Philippines kêu gọi Liên Hiệp Quốc không can thiệp vào việc trấn áp ma tuý
Phát biểu tại một cuộc thảo luận cấp cao ở Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, New York ngày 28-9, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. kêu gọi LHQ không can thiệp vào chức năng bảo vệ công dân và xử lý tội phạm của các quốc gia.
Philippines kêu gọi Liên Hiệp Quốc không can thiệp vào việc trấn áp ma tuý
Phát biểu tại một cuộc thảo luận cấp cao ở Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, New York ngày 28-9, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. kêu gọi LHQ không can thiệp vào chức năng bảo vệ công dân và xử lý tội phạm của các quốc gia.
Ngoại trưởng Philippines kêu gọi Liên Hiệp Quốc không can thiệp vào việc mạnh tay trấn áp ma túy của nước mình – Ảnh: PHIL STAR
Ông Locsin đưa ra lời kêu gọi trên trong bối cảnh LHQ đang xem xét một nghị quyết về chiến dịch chống ma túy của chính quyền Philippines. Ông khẳng định LHQ không nên là nơi các nước thành viên bị đe dọa chỉ vì có biện pháp cứng rắn với tội phạm.
Ông nói: “Ở đâu đó trên thế giới, người ta có thể không thích kết quả bầu cử (ở Philippines). Nhưng người dân (Philippines) hài lòng với sự lựa chọn của họ. Đó là quyết định của họ, nếu có hối tiếc là hối tiếc của họ, không phải của LHQ. Nếu không hài lòng, người dân có quyền tự do khiếu nại, tốt hơn nữa là nên đệ đơn khiếu nại chính thức với các cơ quan hữu quan. LHQ không được quyền can thiệp vào hoạt động của nhà nước trong chức năng bảo vệ công dân và loại trừ các mối đe doạ”.
Theo báo Phil Star, tháng 7-2019, Hội đồng Nhân quyền LHQ (UNHRC) đã thông qua một nghị quyết về tình hình nhân quyền của Philippines và yêu cầu Cao ủy LHQ về nhân quyền chuẩn bị một báo cáo đầy đủ về vấn đề này.
Nghị quyết này đã chia rẽ 47 thành viên của hội đồng. Chỉ có 18 phiếu ủng hộ nghị quyết theo đề xuất của Iceland. 14 nước trong đó có Philippines bỏ phiếu chống và 15 nước bỏ phiếu trắng.
Ngoại trưởng Philippines và phu nhân chụp ảnh cùng gia đình Tổng thống Mỹ Donald Trump tại New York – Ảnh: PHIL STAR
Phản đối nghị quyết này, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã chỉ đạo tất cả các cơ quan chính phủ liên quan ngừng mọi cuộc thảo luận, đàm phán về các khoản vay, thỏa thuận tài trợ với các quốc gia đã ủng hộ hoặc bỏ phiếu thông qua nghị quyết. Bộ trưởng Tài chính Philippines Carlos Sebastuez III xác nhận ít nhất hai khoản vay, từ Đức và Pháp đã bị đình chỉ theo chỉ thị của ông Duterte.
Trong phát biểu của mình ở LHQ, ông Locsin nhiều lần nhấn mạnh LHQ là đại diện của các quốc gia có chủ quyền, không phải tự thân là một tập thể có chủ quyền. LHQ có hiệu quả là nhờ sự tham gia của các thành viên.
Ông Loscin mỉa mai: “Các quốc gia thành viên ở đây không nên để LHQ là nơi đe dọa quốc gia khác chỉ vì quốc gia đó có biện pháp cứng rắn với tội phạm. Philippines không thể thực hiện theo biện pháp mình cho rằng bất khả thi như đề xuất của phương Tây là chấm dứt tội phạm bằng cách hợp pháp nó. Theo cách đó, chúng ta không trừng phạt người phạm tội mà ngồi xuống nói chuyện với họ”.
Theo Ngoại trưởng Loscin, nhân quyền phải bắt đầu bằng việc tôn trọng quyền của số đông làm điều đúng, bảo vệ họ an toàn khỏi những cái xấu.