11/01/2025

Nỗi lo tội phạm người nước ngoài

Liên tục những vụ người nước ngoài phạm tội ở VN thời gian gần đây cho thấy công tác quản lý người nước ngoài ở nhiều địa phương còn nhiều kẽ hở để tội phạm nước ngoài lợi dụng, gây án.

 

Nỗi lo tội phạm người nước ngoài

Liên tục những vụ người nước ngoài phạm tội ở VN thời gian gần đây cho thấy công tác quản lý người nước ngoài ở nhiều địa phương còn nhiều kẽ hở để tội phạm nước ngoài lợi dụng, gây án.
 
 
 
 

Bàn giao các đối tượng trong vụ đường dây đánh bạc 10.000 tỉ đồng ở Hải Phòng cho lực lượng chức năng Trung Quốc	  /// Ảnh: Lê Tân

Bàn giao các đối tượng trong vụ đường dây đánh bạc 10.000 tỉ đồng ở Hải Phòng cho lực lượng chức năng Trung Quốc   Ảnh: Lê Tân

 

 
Mới đây nhất, chiều 17.9, Công an TP.Đà Nẵng tạm giữ hình sự 5 người Trung Quốc là Trương Huệ Mẫn (Zhang Hui Min, 38 tuổi), Tưởng Đăng Quân (Jiang Deng Jun, 30 tuổi), Lưu Tiểu Duy (Liu Xiao Wei, 20 tuổi), Phương Tuấn Kiệt (Fang Jun Jie, 33 tuổi), Đới Hồng Hi (Dai Hong Xi, 22 tuổi, cùng quốc tịch Trung Quốc) và Sầm Thị Sen (24 tuổi, ngụ xã Tân An, H.Đăk Pơ, Gia Lai) để củng cố hồ sơ, khởi tố hành vi “giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”.
 
Theo điều tra ban đầu, Sen làm phiên dịch tiếng Trung Quốc cho Trương Huệ Mẫn tại TP.Đà Nẵng. Biết Mẫn là nhà sản xuất, đạo diễn, quay phim chuyên sản xuất phim sex để bán cho các trang web và mạng xã hội, Sen vẫn giúp Mẫn, dùng Facebook tuyển diễn viên. Thủ đoạn của Sen, Mẫn là dụ dỗ các cô gái tham gia với lý do các cảnh sex chỉ phát ở mạng xã hội Trung Quốc. Sen ra giá 600.000 đồng/6 giờ quay phim kích dục, 1 triệu đồng/phim quan hệ tình dục. Tuy nhiên, nhóm Mẫn bán các clip này cho web sex, hoặc livestream (phát trực tiếp) sex trên các trang mạng xã hội để thu tiền trục lợi gấp hàng trăm lần. Từ tháng 2.2019, Sen thuê nhà ở đường Lê Minh Trung (Q.Sơn Trà), chiêu “dụ” được 4 cô gái làm diễn viên. Trong đó, Công an TP.Đà Nẵng phát hiện nhóm người Trung Quốc này quan hệ tình dục, đóng phim sex với em N.T.K.D (15 tuổi, ngụ Đà Nẵng) và trực tuyến lên mạng xã hội để nhận tiền. Ngày 14.9, Công an TP.Đà Nẵng ập vào khống chế cả nhóm cùng tang vật (laptop, điện thoại chứa clip sex, các trang thiết bị ghi hình, dụng cụ kích dục phục vụ đóng phim sex…).
 
Đại tá Trần Mưu, Phó giám đốc Công an TP.Đà Nẵng, cho biết đối với “đường dây sex trực tuyến” này, Công an TP tiếp tục mở rộng điều tra để xác định đầy đủ hành vi, mức độ phạm tội khác.

Đủ loại tội phạm

Mở cả đường dây đóng và phát tán phim sex được xem là loại tội phạm khá mới “du nhập” VN bị triệt phá. Còn trước đó, dư luận rúng động khi liên tiếp những tháng đầu năm 2019, Bộ Công an và công an các tỉnh thành triệt phá hàng loạt đường dây vận chuyển ma túy với tang vật lên tới hàng tấn ma túy tổng hợp. Điểm chung của nhiều đường dây vận chuyển này là nghi phạm cầm đầu đều là người nước ngoài (NNN), trong đó không ít vào VN với danh nghĩa “nhà đầu tư” nhưng thực chất để vận chuyển ma túy, sau đó trung chuyển ra nước ngoài.

