28/12/2024

Vì sao chưa có nhiều ‘trường học hạnh phúc’?

Điều gì khiến nhiều học sinh không thích đến lớp, nhiều giáo viên vẫn bị áp lực và nhiều nhà trường chưa thể trở thành ‘trường học hạnh phúc’?

 

Vì sao chưa có nhiều ‘trường học hạnh phúc’?

Điều gì khiến nhiều học sinh không thích đến lớp, nhiều giáo viên vẫn bị áp lực và nhiều nhà trường chưa thể trở thành ‘trường học hạnh phúc’?


 

Vì sao chưa có nhiều trường học hạnh phúc? - Ảnh 1.

Giáo viên cần tạo cảm hứng học tập cho học trò. Trong ảnh: thầy trò Trường THPT Trần Khai Nguyên, quận 5, TP.HCM trong một tiết học văn vui nhộn và hào hứng – Ảnh: NHƯ HÙNG

 

Nhân vật khổ nhất trong nhà trường hiện nay chính là giáo viên, các bạn phải chịu nhiều áp lực từ mọi phía. Thế nên nghề dạy gắn liền với nghề học. Khi mình không hiểu, chưa biết thì phải tiếp tục học để trở thành giáo viên hiệu quả.

TS Bùi Trân Phượng

“Giáo viên hiệu quả, trường học hạnh phúc” là chủ đề của hội thảo do FAROS Education & Consulting phối hợp với Gordon Training International tổ chức ngày 21-9 tại TP.HCM.

Nhiều chuyên gia, nhà giáo đã kể những câu chuyện thực tế của chính mình và đồng nghiệp cũng như chia sẻ những kinh nghiệm, bài học để cùng xây dựng trường học hạnh phúc, tạo cảm hứng, đam mê học tập cho học trò.

Những câu chuyện buồn

Mở đầu buổi hội thảo, ThS Nguyễn Thúy Uyên Phương – người sáng lập và điều hành FAROS Education & Consulting – đưa ra hai câu chuyện để cùng suy ngẫm.

Thứ nhất là bức tranh biếm họa trên tạp chí của người nước ngoài về giáo dục Việt Nam: một bên là một đứa trẻ Việt Nam với những hình ảnh cho thấy cha mẹ phải nuôi bò, bán sữa bò, bán gạo… lấy tiền đóng học phí cho em. Bên kia là hình ảnh một người đàn ông nước ngoài hứa hẹn mang đến cho em một tương lai tươi sáng, rực rỡ nhưng trong tay ông ta không có gì cả, chỉ có một bịch nhỏ mang tên “English”.

Câu chuyện thứ hai là thông tin mỗi năm người Việt bỏ ra 3-4 tỉ USD cho con du học dưới nhiều dạng chi phí khác nhau (thông tin do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội tháng 6-2018 – PV).

ThS Uyên Phương đặt câu hỏi: “Điều gì khiến cho những câu chuyện trẻ em không thích đến trường, giáo viên thì bị nhiều áp lực bủa vây… ngày càng phổ biến? Điều gì khiến cho các nhà trường không thể trở thành trường học hạnh phúc?”.

“Theo một báo cáo của UNESCO năm 2016, có 5 yếu tố khiến trẻ không cảm thấy hạnh phúc khi đến trường: môi trường kém an toàn, dễ bị bắt nạt; học sinh quá tải, bị stress do áp lực thi cử và điểm số; môi trường học tập và không khí nhà trường tiêu cực; giáo viên có thái độ và phẩm chất không phù hợp; các mối quan hệ xấu” – ThS Uyên Phương cho biết.

Bà kể: “Học trò của tôi đã rất bức xúc kể rằng: “Em không hiểu tại sao cô giáo dạy tụi em ngày nào vào lớp cũng nói xấu thầy hiệu trưởng. Những điệp khúc quen thuộc của cô là: Tôi mệt cái trường này lắm, tôi chán cái trường này lắm, tôi sắp nghỉ rồi…”. Như thế thì làm sao học sinh hạnh phúc được?”.

Vì sao chưa có nhiều trường học hạnh phúc? - Ảnh 3.

TS Bùi Trân Phượng

 

Giáo viên hiệu quả phải biết giúp trẻ tiến bộ

 

TS Nguyễn Thị Thu Huyền, phó tổng hiệu trưởng Trường quốc tế Việt Nam – Phần Lan, tâm sự: “Tôi có thời gian 13 năm làm việc ở Trường ĐH Sư phạm TP.HCM với nhiệm vụ đào tạo giáo viên. Ở trường sư phạm mình dạy giáo sinh những điều đẹp đẽ, nhưng sau vài năm các em đã quay về cái cũ và gọi đó là “quá trình thích nghi với môi trường”.

Khi tôi hỏi thì các em trả lời: “Cô có giỏi thì cô xuống trường phổ thông làm đi”. Thế nên hãy xem những khó khăn mà người giáo viên đang gặp phải là gì, thay vì chúng ta chỉ trích họ”.

Theo TS Thu Huyền: “Trước đây khi chọn giáo viên, người ta chỉ chú trọng vào phẩm chất yêu nghề, yêu trẻ là đủ. Nhưng ngày nay phụ huynh sẽ không giao con họ cho người giáo viên chỉ có tình yêu thương trẻ mà thôi. Một giáo viên hiệu quả phải có cách giúp trẻ tiến bộ”.

