27/12/2024

Đừng chủ quan với bụi mịn trong không khí

Những tháng đầu năm 2019, hàng loạt đô thị lớn châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng lâm vào tình trạng ô nhiễm không khí do mật độ bụi mịn tăng cao. Vấn đề về bụi mịn chính vì thế đã trở thành mối quan tâm của cả những chuyên gia môi trường lẫn chuyên gia y tế bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người.

 Đừng chủ quan với bụi mịn trong không khí

 

Những tháng đầu năm 2019, hàng loạt đô thị lớn châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng lâm vào tình trạng ô nhiễm không khí do mật độ bụi mịn tăng cao.

Vấn đề về bụi mịn chính vì thế đã trở thành mối quan tâm của cả những chuyên gia môi trường lẫn chuyên gia y tế bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người.

Bụi và sức ảnh hưởng

Bụi là tập hợp nhiều hạt vật chất, có kích thước nhỏ, lơ lửng trong không khí. PM2.5 và PM10 là những chỉ số về chất lượng không khí, chỉ kích thước của những hạt bụi (PM trong PM2.5 hay PM10 là viết tắt của Particulate Matter).

Các hạt bụi thô có đường kính khoảng từ 2,5 đến 10 micromet. Riêng các hạt bụi mịn có đường kính trong khoảng từ 0,1 micromet đến 2,5 micromet; còn được gọi là PM2.5 (tức kích thước nhỏ hơn 2,5 micromet, nhỏ hơn 1/30 đường kính của một sợi tóc). Riêng bụi siêu mịn có đường kính nhỏ hơn 0,1 micromet. Bụi mịn nhỏ đến mức chúng ta chỉ nhìn thấy khi chúng bám theo số đông trên các vật thể khác như mặt lá cây, mặt kính, mặt bàn ghế…

Về tác động đến sức khoẻ, các hạt bụi lớn hơn 10 micromet có thể gây kích ứng mắt, mũi và cổ họng nhưng thường không đến được phổi.Bụi mịn và siêu mịn là đáng lo ngại nhất vì chúng có khả năng ảnh hưởng đến sức khoẻ nhiều nhất. Do kích thước nhỏ nên chúng đi vào phần sâu của phổi và thậm chí vào máu. Trong thành phần bụi có thể có nhiều chất khác nhau, như sunfat, nitrat, amoniac, carbon, bụi khoáng… chúng rất có hại.

dung-chu-quan-voi-bui-min-trong-khong-khi-1

Ô nhiễm không khí ở cả thành thị và nông thôn gây ra 4,2 triệu người tử vong sớm trên toàn thế giới mỗi năm

Bụi có thể gây ra các ảnh hưởng sức khoẻ khác nhau: tăng số lần khám cấp cứu và nhập viện vì các vấn đề về hô hấp và tim mạch, khó thở, làm hen suyễn hay các bệnh phổi có sẵn nặng hơn, bất lợi cho sinh đẻ như sinh con nhẹ cân, giảm sự phát triển phổi ở trẻ em, ung thư, tử vong sớm.

Ngày nay, mức độ ô nhiễm không khí được đánh giá thông qua chỉ số chất lượng không khí (Air Quality Index, viết tắt AQI), là một chỉ số báo cáo chất lượng không khí hàng ngày. Chỉ số này cho biết không khí xung quanh là sạch hay ô nhiễm và những ảnh hưởng liên quan tới sức khoẻ.

Cụ thể tại TP.HCM, người ta đã lắp các trạm quan trắc chất lượng không khí để đánh giá các thông tin này. Chỉ số chất lượng không khí có 5 mức độ, được đo theo thang điểm 0 – 500, giá trị càng cao, mức độ ô nhiễm càng nhiều, từ mức độ tốt (mức 1) đến đặc biệt nguy hiểm (mức 5).

Theo các nghiên cứu, nguồn gốc xuất phát của bụi mịn: bụi trong không khí đến từ nhiều nguồn khác nhau. Thành phần của các hạt bụi có thể thay đổi dựa trên vị trí, mùa và nguồn gốc xuất phát. Bụi mịn và siêu mịn phần lớn có nguồn gốc do con người tạo ra. Khói từ các đám cháy và khí thải từ các nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất công nghiệp, bụi đường, khí thải từ các phương tiện giao thông cơ giới, bên trong nhà…

Các dấu hiệu cho thấy bạn đang bị ảnh hưởng bởi bụi

Tuỳ thuộc vào tình hình sức khoẻ chung của mỗi người, không khí ô nhiễm có những ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ dài hạn và ngắn hạn khác nhau. Ngay cả ở người khoẻ mạnh, cũng có thể gặp các triệu chứng như kích ứng mắt, da, mũi và cổ họng; ho, khạc đàm, tức ngực, khó thở. Những triệu chứng này sẽ biến mất khi chất lượng không khí được cải thiện.

Ở những người có sẵn bệnh phổi như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính; bụi có thể làm tăng các triệu chứng của bệnh như ho, nặng ngực, thở khò khè, khó thở. Nếu có sẵn bệnh tim mạch, việc tiếp xúc với bụi có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng – bao gồm làm nặng thêm tình trạng bệnh, cơn đau thắt ngực, đột quỵ. Đôi khi không có triệu chứng cũng không chắc là an toàn.

