11/01/2025

‘Bò nuôi ở Lào đem về Việt Nam vắt sữa có được ghi là sữa Việt’?

Nhiều ví dụ được nêu ra cho thấy việc ghi nhãn thế nào là hàng Việt vẫn khiến doanh nghiệp mơ hồ, như việc nuôi bò ở Lào, sau đó đưa về Việt Nam vắt sữa thì có được ghi là sữa Việt.

 

‘Bò nuôi ở Lào đem về Việt Nam vắt sữa có được ghi là sữa Việt’?

Nhiều ví dụ được nêu ra cho thấy việc ghi nhãn thế nào là hàng Việt vẫn khiến doanh nghiệp mơ hồ, như việc nuôi bò ở Lào, sau đó đưa về Việt Nam vắt sữa thì có được ghi là sữa Việt.
 
 
 
 

Vẫn lúng túng với quy định thế nào là hàng Việt Nam /// Ảnh Ngọc Thắng

Vẫn lúng túng với quy định thế nào là hàng Việt Nam   Ảnh Ngọc Thắng

 

 
Tại hội thảo cho ý kiến về dự thảo thông tư cách xác định hàng hoá của Việt Nam lưu thông trên thị trường nội địa được Bộ Công thương tổ chức hôm nay (25.9), hàng loạt ví dụ đã được nêu ra cho thấy việc việc ghi nhãn thế nào là hàng Việt vẫn khiến nhiều doanh nghiệp mơ hồ, băn khoăn.
 
Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, dẫn quy định tại dự thảo về hàm lượng giá trị gia tăng trên 30% thì được dán nhãn sản xuất tại Việt Nam để thắc mắc: “Vậy như sữa bột cho trẻ em, nguyên liệu bột nhập khẩu về nhưng công thức để tạo ra dòng sản phẩm dinh dưỡng phù hợp với trẻ em Việt thì phải thuê nhà nghiên cứu với hàm lượng chất xám rất cao nhưng hàm lượng nguyên liệu đầu vào thì có lẽ không đạt trên 30%, lúc đó chúng tôi có được dán nhãn hàng sản xuất tại Việt Nam?”
 
Ông Trung tiếp tục lấy ví dụ nêu lên sự băn khoăn của mình: “Doanh nghiệp có bò nuôi ở Lào, Campuchia rồi chở về Việt Nam vắt sữa, quy trình quản lý tất cả là của Việt Nam thì nhãn dán thế nào. Hay nguyên liệu nhập Úc, Mỹ mà doanh nghiệp lợi dụng để ghi là sữa Mỹ, sữa New Zealand thì người tiêu dùng Việt Nam rất thích”.
 
Tương tự, bà Bùi Thị Thuỳ Dương, chuyên viên nhãn hàng hoá đến từ Bộ Khoa học - Công nghệ, cũng dẫn quy định “hàng hoá gia công đơn giản thì không được coi là hàng Việt Nam” tại dự thảo và đặt vấn đề: “Thế nào là quá trình gia công đơn giản, bởi nếu doanh nghiệp nhập khẩu hàng từ Mỹ về phối trộn, cho phụ gia vào và trên thực tế việc này làm thay đổi bản chất hàng hoá, chất lượng hàng hoá thì không thể gọi là đơn giản nữa. Do đó, nếu không được dán nhãn hàng Việt Nam thì doanh nghiệp có thể ghi là xuất xứ Mỹ. Mà người tiêu dùng Việt hay sính ngoại, nên dán nhãn hàng Mỹ thì doanh nghiệp lợi quá, mặc dù quá trình phối trộn này làm cho chất lượng sản phẩm không còn như hàng phối trộn ở Mỹ”, bà Dương dẫn chứng và cho rằng, ở điểm này nên thòng thêm cụm từ “gia công chế biến nhưng không làm thay đổi cơ bản bản chất, chất lượng của hàng hoá”.
 
Trong khi đó, có ý kiến cho rằng, nếu doanh nghiệp nội nhập cá coi Nhật về, sau đó cá coi này sinh ra cá coi con thì xác định cá coi con là “cá Việt Nam” hay “cá coi Nhật Bản”?
 
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho rằng, chỉ khi nào sữa tươi đó thu được trên lãnh thổ Việt Nam, sản phẩm sữa đó mới được coi là sữa Việt Nam. Nếu nhập khẩu nguyên liệu về, giá trị gia tăng tạo ra ở trong nước dưới 30% thì doanh nghiệp nên ghi xuất xứ theo hiểu biết tốt nhất của mình (mà Nghị định 43 đã quy định).
 
Nói về giá trị chất xám để tính hàm lượng giá trị gia tăng, ông Khánh thừa nhận rằng rất khó đánh giá, định lượng. “Những sản phẩm có chất xám mà có giá trị, thì thông thường sẽ làm đăng ký bản quyền cho sản phẩm chứa chất xám đó. Sau khi có bản quyền và quyền sở hữu với bằng phát minh sáng chế đó, chúng ta mới tính giá trị của chất xám đó. Còn nếu nói chất xám chung chung rất khó, anh có thể nói công thức phát minh ra loại sữa này rất tốn tiền nhưng điều gì chứng minh”, ông Khánh đặt ngược vấn đề.
 
 
 
CHÍ HIẾU