Trong khi đó, TS Bùi Trân Phượng – nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen – lại cho rằng: giáo viên hiệu quả phải hiểu thế nào là giáo dục đúng nghĩa, hiểu mục tiêu giáo dục là gì. Giáo dục đúng nghĩa là tạo điều kiện tốt nhất để phát triển người học, đồng thời người giáo viên cùng phát triển với học sinh của mình.

Nhưng với guồng máy giáo dục như hiện nay, để làm được điều này rất khó. Tôi từng nói chuyện với một hiệu trưởng trường phổ thông rất tâm huyết với giáo dục. Thầy bảo thầy hiểu rất rõ mục tiêu của giáo dục. Nhưng khi phụ huynh trao con họ cho nhà trường, họ yêu cầu học sinh THCS phải đậu lớp 10 trường chuyên; học sinh THPT phải đậu trường ĐH thuộc hàng top ở Việt Nam hoặc đi du học. Và nhà trường thì không thể đứng bên ngoài yêu cầu ấy”.

Tại hội thảo, một giáo viên trường phổ thông công lập ở TP.HCM đã tâm sự với giọng nghẹn ngào: “Không thể đòi hỏi giáo viên hiệu quả khi chúng tôi chưa hiểu nhiều về học sinh. Mà năm học nào cũng vậy, phải dạy gần 1 tháng chúng tôi mới được gặp phụ huynh trong buổi họp đầu năm học.

Khi tôi tạo một group trên mạng để kịp thời trao đổi và phối hợp giữa nhà trường và gia đình thì phụ huynh đua nhau nhắn tin yêu cầu đủ điều, từ việc xin đổi chỗ ngồi cho con đến những việc liên quan trực tiếp chuyện học hành. Thậm chí 10h đêm phụ huynh vẫn nhắn tin.

Ngoài việc dạy chính khóa, chúng tôi phải đi dạy thêm, bán hàng online vì nếu không làm thì không đủ sống. Ngay cả việc học thêm các lớp để nâng cao nghiệp vụ, giáo viên cũng tự bỏ tiền túi và tự mày mò đăng ký đi học, chứ nhà trường không hỗ trợ”.

ThS Nguyễn Thúy Uyên Phương:

Tạo cảm xúc học tập và sự kết nối

Yếu tố quan trọng nhất làm nên sự thành công của một lớp học chính là chất lượng mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh. Thực tế cho thấy phần lớn giáo viên không gặp khó khăn mấy trong chuyện nắm nội dung giảng dạy hay kiến thức chuyên môn. Nhưng đó chỉ là điều kiện cần của việc trở thành một giáo viên hiệu quả. Điều kiện đủ và cũng là thách thức khiến nhiều giáo viên chật vật chính là làm sao tạo được sự kết nối và động lực học tập cho học sinh.

Rất nhiều nghiên cứu cho thấy bầu không khí của lớp học và văn hóa của trường học là yếu tố then chốt trong việc tạo nên chất lượng dạy học. Học sinh khó mà học tốt với một người thầy mà các em không thích. Ngược lại, khi giáo viên tạo được cảm xúc học tập và sự kết nối với học sinh của mình, các khó khăn khác trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

Lắng nghe, thấu cảm

 

tran duc huyen 4(read-only)

ThS Trần Đức Huyên, nguyên phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), phát biểu tại hội thảo – Ảnh: H.HG.

 

ThS Trần Đức Huyên – nguyên phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM – đặt vấn đề: “Các thầy cô giáo không nên giấu dốt, nhưng cũng đừng giấu giỏi. Bởi điều giáo viên học được nhiều nhất chính là học ở đồng nghiệp mình. Việc đào tạo giáo viên hiệu quả là vấn đề sống còn của một nhà trường. Một giáo viên hiệu quả phải luôn nỗ lực cải tiến, nâng cao nghiệp vụ”.

Tại hội thảo, có đại biểu đã đặt câu hỏi: “Thời gian qua, ngành giáo dục có quá nhiều chuyện đau lòng xuất phát từ cách hành xử của giáo viên đối với học sinh, phụ huynh. Vậy giáo viên phải làm sao để tránh những trường hợp ấy?”.

ThS Uyên Phương đưa ra ý kiến: “Trước hết, người giáo viên phải có kỹ năng nhận diện: đằng sau cơn lũ cảm xúc của phụ huynh là một nhu cầu. Thí dụ: phụ huynh đến trường to tiếng với cô giáo là tại sao cô không đút cho con tôi ăn khiến bé ăn ít, không lên cân… Giáo viên đừng vội vàng lớn tiếng lại rằng: ai cho chị can thiệp vào công việc của chúng tôi; chị không biết rằng việc ép con ăn là lạc hậu lắm sao?… Trong trường hợp này, người giáo viên phải đóng vai trò là người lắng nghe chủ động, giúp phụ huynh trở về điểm cân bằng trong cảm xúc”.

Nhưng vấn đề đặt ra là: giáo viên không có trách nhiệm phải đón nhận tất cả “cơn lũ cảm xúc” của phụ huynh, vì giáo viên cũng là con người và nhiệm vụ lớn nhất của họ chính là giáo dục trẻ hiệu quả. ThS Uyên Phương tư vấn: “Thế nên người giáo viên cần có kỹ năng đương đầu nhưng không gây tổn thương cho phụ huynh”.

ThS Trần Đức Huyên cũng đúc kết: “Có thể về chuyên môn thầy cô rất giỏi, nhưng để trở thành một giáo viên hiệu quả phải có sự lắng nghe, thấu cảm, kết nối với phụ huynh, với học sinh để có biện pháp thích hợp nhất trong việc giáo dục học sinh”.

 

 

 

HOÀNG HƯƠNG