16/01/2025

Con đang học biết yêu, có đáng lo?: Không rung động trước bạn khác phái mới…lạ!

Chế độ dinh dưỡng được cải thiện nhiều, cùng với đó là ảnh hưởng của các trang mạng xã hội, việc học trò ngày nay dậy thì sớm và yêu sớm là một thực tế dễ hiểu.

 

Con đang học biết yêu, có đáng lo?: Không rung động trước bạn khác phái mới…lạ!

Chế độ dinh dưỡng được cải thiện nhiều, cùng với đó là ảnh hưởng của các trang mạng xã hội, việc học trò ngày nay dậy thì sớm và yêu sớm là một thực tế dễ hiểu.

 
 
 

Một buổi truyền thông về sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân cho học sinh lớp 10 ở một trường THPT tại TP.HCM  /// Ảnh: Trần Nhân Trung

Một buổi truyền thông về sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân cho học sinh lớp 10 ở một trường THPT tại TP.HCM   Ảnh: Trần Nhân Trung

 

 
Tuy nhiên, cách nhìn nhận và thái độ can thiệp của chúng ta như thế nào; trách nhiệm của cha mẹ, nhà trường ra sao là những điều cần được quan tâm.

Không nên coi học sinh yêu nhau là “có tội” để rồi cấm đoán

Làm công tác giáo viên chủ nhiệm nhiều năm, tôi thấy học trò yêu nhau trong lớp khá nhiều. Năm ngoái, khi tôi cho học trò làm bài viết về văn biểu cảm, một nữ sinh lớp 10 đã “sáng tạo” bằng hình thức một bức thư gửi cho “người anh” mà mình đã yêu. Khi tôi hỏi, nữ sinh này đã không giấu giếm gì trước lớp rằng đó là tình cảm của mình với “người ấy” từ những năm học lớp 8. Vừa rồi dẫn học trò đi ngoại khóa, tôi rất bất ngờ khi phát hiện một số học sinh nam nữ “có tình cảm” ngồi sát ghế với nhau trên xe. Thường thì trong lớp học khó có thể nhận biết được. Nếu chịu khó quan sát sẽ thấy: ở giữa giờ chơi, trên ghế đá nhà trường, các hàng quán trà sữa.. đâu đâu cũng có cảnh học sinh đang yêu nhau!
 
Những tiết ngoài giờ lên lớp về đề tài tình bạn, tình yêu; những buổi thuyết trình trong bài học “tự do phát biểu” ở lớp 12, tôi thấy học trò rất già dặn, nhiều em bày tỏ quan điểm của mình về tình yêu rất chính chắn. Ai coi việc học sinh yêu nhau là “có tội” để rồi cấm đoán là không nên. Theo tôi, học sinh THPT mà không có sự rung động với một bạn khác phái nào đó trong trường, trong lớp mới là điều… không bình thường! Bởi vì, nếu vậy, những bài học về tình yêu – hôn nhân - gia đình trong môn giáo dục công dân, những tác phẩm văn học về đề tài tình yêu của bộ môn ngữ văn… coi chừng sẽ trở nên lạc điệu!

Phải dạy để học sinh biết yêu đúng cách!

Việc một số bộ phận giáo viên luôn tìm cách can thiệp, phụ huynh thì lo lắng và có cha mẹ cấm đoán, xét ở thiện chí là tốt, song nếu can thiệp không đúng cách dễ dẫn đến tác hại khó lường. Phải thừa nhận và hành động đúng cách: Cấm không được thì phải dạy học sinh biết cách… yêu. Bản thân tôi đã từng lồng câu chuyện này vào bài học môn ngữ văn để dạy học trò. Chẳng hạn giúp học sinh phân biệt sự rung động tình bạn khác phái khác với tình yêu như thế nào. Khi dạy ở lớp 10, tôi lồng ghép câu chuyện “tảo hôn” vào bài dạy ca dao: “Lấy chồng từ thuở mười ba/ Đến năm mười tám thiếp đà năm con…”. Hay như câu ca dao: “Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng/ Tre non đủ lá đan sàng nên chăng?”, bao giờ tôi cũng hỏi thêm vì sao chàng trai hỏi tuổi trước khi hỏi làm quen và cưới cô gái. Hỏi như vậy là để học sinh ý thức pháp luật trong tình yêu, hôn nhân.
 
