‘Thơ táo bạo cỡ nào tụi em cũng hiểu, tụi em lớn hết rồi cô’
Học trò đề nghị đọc những bài thơ táo bạo của ‘Bà chúa thơ Nôm’ Hồ Xuân Hương, tôi dặn các em nghe xong đừng cười, không ngờ cả lớp bảo: ‘Thơ táo bạo cỡ nào tụi em nghe cũng hiểu. Lớn hết rồi mà cô!’
‘Thơ táo bạo cỡ nào tụi em cũng hiểu, tụi em lớn hết rồi cô’
Học trò đề nghị đọc những bài thơ táo bạo của ‘Bà chúa thơ Nôm’ Hồ Xuân Hương, tôi dặn các em nghe xong đừng cười, không ngờ cả lớp bảo: ‘Thơ táo bạo cỡ nào tụi em nghe cũng hiểu. Lớn hết rồi mà cô!’
Tuần rồi tôi dạy Văn ở lớp 11, bài thơ ‘Tự tình’ của ‘Bà chúa thơ Nôm’ Hồ Xuân Hương. Sau những lời giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp, tôi nhấn mạnh phong cách thơ khó lẫn của nữ nhà thơ thiên tài này.
Người đời nhớ Hồ Xuân Hương ở tiếng cười “phá phách” và những câu thơ rất táo bạo về tình dục. Tôi giảng đến đó thì một em học sinh đề nghị cô đọc một vài bài thơ của Hồ Xuân Hương cho tụi em nghe.
Thực ra, yêu cầu này rất chính đáng. Và tôi, với tư cách một giáo viên giảng dạy Ngữ Văn, tôi luôn muốn học sinh có hứng thú tìm hiểu sâu hơn bài học. Nhưng trong tình huống này, tôi tỏ ra lưỡng lự. Tôi dặn: cô đọc các em đừng cười mà hãy lắng nghe để biết vì sao thơ Hồ Xuân Hương qua bao thế kỷ vẫn không bị trôi vào quên lãng.
Tôi nói đề phòng vì sợ các em đang ở độ tuổi dậy thì, những vấn đề liên quan “tình dục” thường làm các em cười đùa hoặc ngại ngùng tiếp nhận hơn là nghiêm túc học. Tôi còn lo các em chưa hiểu được “lời tục”, mà không phải “khái niệm trừu tượng” nào giáo viên cũng giải thích cho rốt ráo, đặc biệt chuyện “tế nhị”.
Nhưng cả lớp đồng thanh “Không sao đâu cô. Thơ ‘táo bạo’ cỡ nào tụi em nghe cũng hiểu. Lớn hết rồi mà cô!”. Một em khác nói rõ hơn: “Hồi lớp 7 học ‘Bánh trôi nước’, em hiểu khác, giờ lớp 11 hiểu khác rồi”.
Thấy các em cởi mở, tôi cũng vui. Tôi mạnh dạn đọc một, hai bài tiêu biểu cho phong cách thơ “khó lẫn” của nữ sĩ họ Hồ và các em đã nghiêm túc lắng nghe như đang dung nạp những tri thức mới mẻ.
Xong tiết học đó, tôi nghĩ tới hai điều.
Thứ nhất, tôi từng nghe có rất nhiều ý kiến (phần nhiều của các bậc phụ huynh), họ vẫn chưa thể mở lòng ủng hộ chuyện giáo dục giới tính ở trường. Kiểu suy nghĩ “vẽ đường cho hươu chạy” vẫn tồn tại như một đặc tính đã ăn sâu trong nếp nghĩ.
Những vấn đề liên quan đến sức khỏe giới tính, đặc biệt về tình dục, được xem là điều “thầm kín”, không thể dễ dàng chia sẻ như chuyện ăn uống, ngủ nghỉ, vui chơi. Mối lo lớn nhất là đa số các em chưa biết mà đem dạy cho các em biết để rồi tò mò, sinh hư…
Một người bạn của tôi có con gái đang học lớp 7. Một hôm đi học về hỏi: “Ba ơi, con thấy hai con chó dính lại, chúng làm gì thế ba?”. Câu hỏi khiến ông bố 42 tuổi đỏ mặt rồi trả lời “Kệ nó, còn nhỏ hỏi chi”, rồi nhanh chóng chuyển đề tài cho qua.
Tôi không đồng ý với sự né tránh của bạn nhưng cũng chưa biết sẽ giải quyết thế nào nếu rơi vào tình huống đó, thật khó để trả lời với trẻ về vấn đề nhạy cảm.
Hôm sau, con trai tôi cũng hỏi mẹ câu hỏi y như vậy. Trong lúc tôi còn đang ngập ngừng, chồng tôi đã không chút đắn đo mà nói với con rằng: “Chúng đang giao hợp, sau lần giao hợp đó con chó cái sẽ sinh con”. Con trai nghe xong thì “dạ”, thái độ rất vui vẻ vì thắc mắc đã được giải tỏa.
Trước thái độ đó của chồng và con, tôi giật mình.
Tôi dạy ở một trường cấp 2 3, học sinh đang ở độ tuổi vị thành niên, tôi có cơ hội tiếp xúc nhiều, và tôi hiểu tâm tư, tình cảm các em khi tâm sinh lý có nhiều thay đổi. Thiết nghĩ, không chỉ thầy cô mà cả ba mẹ nữa, hãy mạnh dạn chia sẻ với con trẻ về giới tính, tình dục nếu có cơ hội, đó là điều cực cần thiết.
Đừng ngần ngại! Khi các em được trang bị đầy đủ, thấu đáo những kiến thức về sức khỏe sinh sản, các em sẽ biết cách yêu hơn bản thân, biết bảo vệ chính mình. Sự chia sẻ cởi mở những vấn đề về giới, về sức khoẻ sinh sản sẽ giúp các em mở cánh cổng tương lai thật an toàn.