29/12/2024

Có nên siết trái phiếu doanh nghiệp bất động sản?

Lãi suất trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản được đẩy lên 14%, thậm chí trên 14,5%/năm đang ‘gây sóng’ trên thị trường trái phiếu.

 

Có nên siết trái phiếu doanh nghiệp bất động sản?

Lãi suất trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản được đẩy lên 14%, thậm chí trên 14,5%/năm đang ‘gây sóng’ trên thị trường trái phiếu.
 
 
 
 

Có nên siết trái phiếu doanh nghiệp bất động sản? - Ảnh 1.

Nhiều ý kiến cho rằng nên siết phát hành trái phiếu cho mảng bất động sản nhưng nhiều chuyên gia lại đề nghị cần tôn trọng sản phẩm của thị trường. Trong ảnh: tại một dự án bất động sản đang được xây ở TP.HCM – Ảnh: Q.Định

 

Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, câu chuyện hạn chế hoặc áp điều kiện chặt hơn trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tại lĩnh vực bất động sản đã được cơ quan quản lý cấp cao đặt ra. Tuy nhiên, lãnh đạo một số bộ ngành vẫn còn ý kiến trái chiều.

Gửi tiết kiệm được chào mua trái phiếu

Bà N.T.H. ở Tây Hồ, Hà Nội cho biết gần đây đi gửi tiết kiệm ở một số ngân hàng thường được nhân viên giao dịch giới thiệu mua TPDN. Mới đây, chi nhánh Ngân hàng SCB trên phố Thụy Khuê (Hà Nội) cho biết đang môi giới trái phiếu của Công ty CP Tập đoàn đầu tư An Đông với ngành nghề kinh doanh chính là nhà hàng, khách sạn, dự án cao ốc cao cấp tại TP.HCM.

“Lãi suất TPDN này được SCB chào 10,5%/năm là khá hấp dẫn, cao hơn lãi tiết kiệm. Nhưng đầu tư có rủi ro hơn gửi tiết kiệm và thực sự còn băn khoăn khi chưa quen với sản phẩm này” – bà H. cho hay.

Thị trường TPDN hiện đang rất sôi động. Theo ghi nhận, nhiều ngân hàng đã mua lại cả lô TPDN và bán lại cho khách hàng. Chị L.T.N. (Hà Nội) cho hay tuần trước có giao dịch tại chi nhánh của Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) trên đường Lê Đại Hành (Hà Nội).

Giao dịch viên có giới thiệu sản phẩm TPDN với lãi suất 8%/năm. Đây là trái phiếu của Điện mặt trời Trung Nam phát hành, được MB mua lại cả lô và bán lại cho khách. Nếu khách có nhu cầu bán lại thì MB sẽ mua chứ không như một số TPDN khác là người mua phải nhờ ngân hàng bán hoặc tự tìm khách mua.

Theo phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước Nguyễn Hồng Sơn, thị trường TPDN tăng trưởng tương đối nhanh. Tuy nhiên, phát hành là các tập đoàn tư nhân lớn và chủ yếu là phát hành riêng lẻ cho đối tác, không phát hành ra công chúng.

Phát biểu tại cuộc họp về TPDN mới đây, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh rằng việc phát triển thị trường TPDN là tất yếu và phải thúc đẩy thị trường này để giảm phụ thuộc vào kênh vốn ngân hàng. Nhưng nếu có bất thường, thiếu minh bạch hoặc thiếu an toàn thì phải chấn chỉnh.

Riêng đối với việc một số doanh nghiệp bất động sản làm nóng thị trường trong vài tháng qua khi đẩy lãi suất lên đến 14%, thậm chí trên 14%/năm, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan lưu ý các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản phát hành TPDN khi đây không phải là kênh cần khuyến khích hiện nay.

120.000 tỉ đồng

Là giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành 6 tháng đầu năm 2019 

(Nguồn: Bộ Tài chính)

 

Vốn do DN bất động sản phát hành chiếm 20%

Về mức lãi suất, một cán bộ có thẩm quyền của Bộ Tài chính cho biết trong 8 tháng qua, lãi suất TPDN có cao hơn năm 2018. Nguyên nhân vì lãi suất huy động và cho vay năm nay có nhích hơn so với năm ngoái.

Điều đáng chú ý là lãi suất trái phiếu của một số doanh nghiệp bất động sản phát hành từ đầu năm đến nay đạt 12%/năm, chỉ cá biệt 1-2 doanh nghiệp công bố mức 14,5%/năm.

 

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Xuân Minh – chủ tịch Công ty Chứng khoán kỹ thương (TCBS) – cho rằng nhiều người lo ngại vốn đang đổ vào bất động sản, gây rủi ro cho thị trường khi lãi suất huy động lên đến trên 14%/năm, nhưng nhìn lại thì không phải chỉ ngân hàng và bất động sản là những ngành cần vốn dài hạn mà còn có rất nhiều ngành khác.