Bắt nhóm người Trung Quốc vào VN cho vay nặng lãi qua ứng dụng

Ngày 17.9, Cơ quan CSĐT Công an Q.2 (TP.HCM) bàn giao 9 nghi phạm gồm 6 người Trung Quốc và 3 người VN để Công an TP.HCM tiếp tục điều tra về hành vi cho vay lãi nặng. Những người bị bắt gồm: Song Yu Jie ( 27 tuổi), Yan Ze Feng ( 28 tuổi), Han Chao (28 tuổi), Zang Jin Cheng (27 tuổi), Qian Ying Jie (21 tuổi), Qian Liang Yo (25 tuổi, cùng quốc tịch Trung Quốc ), Nguyễn Vương Bảo (23 tuổi), Nguyễn Thị Hoàng Mỹ (28 tuổi), Phạm Viết Thanh Nhã (20 tuổi).

Theo điều tra ban đầu từ công an, tại một ngôi nhà ở KP.2, P.An Phú (Q.2) có Công ty TNHH Kyushu và Công ty Star City với 30 người (cả Trung Quốc và VN) làm việc. Hai công ty đăng ký hoạt động kinh doanh tại Q.Gò Vấp (TP.HCM) từ tháng 4.2019; đến tháng 5.2019 dời về ngôi nhà tại P.An Phú để hoạt động, bằng cách tạo ra những ứng dụng phục vụ việc cho vay tiền. Các ứng dụng này được tải, quảng cáo trên mạng xã hội. Người vay tiền từ các ứng dụng này phải chịu phí dịch vụ là 24% trên tổng số tiền vay, thời hạn vay là 6 ngày với lãi suất 4%. Hết thời hạn vay, người vay phải trả đủ số tiền gốc và lãi, nếu không sẽ bị phạt thêm 4%/ngày trên tổng số tiền vay; bị khủng bố, đe dọa qua điện thoại…  
 
Công Nguyên

Không chỉ vận chuyển, tội phạm nước ngoài còn liều lĩnh mở cả xưởng sản xuất ma túy ở VN. Vụ việc Bộ Công an chủ trì, phối hợp với công an các tỉnh thành phát hiện xưởng sản xuất ma tuý cực lớn tại TT.Đắk Hà, H.Đắk Hà (Kon Tum) do người Trung Quốc cầm đầu vào ngày 6.8 là minh chứng.
 
 
Ông Nguyễn Thành Tính, Chánh văn phòng Sở LĐ-TB-XH tỉnh Kon Tum, cho biết 7 người Trung Quốc liên quan trong vụ án này là lao động “chui”, không đăng ký với cơ quan chức năng địa phương. Còn ông Nguyễn Chí Ánh, Chủ tịch UBND TT.Đắk Hà, thừa nhận: “Công ty trên tôi đi qua nhiều lần nhưng nhà xưởng của họ “kín cổng cao tường”, nên không biết hoạt động, sản xuất gì bên trong. Địa phương chỉ quản lý về mặt an ninh trật tự bên ngoài còn bên trong thì không nắm được”.
Nỗi lo tội phạm người nước ngoài - ảnh 1

Lực lượng công an khám xét xưởng sản xuất ma tuý cực lớn tại TT.Đắk Hà, H.Đắk Hà (Kon Tum) do người Trung Quốc cầm đầu vào ngày 6.8   Ảnh: Đức Nhật

 

Ngoài ma túy, tội phạm nước ngoài vào VN trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc xuyên quốc gia; truyền đạo trái phép… cũng liên tục bị phát hiện, trong đó có những vụ quy mô cực lớn, số người liên quan lên đến hàng trăm. Cuối tháng 7.2019, các đơn vị của Bộ Công an và Công an TP.Hải Phòng triệt phá đường dây đánh bạc do người Trung Quốc điều hành tại khu đô thị Our City (P.Hải Thành, Q.Dương Kinh). 395 người Trung Quốc đã bị tạm giữ cùng 2.000 điện thoại di động, 533 máy tính, nhiều thẻ ngân hàng, tiền mặt… Số tiền giao dịch đánh bạc thông qua đường dây này được cơ quan chức năng phát hiện lên tới 10.000 tỉ đồng. Việc hàng trăm người Trung Quốc hoạt động tội phạm ở TP.Hải Phòng một thời gian không ngắn khiến dư luận lo ngại, khi lãnh đạo Q.Dương Kinh cũng không nắm được thông tin về hoạt động và sự có mặt của gần 400 người Trung Quốc trên địa bàn.

