18/01/2025

Hủy APEC, Chile tạo tiền lệ xấu

Chile thông báo huỷ đăng cai Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) và Hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 25 (COP25) cho thấy những nguy cơ xảy ra với các hội nghị quy mô tương tự vào phút chót.

 

Huỷ APEC, Chile tạo tiền lệ xấu

Chile thông báo huỷ đăng cai Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) và Hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 25 (COP25) cho thấy những nguy cơ xảy ra với các hội nghị quy mô tương tự vào phút chót.


 

 

Hủy APEC, Chile tạo tiền lệ xấu - Ảnh 1.

Người biểu tình đụng độ với lực lượng an ninh ở Santiago, Chile hôm 30-10 – Ảnh: AFP

 

Tổ chức những hội nghị như thế này, đặc biệt là sự kiện APEC có sự tham gia của lãnh đạo 21 nền kinh tế, là một nhiệm vụ khổng lồ. Do đó, để tìm một chủ nhà khác trong vòng 2 tuần là gần như bất khả.

Ông MATTHEW GOODMAN, cựu quan chức Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, nhận định.

Đây là lần đầu tiên một hội nghị thượng đỉnh APEC theo kế hoạch bị hủy kể từ khi diễn đàn hợp tác kinh tế khu vực thường niên này được khởi xướng tại Seattle (Mỹ) vào năm 1993.

Với quyết định của chính quyền Santiago khi chỉ còn khoảng 2 tuần diễn ra APEC theo kế hoạch, vẫn chưa rõ quốc gia nào sẽ đứng ra tổ chức đăng cai hay buộc phải hủy chính thức sự kiện năm nay. Nó cũng đồng nghĩa các nước dự kiến mang những nguyện vọng lớn tới quốc gia Nam Mỹ này trở nên bối rối.

Ngơ ngác

Trước hết, theo giáo sư Paulina Astroza đến từ ĐH Concepción (Chile), việc hủy đăng cai APEC đã giáng một đòn đau vào hình ảnh của Chile: “ốc đảo” ổn định và thịnh vượng nhất của Mỹ Latin. “Chúng ta đã đánh mất một cơ hội có một không hai trong lịch sử Chile” – Matias Asun, giám đốc Tổ chức Greenpeace ở Chile, bình luận.

Rõ ràng Chile rất mất mặt với thông báo trên vì cách đây một tuần, Ngoại trưởng Chile Teodoro Ribera còn khẳng định việc tổ chức APEC và COP25 sẽ không bị ảnh hưởng.

Tiếp theo, Đài BBC bình luận đây là một “cú đấm lớn” giáng vào những hi vọng về các tiến triển đối với vấn đề biến đổi khí hậu mà theo nhiều người đã trở thành một cuộc khủng hoảng.

Các nhà lãnh đạo thế giới dự kiến tham dự COP25 để thảo luận việc thực thi Thỏa thuận khí hậu Paris, một thỏa thuận quốc tế lần đầu được ký tại COP21 vào tháng 12-2015. Đây là lần đầu tiên một quốc gia rút khỏi vai trò đăng cai hội nghị này với thời gian thông báo ngắn như vậy.

Trước đó, nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra trên toàn cầu lấy cảm hứng từ nhà hoạt động môi trường nhí người Thụy Điển Greta Thunberg, hay mới nhất là nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Communications cảnh báo tình trạng ngập lụt vào năm 2050 ở nhiều quốc gia như Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc…

Với nhiều vấn đề môi trường đáng báo động hiện nay, các nhà ngoại giao và chuyên gia xem COP25 là sự kiện quan trọng để kêu gọi hành động từ toàn cầu.

Đặc biệt, lãnh đạo của những nước đang phát triển – vốn dễ bị ảnh hưởng bởi mực nước biển đang tăng và những cơn bão ngày càng mạnh hơn – đang trông đợi ngày đến Chile để kêu gọi sự giúp đỡ từ các nước giàu hơn. Giờ đây không rõ một nước chủ nhà mới sẽ đứng ra tổ chức như kế hoạch, hay hội nghị này sẽ bị hoãn lại.

Trong khi đó, việc Chile hủy đăng cai APEC tạo ra rào cản mới cho Thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung, theo Hãng tin Reuters. APEC dự kiến quy tụ các nhà lãnh đạo đến từ 21 nền kinh tế thành viên, trong đó có Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới rõ ràng làm cho APEC sôi động hơn.

Tổng thống Trump hi vọng sẽ ký một thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với ông Tập trong sự kiện này. Nhưng giờ đây, không chỉ Mỹ – Trung mà những người hi vọng thương chiến kết thúc cũng bối rối.

“Giờ đây, làm cách nào và khi nào hai nhà lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới gặp nhau để giải quyết các bất đồng thương mại là câu hỏi lớn nhất sau quyết định của Chile” – Hãng tin Bloomberg viết.

