Nhà máy hoa viên
Trong 2 ngày 26 và 27.6, Sở TN-MT TP.Đà Nẵng đưa đoàn công tác gần 50 người vào Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ tại H.Thới Lai (Cần Thơ) học tập kinh nghiệm nhằm triển khai nhà máy xử lý rác Đà Nẵng. Bên cạnh cán bộ Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND – UBND các cấp, đặc biệt lần đầu tiên có 14 đại diện người dân bãi rác Khánh Sơn.
Những người đại diện này đã tận mắt chứng kiến công nghệ xử lý rác hiện đại, vốn dĩ cũng sẽ áp dụng cho nhà máy rác Khánh Sơn. Công nghệ đốt rác phát điện của Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ hoạt động khép kín, không bụi, không mùi hôi, không tiếng ồn và không xả thải độc hại ra môi trường.
Đặc biệt, nhà máy thiết kế như một hoa viên theo tiêu chuẩn sinh thái, thân thiện môi trường, có khu ký túc xá, sân bóng phục vụ chuyên gia, nhân viên.
Đi cùng đoàn công tác, ông Phan Công Minh, tổ trưởng tổ 58 P.Hoà Khánh Nam, Q.Liên Chiểu, chia sẻ: “Ở bên ngoài nhà máy Cần Thơ thì không nghe mùi hôi, mới vào nhìn tưởng như công trình khoa học cấp Nhà nước hay resort. Trên khu xử lý có mùi nhẹ dễ chịu, chấp nhận được”.
Sau chuyến tham quan, ông Phan Bá Tiết, tổ trưởng tổ 59 P.Hoà Khánh Nam, nói: “Công nghệ đốt rác phát điện này thì… khỏi nói nữa, so với Đà Nẵng thì hiện đại gấp nhiều lần. Cần xây dựng nhà máy xử lý rác tương tự ở Đà Nẵng để xử lý tình trạng mất vệ sinh môi trường”. Ông Nguyễn Phước Thuận, tổ trưởng tổ 66, cũng cho rằng nếu xử lý rác tốt như công nghệ giới thiệu thì người dân đồng ý, nhưng cũng cần quan tâm giải quyết chuyện mưu sinh cho người nhặt rác.
Đánh giá công nghệ đốt rác phát điện “không chê được”, ông Nguyễn Tấn Thời, tổ trưởng tổ 56, gợi ý thêm: “Nhưng nếu làm ở Đà Nẵng cần nâng công suất gấp đôi, gấp ba và mong triển khai càng sớm càng tốt để nhà dân bớt ô nhiễm”, ông Thời nói. Đồng tình gia tăng công suất, ông Trần Thanh Chiêu, Bí thư chi bộ 2 Khánh Sơn, nhìn nhận “nếu làm như thế này thì trên cả tuyệt vời”. Theo Công ty CP môi trường VN, Nhà máy đốt chất thải rắn phát điện Đà Nẵng diện tích gần 9,4 ha, quy mô giai đoạn 1 xử lý 650 tấn/ngày, có thể nâng lên 1.500 tấn/ngày, tổng vốn đầu tư hơn 2.320 tỉ đồng.
Hiện Chính phủ và TP.Đà Nẵng đang chỉ đạo thực hiện các thủ tục phê duyệt, dự kiến khởi công cuối tháng 10.2019, hoàn thành tháng 3.2021. Công nghệ nhà máy dùng kỹ thuật đốt rác phát điện của châu Âu, thiết bị do Công ty Everbright International nghiên cứu phát triển với trình độ kỹ thuật tiên tiến quốc tế.
Hệ thống điều khiển trung tâm và quan trắc tự động bên trong nhà máy ẢNH: NGUYỄN TÚ
|
Trong đó, lò đốt đạt chứng nhận CE của châu Âu, hệ thống làm sạch khói thải và xử lý nước rỉ rác, tổng hợp tái sử dụng tro xỉ lò, xử lý an toàn tro bay. Công nghệ thích hợp đặc thù rác sinh hoạt VN là có lượng nước cao, nhiệt trị thấp, thành phần tro cao. Đặc biệt, rác sinh hoạt không cần phân loại lần 2, đốt trực tiếp, hoạt động khép kín kiểm soát tiếng ồn, mùi hôi. Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP môi trường VN, tương tự Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ, nhà máy tại Đà Nẵng cũng được thiết kế dạng hoa viên với môi trường trong lành, kiến trúc hiện đại, mỹ quan…
Đến tháng 9 sẽ quá tải, nếu…
Từ đầu năm 2019, vấn đề ô nhiễm môi trường tại bãi rác Khánh Sơn lại “nóng” với sự cố người dân tiếp tục chặn xe rác vào bãi. Lúc đó, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ bình luận, chỉ vài ngày rác bị chặn mà cả TP “nhốn nháo như nằm trong chảo lửa”, đồng thời ra tối hậu đẩy nhanh đầu tư khu liên hợp xử lý rác, đổi mới công nghệ đốt.
Theo Giám đốc Sở TN-MT Tô Văn Hùng, bãi rác Khánh Sơn dự kiến đến tháng 9.2019 sẽ quá tải nếu như không kịp mở rộng 2 hộc chứa rác số 6-7. Trong bối cảnh dự án Khu liên hợp xử lý rác Hòa Nhơn còn nằm trong quy hoạch lâu dài, thì bãi rác Khánh Sơn vẫn là nơi phải tiếp nhận, xử lý chất thải toàn TP. Vấn đề của Đà Nẵng không phải đóng cửa bãi rác Khánh Sơn mà phải giải quyết 3,2 triệu tấn rác cùng hơn 1.000 tấn rác thải sinh hoạt/ngày, di dời các hộ dân xung quanh, xử lý các hộc chôn lấp để lấy quỹ đất sạch kêu gọi đầu tư các dự án xử lý rác khác.
Sở TN-MT đã khảo sát nhiều công nghệ xử lý rác tiên tiến và được UBND TP cho phép Công ty CP môi trường VN liên doanh với nhà đầu tư nước ngoài (tập đoàn EB International, Hồng Kông) để đổi mới công nghệ xử lý rác sinh hoạt. Trong đó, áp dụng mô hình Nhà máy xử lý rác H.Thới Lai (Cần Thơ) mà tập đoàn này đã thực hiện thành công, hoạt động từ tháng 12.2018, hiện đang xử lý 400 tấn chất thải rắn sinh hoạt/ngày.
“Không còn đường lùi”, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng Nguyễn Nho Trung từng nhận xét như vậy tại chương trình “HĐND với cử tri Đà Nẵng” hồi giữa tháng 5, khi nhắc đến chuyện ô nhiễm rác Khánh Sơn và quá trình giải quyết ô nhiễm môi trường của Đà Nẵng nói chung. Với “gợi ý” về công nghệ mới (đốt rác phát điện), cơ hội xử lý ô nhiễm tại bãi rác Khánh Sơn đã mở ra…