10/01/2025

Căng thẳng tăng nhiệt ở Trung Đông

Iran tuyên bố tất cả căn cứ Mỹ nằm trong tầm bắn của tên lửa nước này sau khi xảy ra vụ tấn công hai nhà máy lọc dầu quan trọng của Ả Rập Xê Út.

 

Căng thẳng tăng nhiệt ở Trung Đông

Iran tuyên bố tất cả căn cứ Mỹ nằm trong tầm bắn của tên lửa nước này sau khi xảy ra vụ tấn công hai nhà máy lọc dầu quan trọng của Ả Rập Xê Út.

 
 
 

Khói bốc lên sau vụ tấn công nhà máy lọc dầu ở TP.Abqaiq, Ả Rập Xê Út	 /// Ảnh: Reuters

Khói bốc lên sau vụ tấn công nhà máy lọc dầu ở TP.Abqaiq, Ả Rập Xê Út   Ảnh: Reuters

 

 
“Mọi người nên biết rõ tất cả căn cứ và tàu sân bay Mỹ ở Trung Đông chỉ cách Iran xa nhất khoảng 2.000 km và tất cả nằm trong tầm bắn tên lửa của chúng tôi”, Chỉ huy Lực lượng không gian vũ trụ Iran Amir Ali Hajizadeh tuyên bố. Hãng tin Tasnim hôm qua dẫn lời ông Hajizadeh nói thêm rằng Iran luôn sẵn sàng cho cuộc chiến tranh toàn diện. Tuyên bố được đưa ra sau vụ tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) chứa đầy thuốc nổ nhắm vào hai nhà máy lọc dầu quan trọng của Ả Rập Xê Út ở TP.Abqaiq và Khurais hôm 14.9. Ryadh gọi đó là tấn công khủng bố. Lực lượng Houthi tại Yemen sau đó lên tiếng nhận trách nhiệm và tuyên bố sẽ tiếp tục tăng cường tấn công vào Ả Rập Xê Út.

Tấn công vào “thùng dầu quan trọng”

Giới chuyên gia dự đoán giá dầu thô sẽ biến động trong vài ngày tới và vụ tấn công hôm 14.9 sẽ là phép thử đối với khả năng của các quốc gia trên thế giới trong việc xử lý khủng hoảng vì toàn cầu phải tạm thời mất khoảng hơn 5% nguồn cung dầu thô từ Ả Rập Xê Út, theo Reuters. Cụ thể, Ả Rập Xê Út mỗi ngày xuất khẩu hơn 7 triệu thùng dầu thô. Theo công ty dầu khí quốc gia Ả Rập Xê Út (Aramco), vụ tấn công khiến sản lượng xuất khẩu dầu thô mất đi 5,7 triệu thùng/ngày. Tổng giám đốc điều hành Aramco Amin Nasser cho biết không có thương vong sau vụ tấn công bằng UAV và đã kiểm soát được tình hình đám cháy tại hai nhà máy lọc dầu. Còn Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Xê Út Abdulaziz bin Salman thông báo nước này phải tạm ngừng hoạt động hai nhà máy bị tấn công. Kho dự trữ của Ả Rập Xê Út hiện có khoảng 188 triệu thùng dầu.

 

Dù Houthi lên tiếng nhận trách nhiệm nhưng Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cáo buộc Iran đứng sau vụ tấn công, khẳng định “không có bằng chứng cho thấy UAV xuất phát từ Yemen”. Trên Twitter, Ngoại trưởng Pompeo khẳng định Iran tiến hành vụ tấn công không có tiền lệ nhắm vào nguồn cung dầu thô quan trọng của thế giới. “Tehran đứng sau gần 100 vụ tấn công ở Ả Rập Xê Út trong khi Tổng thống Iran Hassan Rouhani và ngoại trưởng nước này – Mohammed Javad Zarif, giả vờ kêu gọi giải pháp ngoại giao. Mỹ sẽ phối hợp với các đối tác cùng đồng minh nhằm đảm bảo nguồn cung dầu thô và buộc Iran phải chịu trách nhiệm cho hành động gây hấn này”, ông Pompeo nói.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối cung cấp bằng chứng để củng cố những cáo buộc của ông Pompeo, khiến một số nghị sĩ nước này tỏ vẻ hoài nghi, theo Reuters. Bên cạnh đó, giới quan sát nhận định các đồng minh của Washington cũng muốn thấy bằng chứng cụ thể về sự can dự của Iran trong vụ tấn công ở Ả Rập Xê Út. Trước đó, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Trump, thái tử Mohammed bin Salman khẳng định Ả Rập Xê Út có đủ khả năng đối phó trước hành động của các nhóm khủng bố. Về phần mình, Tổng thống Trump nói Washington sẵn sàng hỗ trợ Riyadh đảm bảo an ninh.
 
Trong buổi họp báo ngày 15.9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi bác bỏ tất cả “cáo buộc vô căn cứ” của Mỹ, cho rằng Washington chỉ đang viện cớ cho “những hành động sắp tới” nhằm chống lại nước Cộng hòa Hồi giáo này, theo AFP. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Pháp kịch liệt lên án vụ tấn công và chỉ trích “những hành động như thế làm leo thang căng thẳng, gia tăng nguy cơ dẫn đến xung đột”.
 
Căng thẳng ở Trung Đông leo thang kể từ khi Tổng thống Trump hồi năm 2018 rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015, tái áp đặt lệnh cấm vận nhắm vào Iran và ngành dầu mỏ nước này. Đáp lại, Iran bắt đầu tăng cường làm giàu uranium, cảnh báo sẽ tiếp tục cắt giảm việc tuân thủ cam kết trong thoả thuận hạt nhân. Gần đây, Tổng thống Trump tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Iran, tuy nhiên Tổng thống Rouhani khẳng định chỉ ngồi vào bàn đàm phán khi Washington hủy bỏ các lệnh cấm vận.
 
Trong khi đó, Ả Rập Xê Út đứng đầu liên minh quân sự tiến hành các chiến dịch ở Yemen kể từ năm 2015 để chống lại lực lượng Houthi. Ả Rập Xê Út cáo buộc Iran viện trợ vũ khí cho Houthi, nhưng lực lượng này và Tehran bác bỏ. Đáng chú ý là liên minh trên xác nhận đã tiến hành những đợt không kích ở tỉnh Saada, miền bắc Yemen, được xem là thành lũy của Houthi, hôm 14.9, cùng ngày xảy ra vụ tấn công bằng UAV ở Ả Rập Xê Út. Người phát ngôn liên minh Turki al-Malki tuyên bố đã mở cuộc điều tra để xác định chính xác ai lên kế hoạch và tiến hành vụ tấn công.
 
 
 
PHÚC DUY