26/12/2024

Sinh viên ‘dìu’ nhau qua môn khó

Logic học đại cương, triết học, thống kê… là những môn “ám ảnh” sinh viên. Tâm thế học thờ ơ, không hiểu bài “trường kỳ” dẫn tới thi rớt, thậm chí rớt nhiều lần một môn khiến nhiều bạn phải tìm người dạy kèm, hướng dẫn ôn tập.

 

Sinh viên ‘dìu’ nhau qua môn khó

Logic học đại cương, triết học, thống kê… là những môn “ám ảnh” sinh viên. Tâm thế học thờ ơ, không hiểu bài “trường kỳ” dẫn tới thi rớt, thậm chí rớt nhiều lần một môn khiến nhiều bạn phải tìm người dạy kèm, hướng dẫn ôn tập.
 
 
 
 
 
 

Sinh viên dìu nhau qua môn khó - Ảnh 1.

 

Lớp học thu hút đông đảo sinh viên từ nhiều trường tham gia – Ảnh: MINH TRÂM

 

Đó cũng là lý do Đinh Lương Chính Thiện, vừa tốt nghiệp khoa địa lý Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM, quyết định mở lớp học, ôn tập các môn này từ ba năm nay.

Khi sinh viên dạy sinh viên

Lớp học ôn tập đại cương do Chính Thiện hướng dẫn gồm ba môn là logic học đại cương, thống kê cho khoa học xã hội, pháp luật đại cương diễn ra ở một quán cà phê trong ký túc xá khu B – ĐHQG TP.HCM. Mỗi môn được tổ chức ôn từ hai đến ba buổi trong khoảng một tuần trước khi thi cuối học kỳ hè và cuối các kỳ học trong năm. Mỗi buổi có trung bình 25-30 sinh viên nhiều khóa đến ôn tập.

Tại đó, các bạn được ôn lại những kiến thức căn bản của môn học, được trao đổi, cùng nhau giải đáp các thắc mắc và được Thiện hỗ trợ làm các bài tập ôn luyện và chia sẻ những kinh nghiệm, mẹo làm bài đạt điểm cao của bạn ấy. 

Chính Thiện cho biết hầu hết người học là những sinh viên đăng ký học vượt các môn trong kỳ hè, học cải thiện điểm, học lại vì rớt môn nhưng vì nhiều lý do mà vắng học thường xuyên, không hiểu bài, không thể tự hệ thống kiến thức, tự ôn tập.

Diễm Quỳnh, sinh viên năm ba Trường ĐH Kinh tế – luật, cho biết đang học ôn môn logic học đại cương để cải thiện điểm. Quỳnh chia sẻ: “Kỳ trước vì học lơ là nên dù đủ điểm qua môn nhưng điểm của mình rất thấp, ảnh hưởng đến kết quả ra trường. Kỳ hè này mình đăng ký học nhưng vì bận làm thêm, không thể lên lớp và hổng kiến thức nhiều. Mình phải tìm đến lớp ôn này để hệ thống lại các kiến thức căn bản, hướng dẫn làm bài thi để hạn chế được thời gian mình tự bơi hơn”.

Tương tự, Võ Thị Kiều My, sinh viên năm thứ năm Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, cũng lắc đầu ngao ngán khi nói về các môn học đại cương. My chia sẻ: “Với mình, môn nào cũng trừu tượng, khó học, khó hiểu. Mình không qua nhiều môn đại cương, đó cũng là nguyên nhân mình vẫn chưa thể ra trường”.

Sinh viên dìu nhau qua môn khó - Ảnh 2.

“Thầy giáo nghiệp dư” Đinh Lương Chính Thiện trong một buổi học ôn môn logic học đại cương – Ảnh: MINH TRÂM

Kết quả không cao vì còn “chất cấp III”

 

Là một sinh viên từng ba năm liền đạt danh hiệu sinh viên có thành tích học tập xuất sắc cấp trường, từng có nghiên cứu khoa học đăng trên Tạp chí ĐHQG TP.HCM và luôn đạt điểm cao ở tất cả các môn học đại cương nhưng Chính Thiện cũng từng nằm dài trên bàn, ngao ngán trước các môn học này. 

Trong quá trình đúc kết từ kinh nghiệm bản thân, bạn bè, sinh viên theo học, Thiện cho rằng nguyên nhân quan trọng nhất khiến các bạn học nhưng đạt kết quả không cao là vì chỉ học thuộc lòng và chưa biết cách trình bày bài làm.

“Nhiều bạn từ cấp III quen với phương pháp học thuộc lòng nhưng lên ĐH có rất nhiều môn, mỗi môn học rất nhiều cuốn sách với lượng kiến thức lớn nên dùng phương pháp này khó hiệu quả. Các bạn phải hiểu vấn đề, đúc kết cái nào quan trọng nhất để ghi nhớ” – Thiện nói.

Theo Thiện, những môn đại cương thường sẽ học vào năm nhất, năm hai. Đây là giai đoạn mới chuyển tiếp từ cấp III lên đại học, nhiều bạn chưa biết trình bày bài thi như thế nào cho hợp lý dẫn đến bị trừ điểm đáng tiếc: “Nhiều sinh viên chưa biết phải trình bày các phần mở bài, thân bài làm sao, cho ví dụ như thế nào hợp lý, kết bài phải thắt lại vấn đề gì. Các bạn viết lan man, nghĩ gì viết đó làm cho bài thi không đủ sâu để đạt những con điểm cao”…

Cô Nguyễn Quang Việt Ngân – phó trưởng khoa địa lý, chủ nhiệm lớp Chính Thiện và giảng dạy một số môn đại cương – chia sẻ: “Việc cùng nhau mở lớp ôn tập lại các môn đại cương sau mỗi kỳ này giúp các bạn sinh viên ngồi học lại cùng nhau để ôn và hệ thống hóa lại kiến thức cũ. 

Qua các thành tích của Thiện cũng như những kết quả tốt mà các bạn sinh viên cùng ôn có được thì đây là dịp để các bạn nhìn thấy rằng học đại cương cũng cần có phương pháp, học đúng và chịu khó thì sẽ đạt kết quả tốt. Ngoài tự học thì học nhóm cũng rất quan trọng”.

Gần 1.000 sinh viên theo học

Đinh Lương Chính Thiện bắt đầu nhận dạy kèm các môn đại cương từ học kỳ hai năm nhất cho những bạn bè thân thiết và được kết quả tốt. Sau đó, anh được bạn bè động viên nên mở rộng lớp để nhiều bạn cần được ôn tập cùng học.

Tính đến nay, lớp học đã thu hút gần 1.000 sinh viên từ nhiều trường khác nhau như ĐH KHXH&NV, ĐH Kinh tế – luật, ĐH Luật TP.HCM… tham gia ôn tập sau mỗi học kỳ.

Cần nhiều tương tác

Tiến sĩ tâm lý Lê Minh Công – giảng viên Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM – cho rằng: “Nhà trường nên bố trí không gian học các môn đại cương một cách thoải mái, phù hợp là các giảng đường lớn để giảng viên có thể tương tác với sinh viên tốt nhất. Đồng thời, nên bố trí các giáo sư giảng dạy những môn này, người có am hiểu và truyền cảm hứng cho sinh viên”.

 

MINH TRÂM