26/11/2024

Vi phạm an toàn thực phẩm: ‘Xử lý hình sự là tín hiệu đáng mừng’

Trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan đã nói như vậy trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ Online về việc xử lý hình sự vụ án 6 tấn củ cải tẩm hoá chất ở Q.Thủ Đức.

 

Vi phạm an toàn thực phẩm: ‘Xử lý hình sự là tín hiệu đáng mừng’

Trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan đã nói như vậy trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ Online về việc xử lý hình sự vụ án 6 tấn củ cải tẩm hoá chất ở Q.Thủ Đức.


 

Vi phạm an toàn thực phẩm: Xử lý hình sự là tín hiệu đáng mừng - Ảnh 1.

Bà Phạm Khánh Phong Lan

 

Bên hành lang Quốc hội hôm 31-10, bà Lan chia sẻ: “Tôi rất hoan nghênh cơ quan điều tra củng cố hồ sơ để đưa ra truy tố hình sự các cá nhân, tổ chức vi phạm an toàn thực phẩm. Việc cơ quan chức năng chuyển qua xử lý hình sự là tín hiệu đáng mừng và mình phải học tập.

Trước nay có những vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm kéo dài đến hàng năm trời nhưng không xử lý hình sự được người vi phạm. Cuối cùng cơ quan chức năng phải đành xử phạt hành chính. Có vụ phát hiện hơn 20 tấn thịt vi phạm nhưng chỉ xử phạt mấy trăm triệu thôi. Thống kê số vụ việc vi phạm về an toàn thực phẩm có thể chuyển qua để xử lý hình sự rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bởi vậy mức răn đe đối với các đối tượng khác cũng chưa đủ mạnh.

Phải nói để hoàn tất hồ sơ đưa vụ 6 tấn củ cải tẩm hóa chất do Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường – Công an TP.HCM phát hiện ra tòa là cả quá trình rất phức tạp. Do vậy các cơ quan liên quan cần mổ xẻ kinh nghiệm của quá trình thu thập, xử lý hồ sơ vụ án để phục vụ cho việc xử lý những vụ việc sau”.

* Vấn đề khó khăn nhất khi chuyển hồ sơ vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm để xử lý hình sự là gì?

– Muốn áp dụng pháp luật để xử lý loại tội phạm này không dễ. Ngay cả xử phạt hành chính mà lập biên bản xử lý không đúng cũng bị kiện ngay. Bộ luật hình sự có nêu rõ điều kiện vi phạm nhưng thực tế khi chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra thì hầu hết đều bị kết luận chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, không chứng minh được thiệt hại của nạn nhân. Nhiều vụ việc làm giả mức độ lớn về thực phẩm chức năng, sử dụng phụ gia, hóa chất đều được các cơ quan liên quan hội ý nhưng sau đó cũng “bó tay” vì chưa đủ yếu tố để xử lý hình sự.

* Vậy việc xử lý hình sự vụ án trên sẽ có tác động như thế nào, thưa bà?

 

– Việc xử lý hình sự đúng người đúng tội những cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ có tính răn đe tốt hơn. Những vi phạm về an toàn thực phẩm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và tính mạng người dân. Chưa kể những chất độc hại tích tụ sẽ di hại về sau mà không ai định lượng được. Trong khi, từ trước tới nay đa số các vụ việc chỉ mới dừng lại ở mức xử phạt hành chính.

* Luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn luật sư TP.HCM):

Chưa quyết liệt xử lý thực phẩm bẩn

Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm được quy định tại điều 317 Bộ luật hình sự và Luật an toàn thực phẩm. Nếu hành vi vi phạm chưa đủ cấu thành tội phạm tại điều 317 thì sẽ phải xử lý theo Luật an toàn thực phẩm và nghị định hướng dẫn xử lý vi phạm hành chính.

Tại sao khó xử lý hình sự hành vi vi phạm này? Thông thường giá trị thực phẩm “bẩn” mà cơ quan chức năng bắt quả tang tại cơ sở chế biến thường thấp hơn so với quy định. Còn việc xác định hậu quả lại rất khó khăn bởi khi người tiêu dùng sử dụng sản phẩm mới có thể phát sinh có hậu quả. Và hậu quả này cũng không biết do thức ăn nào gây ra vì hiện nay nguồn thực phẩm “bẩn” rất đa dạng, phong phú.

Theo tôi, nên xử lý từ gốc. Tức là các đối tượng này thường có cơ sở chế biến, lò mổ hoạt động liên tục nên chính quyền, cơ quan chức năng không khó để nhận biết và bắt quả tang trước khi sản phẩm được tung ra thị trường. Có điều tình hình hiện nay, có thể do chúng ta chưa quyết liệt trong việc xử lý thực phẩm bẩn từ gốc.

* Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM):

Sửa luật, không cần ”có hậu quả”

Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi năm 2009 quy định người nào chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người tiêu dùng, thì bị phạt tù từ 1-5 năm. Quy định này buộc phải có hậu quả xảy ra, từ đó dẫn đến tình trạng gần như không thể xử lý hình sự các đối tượng vi phạm an toàn thực phẩm.

Song, đến Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, các nhà làm luật đã xác định rõ khái niệm, hành vi. Người có hành vi vi phạm quy định an toàn thực phẩm mà sản phẩm có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên, gây ngộ độc, gây tổn hại sức khỏe… thì sẽ bị xử lý hình sự. Quy định này đã có định lượng rõ ràng, không cần có hậu quả xảy ra vẫn có thể xử lý hình sự được.

 


 

TIẾN LONG thực hiện