23/12/2024

Sớm phục hồi cống thoát nước thời Pháp

Tại TP.HCM hiện có đến hàng chục ngàn mét cống thoát nước từ thời Pháp đến nay vẫn còn sử dụng. Tuy nhiên, có nhiều đoạn chất lượng cống đã xuống cấp nên việc phục hồi, thay thế những tuyến cống này là bức thiết.

 

Sớm phục hồi cống thoát nước thời Pháp

Tại TP.HCM hiện có đến hàng chục ngàn mét cống thoát nước từ thời Pháp đến nay vẫn còn sử dụng. Tuy nhiên, có nhiều đoạn chất lượng cống đã xuống cấp nên việc phục hồi, thay thế những tuyến cống này là bức thiết.


 

Sớm phục hồi cống thoát nước thời Pháp - Ảnh 1.

Bên trong hệ thống cống vòm cả trăm năm khu vực trung tâm TP – Ảnh: VĂN BÌNH

 

Để phục hồi những tuyến cống thoát nước lâu năm mà không phải đào đường, cơ quan chức năng TP.HCM xác định thực hiện bằng công nghệ mới SPR từ Nhật Bản. Thế nhưng dự án này đang “ì ạch” vì thủ tục, chính sách thuế.

Công nghệ mới SPR

Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị (Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM trước đây) cho biết trên những tuyến đường ở khu trung tâm TP vẫn đang sử dụng hệ thống cống vòm thoát nước được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Phần lớn tuyến cống được lát gạch thẻ, có đường kính từ 1m trở lên và vẫn còn hiệu quả thoát nước.

Chúng tôi đã cùng công nhân thoát nước xuống đoạn cống vòm tại nút giao thông đường Cống Quỳnh – Nguyễn Cư Trinh, quận 1. Tại đây có nhiều đoạn cống đã xuống cấp. Đoạn cống rộng khoảng 80cm và cao khoảng 1,2m. Thành cống vòm hình tròn được làm từ những viên gạch thẻ kết nối với nhau bằng vữa tạo thành mái. Một kỹ sư thoát nước cho rằng việc thiết kế phía trên cống hình vòm nhằm tạo sức chịu lực với nền đất đè nặng phía trên cống, tránh cho cống bị sụp.

Trải qua thời gian dài, có những đoạn cống vòm đã xuất hiện các vết nứt, gạch rơi xuống lòng cống để lại những khoảng hở. Một công nhân cho biết những điểm gạch, đá rớt ít có thể trám trét lại theo hiện trạng. Tuy nhiên, những điểm hư hỏng nặng phải có giải pháp sửa chữa đồng bộ, tốn rất nhiều thời gian, nếu không hệ thống cống sẽ bị sụp.

Tương tự, tại những tuyến cống vòm trên đường Lê Thánh Tôn hay Nam Kỳ Khởi Nghĩa cũng xuất hiện nhiều đoạn xuống cấp nặng, nước chảy từ thành cống xuống có thể nhìn rõ bằng mắt thường. Có khá nhiều đoạn cống xuất hiện hiện tượng gạch bị bong tróc, rớt xuống từng mảng.

Cũng theo báo cáo của cơ quan chức năng, những năm gần đây, mỗi năm xảy ra khoảng 15 vụ lún sụt tại các hệ thống cống vòm khu trung tâm TP. Vì vậy, việc sửa chữa, khôi phục hệ thống cống vòm đang là vấn đề bức thiết.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng – phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM, nếu thay thế cống vòm này bằng cống bêtông cốt thép và thực hiện đào hở thì khu vực trung tâm TP trở thành một đại công trường. Điều này sẽ gây kẹt xe, làm xáo trộn việc đi lại, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân ở hai bên đường.

Nhằm tránh những bất tiện trên, năm 2015, TP đã đồng ý để nhà thầu Nhật thí điểm sửa chữa một đoạn cống dài khoảng 30m dưới vòng xoay Cống Quỳnh – Nguyễn Cư Trinh bằng công nghệ SPR. 

