11/01/2025

Đường sắt nghìn tỉ Cát Linh – Hà Đông, biết không hiệu quả vẫn làm

Cách đây 11 năm, khi lập dự án đầu tư tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Bộ GTVT đã biết dự án không hiệu quả kinh tế nhưng các bên liên quan vẫn ngó lơ để dẫn tới tuyến đường sắt đô thị nghìn tỉ dở dang, ngổn ngang như hiện nay.

 

Đường sắt nghìn tỉ Cát Linh – Hà Đông, biết không hiệu quả vẫn làm

Cách đây 11 năm, khi lập dự án đầu tư tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Bộ GTVT đã biết dự án không hiệu quả kinh tế nhưng các bên liên quan vẫn ngó lơ để dẫn tới tuyến đường sắt đô thị nghìn tỉ dở dang, ngổn ngang như hiện nay.
 
 
 
 

Đường sắt nghìn tỉ Cát Linh - Hà Đông, biết không hiệu quả vẫn làm - Ảnh 1.

Tư vấn Trung Quốc đã tính “vống” hiệu quả khai thác dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông – Ảnh: TT

 

Xấu xí vì không thi tuyển kiến trúc?

Kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) gửi tới Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho thấy: hàng loạt sai phạm trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh tăng vốn và ký kết hợp đồng dự án.

Theo KTNN, có nhiều “lỗ hổng” trong quá trình đầu tư khiến Bộ GTVT phải điều chỉnh vốn đầu tư dự án từ 8.769 tỉ đồng lên 18.001 tỉ đồng, tăng 205% so với tổng vốn đầu tư ban đầu được duyệt.

Tuy nhiên, khi quyết định điều chỉnh tăng vốn dự án vào tháng 2-2016, Bộ GTVT không báo cáo Thủ tướng để trình Quốc hội thông qua chủ trương điều chỉnh vốn là chưa thực hiện đúng nghị quyết 49 của Quốc hội, trái với quy định của Luật đầu tư công.

Đáng lưu ý, dù là dự án trọng điểm của ngành GTVT, quy mô đầu tư nhiều nghìn tỉ đồng nhưng quá trình đầu tư dự án có hàng loạt “lỗ hổng” được KTNN phát hiện sau nhiều năm thực hiện.

Đó là chủ đầu tư dự án đã không tổ chức thi tuyển thiết kế kiến trúc dự án; bản vẽ thiết kế cơ sở chưa thể hiện được kết cấu chính của dầm cầu, trụ cầu tuyến đường sắt; khi lập dự án không tính toán đến việc xử lý nền đất yếu dẫn đến phải điều chỉnh bổ sung.

Đặc biệt, lưu lượng hành khách sử dụng đường sắt Cát Linh – Hà Đông được đơn vị tư vấn Trung Quốc giả định tính toán, phân tích hiệu quả kinh tế dự án cao hơn nhiều lần so với số liệu dự báo của Viện Chiến lược GTVT.

Cũng theo KTNN, khi phân tích hiệu quả kinh tế dự án, chủ đầu tư không xem xét đến chi phí vận hành cao, chiếm tỉ trọng lớn trong giai đoạn khai thác dự án nên kết luận đường sắt Cát Linh – Hà Đông hiệu quả về kinh tế là thiếu chính xác.

Phương án tài chính của dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông ngay từ khi lập dự án đã phải bù lỗ nhưng các bên liên quan chưa đề xuất phương án khai thác hiệu quả.

Tổng vốn đầu tư dự án được điều chỉnh tăng 9.321 tỉ đồng nhưng chủ đầu tư chưa chứng minh được hiệu quả kinh tế xã hội khi tăng vốn dự án. Hơn nữa, việc tăng vốn này chưa xác định cơ sở điều chỉnh tăng chi phí các hạng mục thiết bị, chi phí đào tạo, chuyển giao công nghệ và chi phí chạy thử.

Đường sắt nghìn tỉ Cát Linh - Hà Đông, biết không hiệu quả vẫn làm - Ảnh 2.

Việt Nam phải chấp nhận những ràng buộc, bất lợi khi chỉ định thầu Trung Quốc làm đường sắt Cát Linh – Hà Đông – Ảnh: TT

 

Chi thiếu cơ sở… cả nghìn tỉ đồng

KTNN cho biết: đến hết tháng 6-2018, số vốn rót vào đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông theo báo cáo của chủ đầu tư khoảng 11.337 tỉ đồng, nhưng kết quả kiểm toán chỉ ghi nhận khoảng 8.679 tỉ đồng đã đầu tư vào dự án.

Số chênh lệch khoảng 2.656 tỉ đồng do chủ đầu tư tính sai khối lượng 360 triệu đồng, sai đơn giá 175 tỉ đồng, sai khác 698 tỉ đồng, chưa đủ điều kiện quyết toán 1.781 tỉ đồng.

Cụ thể, dự toán nhiều hạng mục xây lắp, mua sắm vật tư, thiết bị đường sắt Cát Linh – Hà Đông chưa phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam về quản lý định mức đơn giá, quản lý hợp đồng EPC với số tiền khoảng 889 tỉ đồng, chưa xác nhận được số tiền 1.659 tỉ đồng chủ đầu tư đã rót vào dự án.

Chỉ riêng hạng mục thiết bị và đoàn tàu của dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã được điều chỉnh tăng vốn khoảng 3.143 tỉ đồng, trong đó chi phí mua các đoàn tàu tăng 364 tỉ đồng, hạng mục thiết bị tăng 2.778 tỉ đồng (tăng 227%).

Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã phê duyệt phụ lục hợp đồng EPC phần thiết bị với đơn giá 178,7 triệu USD, cao hơn khoảng 8,3 triệu USD so với giá trong hợp đồng EPC không đúng chỉ đạo của Thủ tướng.

Theo kết luận của KTNN, việc sử dụng vốn vay Trung Quốc tại dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông chưa hiệu quả do phối hợp giải quyết những vướng mắc cơ chế tài chính dự án chậm.

Đến nay, dự án đã ký kết 3 hiệp định vay khoảng 669,6 triệu USD từ Trung Quốc. Việc vay vốn Trung Quốc theo đánh giá của KTNN trước mắt giải quyết được các vướng mắc về vốn cho dự án nhưng phía Việt Nam cũng phải chấp nhận những ràng buộc, bất lợi như phải chỉ định nhà thầu Trung Quốc thực hiện khối lượng công việc có giá trị khoảng 13.751 tỉ đồng, chiếm 77% tổng vốn đầu tư dự án.

Về tiến độ dự án, theo hợp đồng EPC thời gian hoàn thành, chạy thử, bàn giao dự án vào năm 2014, sau đó được điều chỉnh kéo dài tới tháng 9 – 2017. Nhưng đến nay, công trình vẫn chưa được bàn giao cho chủ đầu tư. Chủ đầu tư dự án cũng chưa làm rõ trách nhiệm của tổng thầu về những thiệt hại do việc chậm tiến độ gây ra để xử lý theo quy định.

Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông được Bộ GTVT giao cho Cục Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư dự án từ năm 2008, tổng thầu EPC được phía Trung Quốc chỉ định là Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc.

 

 

BẢO NGỌC