Lời cảnh báo từ “con đường du lịch

Liên quan đến thực trạng NNN phạm tội, thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an TP.Đà Nẵng, cho biết NNN đến địa bàn TP.Đà Nẵng tăng lên rất nhanh. Nếu năm 2017 có 1,4 triệu lượt khách quốc tế (tăng 47%), thì năm 2018 tăng đến 93%, ước tính cả năm 2019 tăng thêm 70 – 80%. Từ đầu năm đến nay, tại TP.Đà Nẵng có 4 vụ NNN sử dụng trái phép ma túy, cướp tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối… Mặt trái của việc mở cửa đón khách là xuất hiện các ổ nhóm NNN hoạt động trái phép, có tình trạng người Trung Quốc đến Đà Nẵng tổ chức các đường dây đánh bạc qua mạng.
 
“Từ cuối năm 2018 đến nay, Công an TP xử lý trên 500 trường hợp người Trung Quốc tổ chức đánh bạc qua mạng, phối hợp Bộ Công an trục xuất về nước. Đáng chú ý, trong số này có 35 người Trung Quốc đang bị truy nã, 20 người từng phạm pháp hình sự. Việc xử lý người Trung Quốc vi phạm tại Đà Nẵng tốn rất nhiều công sức, nhiều trường hợp phải áp tải tận biên giới”, thiếu tướng Vũ Xuân Viên nói.
 
Tại Nha Trang, lượng khách Trung Quốc đến thành phố này liên tục tăng mạnh trong khoảng 3 năm trở lại đây đem lại nhiều cơ hội cho du lịch Khánh Hoà, nhưng đồng thời cũng đã xuất hiện tình trạng người Trung Quốc cư trú, lao động bất hợp pháp; phạm tội nguy hiểm, ảnh hưởng an ninh trật tự ở địa phương. Theo đó, trên địa bàn TP.Nha Trang đã xuất hiện tình trạng người Trung Quốc đến thuê nhà, sử dụng mạng internet để tổ chức đánh bạc xuyên quốc gia. Tháng 6.2019, Công an tỉnh Khánh Hòa phối hợp Cục A05 (Bộ Công an) kiểm tra hành chính 3 nhà nghỉ ở TP.Nha Trang, phát hiện và bắt giữ 24 người, trong đó có 22 người Trung Quốc sử dụng mạng internet để đánh bạc xuyên quốc gia.
 

Trong khi đó, tại Bình Định, địa phương này đã phát hiện một số NNN thông qua các đoàn khách du lịch đến tỉnh Bình Định để truyền giáo, thu mua nông sản trái phép, cư trú và lao động không có giấy phép…

Nhiều bất cập trong quản lý

Về giải pháp ngăn chặn tình trạng tội phạm nước ngoài tại địa phương, thiếu tướng Vũ Xuân Viên cho hay UBND TP.Đà Nẵng đã ban hành quy chế hoạt động, phân cấp rõ các sở ngành, công an quận, huyện về quản lý NNN nên các địa phương thực hiện nghiêm quy chế này. Công an TP cũng giao nhiệm vụ cho từng lực lượng. Tuy nhiên, việc phối hợp còn nhiều sơ hở, nhất là trao đổi thông tin giữa các ngành trong lưu trú của khách nước ngoài.
 
Theo một chuyên gia về quản lý hành chính và trật tự xã hội, việc quản lý NNN tại VN có trách nhiệm chính là lực lượng cảnh sát xuất nhập cảnh, sau đó là công an cấp cơ sở. Nhưng những lực lượng này gặp khá nhiều khó khăn, như: lực lượng cảnh sát xuất nhập cảnh quá mỏng trong khi phải quản lý địa bàn rất rộng; tại các cấp quận, huyện chỉ có một đội đảm trách nhiều khâu quản lý. Do đó, việc khai báo tạm trú, lưu trú NNN được “san bớt” cho lực lượng cảnh sát cấp xã, phường. “NNN vào VN từ nhiều nước khác nhau, trong khi trình độ ngoại ngữ nói chung của cảnh sát cấp cơ sở còn hạn chế nên rất khó nắm bắt thông tin, tình hình. Việc kiểm tra, hướng dẫn NNN chấp hành luật pháp VN cũng khó đáp ứng được yêu cầu”, vị này nói.
 