Công nghệ này sử dụng cuộn thép mỏng được phủ nhựa bên ngoài. Cuộn thép sau đó được gắn ôm sát theo vòm cống hiện hữu và gia cố thêm bằng hỗn hợp hóa chất. Từ đó tạo sự kết dính giữa cuộn thép và vòm cống hiện hữu để gia tăng khả năng kết dính, chịu lực, chống rò rỉ… Đặc biệt, công nghệ này không phải đào hở, chặn dòng gây cản trở thoát nước.

Sớm phục hồi cống thoát nước thời Pháp - Ảnh 2.

Một đoạn cống vòm gần giao lộ Cống Quỳnh – Nguyễn Cư Trinh xuống cấp – Ảnh: VĂN BÌNH

 

Chậm vì vướng thủ tục, bị tính thuế

Cũng theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP, trước đó Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã đồng ý viện trợ nguồn vốn ODA cho dự án cải tạo hơn 2,7km cống vòm tại khu trung tâm TP. 

Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 467,5 tỉ đồng (khoảng 20 triệu USD), trong đó vốn ODA viện trợ không hoàn lại là 397,5 tỉ đồng (khoảng 17,5 triệu USD), vốn đối ứng từ ngân sách TP khoảng 70 tỉ đồng. Tuy nhiên, hơn 2 năm qua dự án vẫn chưa triển khai được, vì sao?

Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng thừa nhận dự án chậm trễ do vướng nhiều thủ tục, quá trình thẩm định và phê duyệt dự án kéo dài từ tháng 9-2017 đến nay. Trong đó, riêng việc giải quyết các vướng mắc về chính sách thuế mất 215 ngày. 

Một cán bộ Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP cho biết thêm trước đây các đơn vị tài trợ vốn ODA không bị tính thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, theo quy định mới từ năm 2016, việc tài trợ vốn ODA cũng bị tính thuế. Việc tính thuế này dẫn đến đơn vị tài trợ không đồng ý. Sau nhiều lần bàn thảo, các cơ quan chức năng TP.HCM thống nhất sẽ dùng vốn đối ứng 45 tỉ đồng trả khoản thuế này theo quy định, nên vướng mắc về thuế mới được tháo gỡ.

Theo ông Dũng, việc sớm triển khai dự án này sẽ đem lại nhiều hiệu quả vì phục hồi tuyến cống vòm cũ xuống cấp tại khu vực trung tâm TP. Các vị trí đường cống được phục hồi sẽ đưa vào bản đồ số hóa hệ thống thoát nước vùng trung tâm TP. Ngoài ra, sau khi khôi phục, các tuyến cống vòm thoát nước trên được xác định sử dụng thêm 50 năm.

Để sớm triển khai dự án trên, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP cho biết đã có kiến nghị các sở ngành xem xét thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, tham mưu trình TP thỏa thuận viện trợ cho dự án. Từ đó UBND TP sẽ gửi hồ sơ dự án cho cấp thẩm quyền trung ương trình Thủ tướng phê duyệt. 

“Nếu để dự án tiếp tục chậm trễ, điều lo ngại là phía nhà tài trợ sẽ có những thay đổi và điều chỉnh thực hiện dự án viện trợ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ dự án và các điều khoản giải ngân” – ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng bày tỏ lo ngại.

Theo hồ sơ, hiện TP.HCM còn đến 113km đường cống thoát nước được xây dựng từ năm 1870 – 1954 và trên 777km đường cống xây dựng từ năm 1975. Hiện tuyến cống vòm xây dựng từ thời Pháp chủ yếu tập trung trên các trục đường chính ở trung tâm TP. Trong đó tuyến cống vòm dài nhất nằm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa là gần 2km. Còn đường Nguyễn Du dài hơn 1,8km, đường Hai Bà Trưng dài khoảng 1,5km, đường Cách Mạng Tháng Tám dài gần 1,3km…

 

 

NGỌC ẨN