Tôi đã từng thấy cách ứng xử rất hay của cha mẹ hai học sinh yêu nhau, họ không hề cấm đoán mà hợp tác tìm hiểu, tạo ra gắn kết giữa hai gia đình. Từ đó họ khuyên nhủ, dạy bảo và con em mình đã có một tình yêu trong sáng, các em cũng học tập rất tiến bộ.
 
Nhiều trường phổ thông hiện nay đã làm tốt công tác truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân cho học sinh. Đây là một giải pháp cần nhân rộng. Đối với trẻ, cấm kỵ dễ khiến chúng tò mò, dễ lén lút thực hiện. Đem đến sự hiểu biết về pháp luật, về khoa học sẽ giúp trẻ ngăn ngừa tốt nhất việc “sống thử”, “ăn cơm trước kẻng”, nạn nạo phá thai… trong lứa tuổi học sinh hiện nay.

Trầm cảm và hưng cảm ở lứa tuổi học sinh

Tôi là người đi dạy, cấp THCS và THPT. Điều tôi nhận thấy là các em học sinh rung động sớm, nhưng các em dễ nhầm tưởng rung động là yêu và có phần ngô nghê, lý tưởng hóa (cho rằng sẽ đi đến kết đôi trăm năm). Phụ huynh khi biết con mình có tình cảm với bạn khác giới đều không thoát khỏi mối lo các cháu “quá đà”, rồi dần tạo nên khoảng cách với các em, các em tâm sự với bạn và người ngoài là chính. Thậm chí có “trò ngoan” qua mặt cả phụ huynh, đến khi sinh con thì chuyện đã rồi!
 
Trong vai trò người đi dạy, tôi thấy việc nắm bắt tâm tư các em là điều quan trọng. Từ đó, “để mắt” đến các em nhiều hơn, nhưng không có nghĩa là săm soi. Luôn tôn trọng, hướng các em đến ứng xử chừng mực. Đặc biệt quan tâm khi các em chia tay. Đây là lứa tuổi nhạy cảm, dễ tổn thương, đáng lo ngại nhất là các em sa sút, suy sụp, dẫn đến trầm cảm và hưng cảm, dễ dẫn đến nhiều hành xử dại dột. Để giúp các em vượt qua giai đoạn này, người lớn cần hết sức tinh tế.
 
Tôi luôn chọn cách đùa vui một chút, nhưng không xem thường, mà tìm lời tỉ tê để các em không trầm trọng hóa vấn đề. Những câu tôi thường chia sẻ với các em “Thất tình là chuyện thường, không thất tình mới là chuyện lạ” và “Cô trầm cảm tận 3 lần”…
 
Luôn nhắc các em biết trân quý giá trị của bản thân và quý cái thân cha mẹ sinh ra mình. Rằng không có cá nhân nào trong đời được hoàn hảo, những khúc mắc sẽ giúp bản thân vững vàng, cứng cỏi hơn. Tôi mừng khi các em hiểu và cảm được những lời tôi nói!
Nhất Nguyên 

Con biết yêu khi còn đi học, có đáng lo?

Tuổi vị thành niên là lứa tuổi có nhiều thay đổi về mặt tâm sinh lý. Ở giai đoạn này, trẻ có sự chuyển biến lớn về hành vi cư xử đối với cha mẹ, bạn bè, nhất là trẻ bắt đầu biết rung động với bạn khác giới.
 
Con biết yêu khi còn đi học, cha mẹ sẽ làm gì? Lo lắng thái quá, ngăn cản, cấm đoán con yêu hay dạy con yêu đúng, để con hướng đến những mục tiêu tốt đẹp, trưởng thành hơn… Và dù có quyết định thế nào đi nữa, thì cách quan tâm, giáo dục của cha mẹ trong thời điểm này là điều vô cùng quan trọng.
 
Xung quanh chủ đề Con biết yêu khi còn đi học, có đáng lo?, bạn đọc có thể gửi những câu chuyện, những chia sẻ của mình về địa chỉ [email protected]. Các bài viết của bạn đọc được đăng tải trên Thanh Niên Online sẽ được chi trả nhuận bút theo quy định của báo.
 
 
 
 TRẦN NHÂN TRUNG