Theo chuyên gia này, với cơ chế thu hút đầu tư nước ngoài được đánh giá là rất mở đã thu hút nhiều NNN vào du lịch, lao động, NNN được phép thuê, mua nhà… cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị tội phạm lợi dụng nếu không có cơ chế kiểm soát thật chặt chẽ. “Tại các khu chung cư được kiểm soát bằng thẻ từ, NNN thuê ở đó đóng cửa suốt ngày, cảnh sát khu vực muốn kiểm tra cũng không phải dễ mà có kiểm tra thì NNN cũng đủ thời gian để che giấu những hành vi phạm tội, nếu có. Tương tự, tại các doanh nghiệp, cảnh sát chỉ có quyền kiểm tra định kỳ và khi kiểm tra phải báo trước nên rất khó để phát hiện các hành vi phạm pháp”, chuyên gia này phân tích và cho rằng cả 2 trường hợp điển hình là vụ hàng trăm người Trung Quốc tổ chức đánh bạc tại Hải Phòng và vụ sản xuất ma túy tại Kon Tum mới đây đều diễn ra ở những nơi “kín cổng cao tường”, khó huy động được tai mắt của người dân cũng như thực hiện các biện pháp kiểm tra hành chính thông thường để phát hiện hành vi tội phạm.
 
Cũng theo chuyên gia trên, quy định NNN có giấy chứng nhận đầu tư, góp vốn cho doanh nghiệp thì được cấp thị thực, thẻ tạm trú có thời hạn không quá 5 năm đã có kẽ hở. Trong đó, nhiều NNN, doanh nghiệp lợi dụng quy định này để đề nghị cấp thị thực, cấp thẻ tạm trú nhằm hợp thức việc ở lại lâu dài tại VN không đúng mục đích đầu tư. Do vậy, cần sửa đổi quy định cấp thị thực dạng này cho nhà đầu tư để tránh bị lợi dụng.

Quản lý từ cửa khẩu

Nỗi lo tội phạm người nước ngoài - ảnh 2

Để tăng cường quản lý các đối tượng NNN lợi dụng địa bàn VN để phạm tội, cần phải tăng cường khảo sát điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình để kịp thời phát hiện, xử lý từ ban đầu, không để dẫn đến tình trạng hình thành những tổ chức lan rộng trong cả nước. Bên cạnh đó, cần phải quản lý NNN xuất nhập cảnh, ra vào VN chặt chẽ hơn, nhất là các cơ quan có chức trách ở xuất nhập cảnh, bến cảng, cửa khẩu, sân bay phải tăng cường tuần tra, kiểm soát, tập trung vào các địa bàn trọng điểm, bố trí triển khai lực lượng để kịp thời xử lý các tình huống có thể xảy ra.
 
Hiện nay, đúng là sự ổn định cùng với chính sách mở cửa của ta nên nhiều đối tượng đã lợi dụng, nhưng không mở cửa để phát triển cũng không được. Tuy nhiên, khi mở cửa thì ngoài cái tốt vào, cũng có cái xấu kèm theo; nếu không kịp thời phát hiện và đấu tranh nghiêm túc thì sẽ ảnh hưởng tới quốc phòng an ninh. Giờ chúng ta vẫn mở cửa song phải thắt chặt các thủ tụcquy trình, các tổ chức lực lượng cần tăng cường giao ban, phối hợp để nắm tình hình, giữa địa bàn này với địa bàn khác, không để khoảng trống giữa các địa bàn, vì thông thường địa phận giáp ranh giữa các tỉnh thành rất dễ bị các đối tượng lợi dụng để hoạt động.
Ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Quốc hội

Bổ sung các quy định quản lý chặt chẽ hơn

Nỗi lo tội phạm người nước ngoài - ảnh 3

Chúng ta cải cách thủ tục hành chính trong quản lý cư trú, xuất nhập cảnh đối với nhà đầu tư nước ngoài song đồng thời cũng phải có các biện pháp kiểm soát. Chẳng hạn như vụ đường dây đánh bạc trên mạng của người Trung Quốc tại Hải Phòng vừa qua, chúng tôi cũng chưa có thông tin chính thức, song đối chiếu với quy định của pháp luật thì thấy rằng tình hình quản lý đầu tư, quản lý NNN vẫn còn nhiều sơ hở.
 
Lần này Chính phủ đang đề nghị sửa luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của NNN tại VN, Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh đề nghị Chính phủ có nghiên cứu bổ sung các quy định liên quan tới quản lý cư trú, nhằm quản lý chặt chẽ, kiểm soát được tình trạng NNN vào VN để phạm tội. Tuy nhiên, tôi cho rằng, cái chính là giải pháp phòng ngừa, đấu tranh của các lực lượng chức năng, trong đó có lực lượng công an, chứ bản thân luật như hiện nay cũng tương đối đảm bảo yêu cầu.
 
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng – An ninh Quốc hội
 
Lê Hiệp (ghi)
 
 
 
THANH NIÊN