27/12/2024

Việt Nam mang vấn đề biển Đông ra Liên Hợp Quốc

Phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đêm 28.9 (giờ Việt Nam), Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đã nhắc đến “sự cố nghiêm trọng xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán” của Việt Nam trên biển Đông thời gian qua.

 

Việt Nam mang vấn đề biển Đông ra Liên Hợp Quốc

Phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đêm 28.9 (giờ Việt Nam), Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đã nhắc đến “sự cố nghiêm trọng xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán” của Việt Nam trên biển Đông thời gian qua. 

 
 
 

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc /// Ảnh chụp màn hình

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc   Ảnh chụp màn hình

 

Việt Nam thúc giục tôn trọng luật pháp quốc tế trên Biển Đông

“Chúng tôi thúc giục các bên liên quan trên Biển Đông tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về luật Biển năm 1982, được coi là bản Hiến pháp trên biển”, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nói trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

 
Khẳng định với vị trí kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, Biển Đông có vị trí chiến lược quan trọng đối với hoà bình, an ninh và thịnh vượng của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Phó thủ tướng nhấn mạnh nỗ lực của các quốc gia liên quan sẽ mang đến những kết quả tích cực cho việc giải quyết các khác biệt và xung đột.
 
“Việt Nam đã rất nhiều lần lên tiếng, bày tỏ quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông, bao gồm cả sự cố nghiêm trọng xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trong vùng biển của chúng tôi – được xác định bởi UNCLOS. Các bên liên quan cần kiềm chế các hoạt động đơn phương có thể làm phức tạp tình hình hoặc gây leo thang căng thẳng trên biển, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình theo luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS”, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.
 
Trước đó, từ 4.7, ngày tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 và nhóm tàu hộ tống của Trung Quốc tiến hành các hoạt động khảo sát phi pháp trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã ít nhất 5 lần lên tiếng phản đối, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hoạt động trên.
 
Việt Nam cũng đã giao thiệp nhiều lần với Trung Quốc ở nhiều cấp độ, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên vùng biển của mình.
 

Luật pháp quốc tế là nền tảng của mối quan hệ ngang bằng giữa các quốc gia

Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần này, Phó thủ tướng cũng nhắc lại bài học đau thương trong “chương đẫm máu nhất trong lịch sử loài người” là chiến tranh thế giới thứ 2.
 
Sự trả giá khủng khiếp sau cuộc thế chiến này đã giúp các quốc gia đã nhận ra tầm quan trọng của việc có một hệ thống an ninh tập trung dựa trên kiểm soát đa phương và luật pháp quốc tế, như một nền tảng của trật tự thế giới sau chiến tranh. Lựa chọn đó đã được chứng minh là thông thái.
 
Tuy nhiên, chủ nghĩa đa phương cũng đang phải đối mặt với thách thức của việc lựa chọn lợi ích dân tộc hạn hẹp thay vì các giá trị chung; cạnh tranh và đối đầu giữa những nước lớn được ưa thích thay vì hợp tác, đối thoại và tôn trọng luật pháp quốc tế.
 
Chỉ ra những thực tế trên, Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh những thách thức toàn cầu khác mà không một quốc gia nào có thể “miễn nhiễm”, dù mạnh hay yếu, đó là biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường và những nguy cơ xung đột tiềm ẩn.
 
Sự phát triển khoa học, công nghệ đã mang đến những loại vũ khí và phương pháp chiến tranh mới. Chi phí quân sự toàn cầu đang ở mức cao nhất trong lịch sử, và thế giới đang đứng trước một cuộc chiến tranh lạnh mới.
 
Trong bối cảnh đó, Phó thủ tướng nhấn mạnh việc các quốc gia phải cùng nhau hồi sinh chủ nghĩa đa phương, củng cố Liên Hợp Quốc. Các quốc gia phải đặt ra luật lệ và cùng tôn trọng luật lệ đó.
 
 
VŨ HÂN 
“Luật pháp quốc tế là nền tảng của mối quan hệ ngang bằng giữa các quốc gia. Các quốc gia phải hành động tuân theo và tôn trọng luật pháp quốc tế. Việt Nam tin rằng tôn trọng luật pháp quốc tế là biện pháp quan trọng nhất để tránh xung đột và tìm ra giải pháp chấm dứt xung đột. Chúng tôi ủng hộ tất cả các nỗ lực giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình theo điều lệ Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, bao gồm đàm phán, hòa giải và tòa án”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.