03/01/2025

Chạy cũng không thoát… ngập

Mùa mưa chưa qua, triều cường lại ào ào ập tới khiến tình trạng ngập lụt tại TP.HCM ngày càng nặng nề, người dân khổ sở.

 

Chạy cũng không thoát… ngập

Mùa mưa chưa qua, triều cường lại ào ào ập tới khiến tình trạng ngập lụt tại TP.HCM ngày càng nặng nề, người dân khổ sở.

 
 
 

Triều cường gây ngập trên đường Mễ Cốc (Q.8, TP.HCM) sáng 30.9  /// Ngọc Dương

Triều cường gây ngập trên đường Mễ Cốc (Q.8, TP.HCM) sáng 30.9   Ngọc Dương

 

Triều cường liên tục phá kỷ lục

Trở lại khu vực cầu Kênh Ngang số 3 nằm trên đường Mễ Cốc (P.15, Q.8) sau sự cố vỡ bờ kè gây ngập lụt nghiêm trọng vào chiều 29.9, các hộ dân sinh sống quanh đây chưa hết bàng hoàng. Theo lời kể của người dân, khoảng 15 giờ, nước bắt đầu dâng cao. Chỉ 1 giờ sau, bất ngờ đoạn bờ kè dài bị đổ sập khiến nước từ kênh Lò Gốm ồ ạt chảy vào. Toàn bộ khu vực gần cầu Kênh Ngang số 3 bị ngập nghiêm trọng. 
 Triều cường gây ngập khu Thảo Điền (Q.2, TP.HCM) tối 30.9   Độc Lập

Triều cường gây ngập khu Thảo Điền (Q.2, TP.HCM) tối 30.9   Độc Lập

 

Ngay trong hôm qua 30.9, công tác khắc phục gia cố bờ kè đã được hoàn thiện. Chính quyền địa phương đã đưa ra phương án dự phòng là dùng máy bơm để bơm nước ra ngoài khu vực bị bể bờ kè. Ông Nguyễn Mai Trung, Chủ tịch UBND P.15 (Q.8), cho biết nguyên nhân gây vỡ bờ kè là do có những cửa xả chưa hoàn thiện, đẩy áp lực lên các bờ kè cũ, cộng với triều cường lên lớn và bất ngờ nên xảy ra sự cố. 
 
Không gây hậu quả quá nghiêm trọng như tại Q.8 nhưng trong khoảng 3 ngày qua, triều cường dâng cao đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân TP. Từ chiều 28.9, nhiều tuyến đường như đường Song Hành, xa lộ Hà Nội (đoạn qua P.An Phú, Q.2), đường Hoàng Diệu (Q.4)… ngập sâu vì nước triều dâng. Ngập nặng nhất là tại khu vực P.An Phú. Nước dâng cao tới khoảng 30 cm, kéo dài từ nút giao cầu Sài Gòn tới gần cầu vượt khiến hàng loạt phương tiện chết máy, giao thông hỗn loạn.
 
Ngày 29.9, mực nước tại trạm Phú An (Q.2) đo được khoảng 1,68 m; trạm Nhà Bè đạt khoảng 1,69 m, vượt báo động 3 gần 20 cm. Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ dự báo đến chiều 30.9, triều cường dự kiến đạt đỉnh 1,7 m ở trạm Nhà Bè – mức cao nhất từ đầu năm đến nay. Thế nhưng trong bản tin phát đi từ buổi sáng, đài này đã dự báo triều cường ở TP.HCM có thể đạt đỉnh kỷ lục mới vào khoảng 17 – 17 giờ 30. Cùng với những cơn mưa rải rác trong ngày, nhiều khu vực trũng, thấp tại TP.HCM tiếp tục ngập nặng.
 
Trao đổi với Thanh Niên, chuyên gia khí tượng Lê Thị Xuân Lan lý giải mặc dù chưa phải thời điểm đạt đỉnh nhưng đợt thủy triều mấy ngày qua tại TP.HCM lên mức cao như vậy là do sự tác động từ gió chướng (gió có yếu tố hướng đông như gió đông đông bắc…). Cụ thể, gió từ hướng đông thổi về tuy không to nhưng kéo dài khoảng 4 – 5 ngày trước đợt thuỷ triều, mang theo đà sóng của biển khiến nước bị dồn vào cảng cửa sông, đẩy thuỷ triều dâng mạnh. 