 

Hủy APEC, Chile tạo tiền lệ xấu - Ảnh 3.

Quang cảnh khu Espacio Riesco ở thủ đô Santiago, địa điểm dự kiến tổ chức thượng đỉnh APEC 2019 – Ảnh: REUTERS

 

“Quyết định khó khăn, đau đớn”

“Đây là quyết định rất khó khăn, một quyết định gây nhiều đau đớn cho chúng tôi vì chúng tôi hoàn toàn hiểu được tầm quan trọng của APEC và COP25 đối với Chile và thế giới” – Tổng thống Sebastian Pinera của Chile nói hôm 30-10 khi thông báo hủy 2 sự kiện đối ngoại lớn.

Phản ứng với thông báo của ông Pinera, bà Rebecca Fatima Sta Maria – giám đốc điều hành Ban thư ký APEC – cho biết “sự an toàn và thịnh vượng của Chile cùng các nền kinh tế thành viên khác là ưu tiên lớn nhất của APEC”. Ban đầu, hội nghị APEC và COP25 dự kiến lần lượt diễn ra vào giữa tháng 11 và trong 2 tuần đầu tiên của tháng 12 ở Chile.

Thông báo của ông Pinera đưa ra trong bối cảnh hàng loạt cuộc biểu tình và náo loạn diễn ra trên đường phố Chile 2 tuần qua, khiến ít nhất 18 người chết và khoảng 7.000 người bị bắt. Giữa tháng 10, Tổng thống Pinera đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp sau khi bạo lực nổ ra trên đường phố thủ đô Santiago. Sau đó, ông tuyên bố nước này đang “có chiến tranh với một kẻ thù hùng mạnh”.

Ông Pinera đổ lỗi việc hủy đăng cai cho “những tình huống khó khăn” mà Chile đang đối mặt và cho biết quan tâm chính của chính phủ nước này giờ đây là “khôi phục hoàn toàn trật tự, an ninh công cộng và sự yên bình trong xã hội”.

“Khi một người cha đối mặt vấn đề, ông ấy phải luôn đặt gia đình mình lên trên mọi thứ khác. Tương tự, một tổng thống phải luôn đặt người dân lên trước bất kỳ mối quan tâm nào khác” – nhà lãnh đạo Chile chia sẻ.

Theo báo Guardian, các cuộc biểu tình ở Chile bắt đầu giữa tháng 10 khi học sinh, sinh viên phản đối tăng giá vé tàu điện ngầm thêm 30 peso (0,04 USD). Những cuộc biểu tình này nhanh chóng được mở rộng và người ta đã đi từ câu chuyện tăng vé tàu điện ngầm sang những bất mãn lớn hơn: bất bình đẳng, lương hưu, chi phí sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe…

“Tôi muốn có sự thay đổi hiến pháp ngay bây giờ. Đây là một quốc gia nhỏ và có nhiều tài nguyên thiên nhiên. Nhưng chúng ta sẽ là một quốc gia thịnh vượng nếu sự giàu có được phân bổ tốt hơn. Hiện có nhiều đặc quyền dành cho các lực lượng vũ trang, các nhà chính trị, các tập đoàn…” – ông Juan Angel, giáo viên 60 tuổi, chia sẻ.

Theo báo Washington Post, lỗ hổng sâu nhất và tồi tệ nhất hiện nay chính là hiến pháp của Chile. Chile hiện được quản lý dưới hiến pháp vốn đã ra đời từ thời nhà độc tài khét tiếng Augusto Pinochet, người lãnh đạo Chile từ năm 1973-1990.

Theo một số người dân Chile, 30 năm sau đó, Chile đã thay đổi rất nhiều và người dân tự do hơn nhưng các luật lao động, hệ thống giáo dục… vẫn không rục rịch. “Một hiến pháp mới là giải pháp duy nhất” – Patricia, người biểu tình 62 tuổi ở Santiago, chia sẻ với Đài Al Jazeera.

Mỹ – Trung chọn địa điểm thay thế

Hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin cho biết Nhà Trắng có ý định đề xuất một số địa điểm thay thế ở Mỹ cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Trung. Alaska và Hawaii có thể là những lựa chọn mà Trung Quốc sẽ đồng ý. Còn Trung Quốc được cho là đã đề xuất Macau.

Trong trường hợp bất khả kháng, hai bên có thể cử bộ trưởng thương mại đại diện ký thỏa thuận và để dành cuộc gặp Trump – Tập cho phần sau quan trọng hơn. Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng lạc quan rằng hủy APEC 2019 sẽ giúp các nhà đàm phán Mỹ – Trung có thêm thời gian để đi tới một thỏa thuận tốt hơn.

 

 

 

BÌNH AN