25/11/2024

Làm bạn với học trò trong thế giới ảo

Kết bạn với học sinh (HS), online 24/24, chia sẻ mọi lúc mọi nơi… là những cách mà hiệu trưởng, giáo viên một số trường đang làm để gần gũi với học trò trong thế giới ảo.

 

Làm bạn với học trò trong thế giới ảo

 

Kết bạn với học sinh (HS), online 24/24, chia sẻ mọi lúc mọi nơi… là những cách mà hiệu trưởng, giáo viên một số trường đang làm để gần gũi với học trò trong thế giới ảo.
 
 
 
 

Làm bạn với học trò trong thế giới ảo
 
 
Việc sử dụng mạng xã hội là một nhu cầu có thật của HS trong thời gian gần đây. Do đó, khá nhiều ý kiến cho rằng cần giáo dục, định hướng HS sử dụng mạng xã hội sao cho đúng luật, an toàn cho bản thân, cho cộng đồng và thật sự có ích đối với sự phát triển nhân cách cũng như kiến thức.
 
Theo ông Phạm Đăng Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM), HS bậc THCS là lứa tuổi bắt đầu sử dụng mạng xã hội và các tiện ích của internet, thế nên cần giáo dục ngay từ bây giờ. Và nhà trường không thể đứng ngoài trong tình hình ngày càng diễn ra nhiều vụ mâu thuẫn trên thế giới ảo này.
 
Xuất phát từ thực tế hiện nay hầu như HS nào cũng có tài khoản Facebook cá nhân nên ông Phạm Đăng Khoa có cách tiếp cận riêng bằng cách trở thành bạn bè với khoảng 2.000 HS trong trường. Nhưng sau khi kết nối, để giúp HS vượt qua những rào cản e ngại, cảm giác không thoải mái, sợ bị quản lý…, ông Khoa cho biết: “Tôi thường chia sẻ những hoạt động, thông báo của trường hay tạo diễn đàn, lấy ý kiến các em trước các hoạt động, sự kiện do trường tổ chức. Phải tạo sự đồng cảm thì các em mới tin tưởng đưa ra các quan điểm cá nhân”.
 
Ngoài ra, mới đây Trường THCS Lê Quý Đôn tổ chức hoạt động ngoại khóa với chủ đề “Bạn với tư cách công dân số”. Trong hoạt động này, các chuyên gia chia sẻ với HS cần phải tỉnh táo và có trách nhiệm, tự trọng và tôn trọng người khác khi sử dụng mạng xã hội. Đồng thời qua các buổi ngoại khóa, lãnh đạo trường này hướng dẫn HS rèn luyện bản thân phải luôn tỉnh táo, có suy nghĩ phản biện trước khi “like” hay “share” bất cứ thông tin nào trên mạng. Bên cạnh đó, ban giám hiệu cũng trao đổi để phụ huynh HS có những lưu ý giám sát việc sử dụng internet và các mối quan hệ của con trên mạng cũng như ngoài đời thật.
 
Tương tự, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM), cho hay trong thời đại công nghệ số, giáo viên phải tìm tòi nhiều hình thức tiếp cận khác nhau cũng như cần hạ suy nghĩ của mình xuống để bắt được tần số của lứa tuổi HS bây giờ. Có như vậy các em mới xóa bỏ khoảng cách, sẵn sàng tâm sự những điều thầm kín, khó nói với thầy cô.
 
Với sự tham gia vào mạng xã hội của HS hiện nay, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du cũng nhấn mạnh, phụ huynh và nhà trường phải tích cực hơn trong việc giáo dục và định hướng. Phải tìm nhiều hình thức để giúp học trò sử dụng thông minh, hiệu quả, “gạn đục khơi trong”, biết cách chia sẻ thông tin sao cho phù hợp. Ở góc độ phụ huynh, cần dành thời gian cho con, luôn lắng nghe, tìm hiểu, quan sát những mối quan hệ của con. Còn nhà trường cần thiết lập nhiều kênh thông tin, tạo sự tin tưởng để tiếp nhận phản ảnh, giải quyết “thấu tình đạt lý” những khúc mắc của học trò.
 
Ngoài ra, ông Phú cũng nói rằng, người thầy hiện đại không chỉ truyền đạt kiến thức mà phải là người tổ chức các hoạt động giáo dục, thay đổi cách đánh giá, nhìn nhận sự thay đổi của HS. Chính những hoạt động giáo dục sẽ bổ sung, cung cấp cho các em những kỹ năng cần thiết như hợp tác, thích ứng góp phần đẩy lùi những mâu thuẫn nếu có.
 
 
BÍCH THANH