“Ngành nghề khát vốn dài hạn về khối lượng cũng như thời hạn phát hành dài không phải là bất động sản mà là năng lượng, là hạ tầng như điện gió; sản xuất vật liệu xây dựng; khoáng sản; vui chơi giải trí… ” – ông Minh cho hay.

Trước lo ngại rủi ro đối với thị trường, có ý kiến cho rằng cần phải hạn chế, thậm chí tạm ngưng việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, vị cán bộ có thẩm quyền của Bộ Tài chính cho hay chưa có chủ trương này. Việc phát hành là quyền của doanh nghiệp. Mặt khác, thực tế ngân hàng phát hành là chủ yếu với 35%, doanh nghiệp bất động sản chỉ chiếm 20% tổng lượng vốn trái phiếu phát hành.

“Hơn 1 năm trước, khi thị trường còn trầm lắng thì dư luận nói phải có giải pháp để khuyến khích thị trường phát triển. Nửa năm trở lại đây lại ồn ào nói thị trường trái phiếu đang phát triển nóng, rủi ro… và họ chỉ nhìn vào trái phiếu do doanh nghiệp bất động sản phát hành mà không nhìn tổng thể để đánh giá khách quan” – vị cán bộ của Bộ Tài chính nói.

Về tổng quan thị trường, ông Nguyễn Xuân Minh đánh giá đang tăng trưởng rất tốt. Số lượng phát hành năm 2017 đạt trên 100 nghìn tỉ đồng, đến năm 2018 đạt trên 200 nghìn tỉ đồng, tăng gần 100% so với 1 năm trước. Còn nửa năm nay đạt khoảng 120 nghìn tỉ đồng. Tổng mức vốn trên thị trường hiện chiếm khoảng 10% GDP, tương đương 20 tỉ USD.

“Từ đầu năm đến nay, nhiều người nói thị trường bùng nổ hay phát triển nóng nhưng tôi không cho là như vậy. Số lượng phát hành 6 tháng đầu năm bằng hơn 50% lượng phát hành của năm ngoái thôi”.

Đừng chỉ nhìn mỗi lãi suất cao

Để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, ông Nguyễn Hoàng Dương – phó vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) – khuyến nghị nhà đầu tư cá nhân cần phân tích rõ thông tin trước khi quyết định đầu tư.

Khi tham gia mua TPDN riêng lẻ phải hết sức cẩn trọng; phải yêu cầu tổ chức môi giới, tổ chức phát hành cung cấp chi tiết các thông tin như trái phiếu do doanh nghiệp nào phát hành, tình hình tài chính của doanh nghiệp như thế nào, phát hành cho mục đích gì? Trái phiếu có tài sản đảm bảo hay không? Các cam kết của doanh nghiệp phát hành đối với chủ sở hữu trái phiếu; kỳ hạn trái phiếu, phương thức trả nợ gốc, lãi chứ không phải chỉ vì lãi suất cao.

Nhà đầu tư phải phân tích được rủi ro

Đánh giá về thị trường trái phiếu trong thời gian qua, ông Nguyễn Hoàng Dương, phó vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính), cho rằng mặc dù nhà đầu tư tổ chức là chủ yếu, chiếm 93,9% khối lượng phát hành, trong khi nhà đầu tư cá nhân chỉ chiếm 6,1%. Tuy nhiên, do trái phiếu phát hành chủ yếu theo phương thức riêng lẻ, đòi hỏi nhà đầu tư cần phân tích được rủi ro khi quyết định đầu tư.

Phát hành trái phiếu, điều kiện nào?

Để ngăn chặn rủi ro cho thị trường, đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, nhiều ý kiến cho rằng cần quy định doanh nghiệp phải có lãi ít nhất 1 năm trước khi phát hành trái phiếu.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Minh, chủ tịch Công ty Chứng khoán kỹ thương, cho rằng không nên. Ông phân tích với doanh nghiệp, lỗ lãi là một phần nhưng dòng tiền mới là quan trọng. Có doanh nghiệp dù lỗ nhưng vẫn có dòng tiền về đủ đảm bảo cho hoạt động sản xuất kinh doanh, trả nợ gốc và lãi.

Thực tế, trong quá trình đầu tư, chưa thu hồi vốn, hầu hết doanh nghiệp kinh doanh là lỗ. Như một công ty điện phát hành trái phiếu để xây nhà máy. Việc xây nhà máy chắc chắn 1-2 năm đầu sẽ lỗ. Nhưng trong tương lai, sau 1-2 năm hoạt động, doanh nghiệp sẽ có nguồn để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, để trả nợ và có lãi…

 

 

LÊ THANH