Cơ thể bị bụi tàn phá ra sao?

Năm 2016, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính ô nhiễm không khí xung quanh (ngoài trời) ở cả thành thị và nông thôn gây ra 4,2 triệu người tử vong sớm trên toàn thế giới mỗi năm; tỷ lệ tử vong này chủ yếu do tiếp xúc với bụi mịn, gây ra bệnh tim mạch, hô hấp và ung thư.

Có mối liên quan chặt chẽ giữa tiếp xúc với nồng độ cao của bụi (PM10 và PM2.5) và tăng tỷ lệ tử vong hoặc bệnh tật, cả tiếp xúc hàng ngày và theo thời gian. Những người tiếp xúc với bụi mịn trong một thời gian dài có nhiều vấn đề về tim và phổi hơn những người không hít phải loại ô nhiễm không khí này.

dung-chu-quan-voi-bui-min-trong-khong-khi-2Không khí ô nhiễm gay các triệu chứng như kích ứng mắt, da, mũi và cổ họng; ho, khạc đàm, tức ngực, khó thở.

Ngược lại, khi nồng độ bụi mịn giảm, tỷ lệ bệnh tật và tử vong liên quan cũng sẽ giảm. Các nghiên cứu đã cho thấy mức độ bụi mịn giảm 10ug m3 giảm 15% nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch. Ô nhiễm bụi mịn còn có thể tác động đến sức khoẻ ngay cả khi ở nồng độ thấp.

Các biện pháp phòng bụi

– Khi đi ra bên ngoài đường, đeo khẩu trang đúng tiêu chuẩn để bảo vệ khỏi bụi trong không khí.

– Không tập thể dục hay làm việc ở nơi bị ô nhiễm không khí, tránh các hoạt động mạnh khiến phải hít thở nhanh hơn hoặc sâu như đạp xe, chạy bộ…

– Hạn chế di chuyển trên những con đường và đường cao tốc đông đúc, những nơi này chất lượng không khí thường xấu hơn vì khí thải từ các phương tiện giao thông.

– Trồng nhiều cây xanh xung quanh nhà, trên đường đi giúp làm sạch không khí.

– Nếu nhà ở trong khu vực có mức độ ô nhiễm bụi cao: giữ nhà sạch sẽ, lau khăn ướt, sử dụng máy hút bụi có bộ lọc, sử dụng máy lọc không khí đúng tiêu chuẩn.

-  Hạn chế làm ô nhiễm thêm không khí như đun nấu bằng than củi nơi kém thông khí, đốt nhang…

– Ăn nhiều thực phẩm giàu chất chống oxy hoá như rau, trái cây để bảo vệ sức khoẻ chung và tránh sự hình thành các gốc tự do từ không khí ô nhiễm.

– Nếu xuất hiện những triệu chứng như ho, khó thở, đau mắt, ngứa họng, cần đi khám bác sĩ ngay, đặc biệt khi những hiện tượng này kéo dài rất có thể đã bị hen hoặc các bệnh hô hấp mạn tính khác.

Ở những người nhạy cảm (dễ bị ảnh hưởng) với ô nhiễm không khí (người già, phụ nữ mang thai, người đang mắc bệnh hô hấp và tim mạch, trẻ sơ sinh, trẻ em), các hành động phòng ngừa, hạn chế hoạt động ngoài trời là cần thiết khi chỉ số chất lượng không khí từ mức độ 3 trở lên.

 

Các loại bụi gây bệnh bụi phổi
-Theo Bộ Y tế, bệnh bụi phổi có thể gây nên do nhiều loại bụi vô cơ và bụi hữu cơ khác nhau, trong đó quan trọng nhất là bụi vô cơ silic.
-Bụi vô cơ gồm có loại bụi trơ như bụi than, bụi sắt, bụi silic, bụi xi măng, bụi cao lanh, bụi đá, bụi sa thạch, bụi granit, bụi mica, bụi thạch anh… Ngoài ra còn có loại bụi có hoạt tính hoá học như bụi silic, bụi amiăng, bụi magie, bụi berili…
– Bụi hữu cơ gồm có loại bụi chứa vi khuẩn, nấm mốc; bụi từ các sản phẩm của động vật như bụi lông chim, lông thú, lông gia súc; bụi từ các vảy tróc của da động vật, bụi chứa các bọ mạt nhỏ như mạt bụi nhà, cái ghẻ…
-Ngoài ra còn có loại bụi thực vật như bụi cây phong, bụi bông, bụi mía, bụi phấn hoa…
-Thực tế các nhà khoa học ghi nhận trong các loại bụi đã nêu trên, loại bụi gây nên bệnh bụi phổi quan trọng nhất là bụi vô cơ thuộc nhóm bụi silic. Điều kiện để mắc bệnh bụi phổi là công nhân, người lao động hoặc người đang sinh sống, làm việc trong môi trường không khí bị ô nhiễm bụi. Thời gian tiếp xúc với không khí có chứa nhiều bụi bẩn càng lâu, nồng độ bụi trong không khí càng cao, diễn biến bệnh càng nặng và càng tăng nhanh thời gian bị mắc bệnh.

PHƯƠNG NGHI