín dụng, cơ chế chính sách, quốc phòng.

 

NG.HIỂN – N.AN ghi

 

 

 

NGỌC AN – TIẾN LONG