11/01/2025

Đánh giá học sinh không chỉ qua bài làm trên giấy

Thực hiện chương trình sách giáo khoa mới, không ít ý kiến quan tâm tới việc kiểm tra đánh giá có đồng bộ và được tiến hành ra sao?

 

Đánh giá học sinh không chỉ qua bài làm trên giấy

Thực hiện chương trình sách giáo khoa mới, không ít ý kiến quan tâm tới việc kiểm tra đánh giá có đồng bộ và được tiến hành ra sao?



Học sinh Trường THCS Quang Trung (H.Bảo Lâm, Lâm Đồng) đã quen với làm việc theo nhóm và được đánh giá bằng các sản phẩm liên hệ thực tế  /// Tuệ Nguyễn

Học sinh Trường THCS Quang Trung (H.Bảo Lâm, Lâm Đồng) đã quen với làm việc theo nhóm và được đánh giá bằng các sản phẩm liên hệ thực tế  Tuệ Nguyễn

 

 
Tham dự nhiều buổi tập huấn cho cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán về chương trình giáo dục phổ thông mới, không ít ý kiến quan tâm tới việc kiểm tra đánh giá có đồng bộ và được tiến hành ra sao khi thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.

Trồng lúa, ươm cây… để lấy điểm

Nhiều giáo viên (GV) và phụ huynh có con mới chuyển cấp từ tiểu học lên lớp 6 THCS đều có chung một lo lắng là học sinh (HS) bị “sốc” vì nhà trường thay đổi hoàn toàn cách đánh giá. Trong khi ở cấp tiểu học, HS chỉ được chấm điểm mỗi học kỳ 1 lần với 2 môn toán, tiếng Việt thì rất dễ hiểu khi lên cấp THCS, HS sẽ không kịp xoay xở khi mà số môn học lên tới 11, trong đó có 9 môn đánh giá bằng cho điểm, trừ môn thể dục, nhạc, họa đánh giá bằng nhận xét. Hơn nữa, phần lớn HS chỉ học 1 buổi/ngày với số môn quá nhiều mà GV nào cũng muốn chứng tỏ môn học của mình quan trọng nên gây áp lực với HS bằng hình thức chấm điểm, giao nhiều bài tập về nhà…
 
Theo ghi nhận của Thanh Niên, không ít nhà trường đã đổi mới cách thức kiểm tra, đánh giá để giảm áp lực cho cả thầy và trò. Không chỉ kiểm tra đánh giá kiểu truyền thống là làm bài trên giấy để lấy điểm kiểm tra 15 phút hoặc 1 tiết mà thay vào đó là các hình thức để đánh giá khác như bài thuyết trình, thái độ học tập của HS, hồ sơ học tập, vở hoặc sản phẩm học tập, báo cáo kết quả thực hiện một dự án, nghiên cứu khoa học kỹ thuật, báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm, tiết học trải nghiệm…
 
Ví dụ, tại Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), trong tuần trải nghiệm cuối tháng 10 vừa qua, cô Trương Thị Lan Hương, GV dạy môn sinh học, đã giao cho HS lớp 11 trồng một khóm rau mầm và yêu cầu sản phẩm nộp có tuổi cây ít nhất là 6 ngày. Từ mỗi sản phẩm cá nhân, HS làm theo nhóm và báo cáo bằng thuyết trình hoặc clip không quá 3 phút với nội dung về lợi ích và tiến trình trồng cây bằng chính hình ảnh thực tế rau mầm mà các HS trồng… Điểm của sản phẩm được tính là điểm kiểm tra 1 tiết.

Học sinh đánh giá, cho điểm lẫn nhau

Một số trường học ở những tỉnh như Lâm Đồng đã nỗ lực thay đổi cách thức kiểm tra, đánh giá HS. Trường THCS Quang Trung (H.Bảo Lâm, Lâm Đồng) vài năm nay đã thay đổi mạnh mẽ cách thức đánh giá HS. GV được hướng dẫn kiểm tra cho điểm sau mỗi lần hoạt động nhóm trong từng tiết học. GV tổ chức cho các nhóm tự tương tác, tranh luận, chấm điểm rồi chốt điểm chung từng nhóm, sau đó nhóm trưởng cho điểm từng thành viên tùy theo sự đóng góp của cá nhân, đối với sản phẩm của nhóm.
 
Ông Văn Đức Phương, Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung, cho hay việc HS cho điểm lẫn nhau ban đầu chưa quen, cũng có ý kiến thắc mắc nhưng GV phải là trọng tài, nếu quyết định của nhóm trưởng là đúng thì GV sẽ cùng giải thích để các thành viên khác tâm phục khẩu phục, ngược lại thì GV sẽ góp ý để điều chỉnh…
 
Thực tế triển khai cho thấy HS đánh giá lẫn nhau còn sát sao hơn khi làm việc theo nhóm hoặc sản phẩm được làm tại nhà… Tất nhiên, trường phải có quy định khung, như điểm từng thành viên trong quá trình hoạt động tạo ra sản phẩm nhóm không thấp hơn điểm chung của nhóm 3 điểm… Thầy Phương cho rằng đánh giá theo cách thức này, điều dễ nhận thấy nhất là HS hào hứng, thể hiện bản thân, rèn luyện kỹ năng mềm và thể hiện sự ganh đua lành mạnh giữa các nhóm. Đổi lại, GV sẽ vất vả hơn vì không phải cứ ra một đề bài rồi cả lớp làm giống hệt nhau như cách truyền thống. Để đánh giá năng lực HS thì đề bài ra cũng phải gắn với thực tiễn, ví dụ môn sinh học sẽ yêu cầu HS phải chăm sóc một loại cây nào đó trong khoảng thời gian nhất định, hằng ngày theo dõi sự phát triển của cây đó và đưa ra nhận định… Thậm chí cho HS trồng một vạt lúa ngay tại vườn trường để biết mỗi hạt cơm các em ăn hằng ngày được trồng và chăm sóc ra sao.
 
Tại Trường THCS Lạc Lâm (H.Đức Trọng, Lâm Đồng), thầy Hiệu trưởng Trần Ngọc Minh cũng cho biết 2 năm học gần đây nhà trường đã không còn thực hiện các bài kiểm tra miệng, 15 phút hay 1 tiết thuần túy như trước kia mà đánh giá qua việc HS vận dụng kiến thức đã học trong sách vở để biến thành sản phẩm có ý tưởng, có sáng tạo của bản thân. Tuy nhiên, những bài kiểm tra định kỳ như giữa kỳ hay cuối kỳ… thì vẫn kiểm tra theo cách tập trung.
 
Ông Phương khẳng định đổi mới cách kiểm tra đánh giá sẽ tác động trực tiếp đến cách dạy học. Nhờ việc chấm điểm bằng nhiều hình thức như vậy mà HS và phụ huynh không lo “tốn thời gian” vào việc làm các đề tài nghiên cứu hoặc dạy học theo STEM. Ngoài ra, phần kiến thức đời sống và ứng dụng thực tiễn làm các em hứng thú học tập, kích thích đam mê nghiên cứu. “Đây là đổi mới tất yếu, nhất là sắp tới áp dụng chương trình mới theo định hướng phát triển năng lực HS. Đổi mới mà vẫn kiểm tra theo kiểu cũ, bắt HS học thuộc lòng thì không tạo động lực để thầy trò dạy học theo dự án, làm nghiên cứu khoa học”, thầy Phương nói.
 
 
 
TUỆ NGUYỄN