Cao ốc mọc lên, đất nền lún xuống

Theo chuyên gia Lê Thị Xuân Lan, thủy triều tại TP.HCM đang có xu hướng ngày càng lên cao, khiến tình trạng ngập lụt được dự báo sẽ ngày càng diễn biến phức tạp. Nguyên nhân một phần do biến đổi khí hậu, phần lớn còn lại do TP đang sụt lún nghiêm trọng. Đây là hậu quả từ việc khai thác nước ngầm quá mức và bê tông hóa TP lan rộng.
 
Thực tế, khu vực P.Thảo Điền (Q.2) được mệnh danh là khu nhà giàu nhưng lại nằm trong danh sách những “rốn ngập” nặng nhất TP. Bà T.T.Hoa, một hộ dân sống tại đây từ trước những năm 1975, cho biết trước đây khu vực này ít ngập, nhưng vài năm qua, từ khi các chung cư mọc lên dày đặc thì người dân nơi đây thường xuyên phải sống trong cảnh ngập lụt.
 
Kết quả đo đạc của Bộ TN-MT tại 347 mốc đo từ năm 2005 – 2017 ở TP.HCM cho thấy TP đang lún biến đổi từ 1,1 – 81,4 cm, trung bình 23,27 cm, tốc độ lún từ 0,09 – 6,78 cm/năm (trung bình 1,99 cm/năm). Lún nặng nhất là P.An Lạc, Q.Bình Tân với 81,4 cm.
 
Nghiên cứu của Tập đoàn CLS (Pháp) thực hiện từ năm 2015 – 2017 cũng cho thấy việc lún bề mặt đất trên địa bàn TP hiện không có dấu hiệu dừng lại. Thậm chí tốc độ lún còn tiếp tục tăng nhanh theo từng năm. Tuỳ theo khu vực mà tốc độ lún bề mặt đất dao động 0,04 – 6,87 cm/năm, trung bình lún là 1,11 cm/năm.
 
Đồng quan điểm với bà Lê Thị Xuân Lan, trong nghiên cứu của mình, TS Tạ Thị Thoảng, Trường ĐH Tài nguyên – Môi trường Hà Nội, chỉ ra rằng khai thác nước ngầm là nguyên nhân chính khiến đất nền TP.HCM ngày càng lún sâu. Bà Thoảng dự báo ở khu vực trung tâm TP.HCM, nếu duy trì khai thác nước ngầm như giai đoạn 1999 – 2009 thì lún do khai thác nước ngầm cộng dồn lớn nhất cho các năm 2020, 2040 và 2100 lần lượt là con số “khủng khiếp”: 63,8 cm, 85,2 cm và 97,6 cm.

Cống ngăn triều vẫn trễ hẹn

TS Vũ Văn Ái (Đại học Bách khoa TP.HCM) lại có góc nhìn khác. Theo ông, tình trạng sụt lún đất nền tại TP.HCM đúng là đang ở mức đáng báo động nhưng khai thác nước ngầm không hoàn toàn là nguyên nhân chính. Vì khi khai thác tầng dưới sâu 200 m, phía trên có lớp sét lớn, không thấm nước. Bên cạnh đó, từ trên mặt nước xuống đến tầm hơn 200 m sẽ phải trải nhiều lớp nước và nhiều lớp sét nên lấy nước ở sâu bên dưới không gây ảnh hưởng đến tầng đất phía trên. Ông Ái lý giải đây là hiện tượng co ngót của lớp đất bề mặt, hay còn gọi là bề mặt đất bị cố kết do mất nước. Nguyên nhân mất nước một phần có thể do thời tiết nắng nóng quanh năm, phần khác lớn hơn là vì quá trình bê tông hoá đang lan rộng khiến nước mưa, nước kênh rạch không thể thấm xuống đất.
 
Nhà dân trên đường Mễ Cốc (Q.8, TP.HCM) đắp bao cát chắn nước Ảnh: Ngọc Dương

Nhà dân trên đường Mễ Cốc (Q.8, TP.HCM) đắp bao cát chắn nước  Ngọc Dương

 

Đồng tình, kỹ sư Lê Thành Công, Giám đốc Công ty TNHH thiết kế tư vấn xây dựng D&C, cho rằng về lý thuyết, khai thác nước ngầm là mất nước và sụt lún. Tuy nhiên, tình trạng triều cường gây ngập tại TP hiện nay chủ yếu do nhà cao tầng, cao ốc mọc lên dày đặc nhưng hệ thống thoát nước mặt yếu kém, cản trở thoát nước mặt từ phía trong đi ra.
 
Kỹ sư Lê Thành Công nhận định để giải quyết ngập do triều, các cống ngăn triều là phương án hữu hiệu nhất. Bằng chứng là sau khi TP đặt 3 cửa cống có tác dụng điều tiết, ngăn triều tại khu vực Q.Bình Thạnh, toàn bộ khu vực bên trong bao gồm đoạn ngã ba Nơ Trang Long, khu Cầu Đỏ hoàn toàn thoát ngập, dù trước đó kể cả mùa khô nước vẫn dâng tới cả nửa mét do triều. Do đó, nếu hệ thống cống ngăn triều của Trung Nam (dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng) hoàn thành và vận hành tốt, có thể đạt tới 70% hiệu quả ngăn triều tại các khu vực được tác động. Tuy nhiên theo ông Công, hệ thống trữ, dẫn và tiêu thoát nước tại TP.HCM quá kém, nên nếu chỉ dựa vào hệ thống cống trên, hiệu quả giảm ngập gần như bằng 0. Các vùng trũng như kênh Nhiêu Lộc, Q.11, khu An Phú, Q.2… vẫn sẽ ngập như thường!
 
“Đê bao, cống ngăn triều là những giải pháp mang tính dài hạn cần thiết. Tuy nhiên TP đang bỏ bẵng hoàn toàn các giải pháp trung hạn khoảng 2 – 3 năm đó ngăn triều bên trong cửa sông. Cần có các công trình điều tiết, trữ nước, thoát nước chống ngập cục bộ cho từng vùng ngập. Muốn giải quyết ngập không thể tách triều riêng, nước mặt riêng”, ông Công nhấn mạnh.
 
Bản thân phía chủ đầu tư dự án chống ngập 10.000 tỉ, ông Nguyễn Tâm Tiến, Giám đốc Công ty Trung Nam, cũng khẳng định người dân không nên hiểu nhầm dự án hoàn thành là TP sẽ hết ngập. “Dự án chúng tôi đang làm thuộc Quy hoạch 1547, nhiệm vụ chính là ngăn triều, hỗ trợ tiêu thoát nước. Nếu các dự án theo Quy hoạch 752 chưa hoàn thiện, hệ thống cống, kênh rạch không được khơi thông thì hệ thống cống ngăn triều cũng không thể hoạt động hiệu quả”, vị này nói.

Hiện đã ngập 10 – 15% diện tích

Triều cường, ngập nước trên đường Huỳnh Tấn Phát (Q.7, TP.HCM) ảnh: Khả Hòa

Triều cường, ngập nước trên đường Huỳnh Tấn Phát (Q.7, TP.HCM)  Khả Hoà

 

Ông Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên – Môi trường TP.HCM, đánh giá: Hiện nay TP đã bị ngập từ 10 – 15%.
 
Dự kiến trong tương lai, 7 – 10 năm tới, nước xâm nhập sẽ gây ngập từ 25 – 35% diện tích TP khi mưa kết hợp triều cường đỉnh điểm.
 
Nếu mưa, kết hợp triều cường và TP không có giải pháp, thì 1/3 diện tích TP sẽ ngập.
 
Ngay từ bây giờ, phải nạo vét mương rãnh, tạo thêm hồ, khu vực chứa nước quy mô lớn và các đê ngăn triều cục bộ. Đồng thời không nên cấp phép xây dựng chung cư, nhà cao tầng ở những khu vực có nền đất yếu và bùn nhiều như Q.7, Q.2.
 
 
 
HÀ MAI – ĐÌNH SƠN