Bảo tồn di sản: nuôi ‘gà đẻ trứng vàng’
Ở hội thảo về bảo tồn di sản và phát triển kinh tế tại TP.HCM vừa khép lại, những kinh nghiệm bảo tồn di sản mà các chuyên gia nước ngoài đem đến hội thảo tiếp tục làm cho các chuyên gia về bảo tồn tại TP.HCM thổn thức và mơ ước.
Bảo tồn di sản: nuôi ‘gà đẻ trứng vàng’
Ở hội thảo về bảo tồn di sản và phát triển kinh tế tại TP.HCM vừa khép lại, những kinh nghiệm bảo tồn di sản mà các chuyên gia nước ngoài đem đến hội thảo tiếp tục làm cho các chuyên gia về bảo tồn tại TP.HCM thổn thức và mơ ước.
Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, các nước rất trân trọng di sản. Chỉ cần đô thị có tuổi đời chừng 100 năm thì những di sản và lịch sử của đô thị được bảo tồn, tôn tạo và quảng bá như một báu vật.
Khi một đô thị cũ đi vào giai đoạn phát triển nóng, có nguy cơ xâm phạm đến các di sản thì người ta “đóng cửa” đô thị cũ, mở ra một đô thị mới để phát triển, xây dựng những công trình hiện đại.
TP.HCM là một thành phố có 300 năm lịch sử nhưng du khách hầu như không biết tìm câu chuyện lịch sử phát triển của TP ở đâu.
Các công trình di sản trong trung tâm thành phố thì đang bị lấn chiếm và dần biến mất, nhường chỗ cho dự án bất động sản. Những không gian xưa cũ góp phần đưa Sài Gòn – TP.HCM lên bản đồ đô thị thế giới một thời bị xâm chiếm dần từng chút một và đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.
Khu biệt thự cũ ở quận 3 ngày càng thưa vắng biệt thự. Những địa danh vang bóng một thời như Ba Son, cảng Sài Gòn, Chợ Quán, Lò Gốm… nay được định vị bằng những công trình mới toanh, không còn lưu lại chút dấu xưa.
Khi có một công trình di sản nào có nguy cơ bị xâm hại thì những tiếng nói bảo vệ đầu tiên vang lên đều từ phía công chúng, các nhà chuyên môn.
Phát ngôn của chính quyền có khi đứng ở phía… ngược lại. Vẫn còn nhiều người quan niệm: bảo tồn thì lấy gì phát triển kinh tế, không cho phát triển dự án thì lấy đâu nguồn thu ngân sách, không giao đất làm bất động sản thì làm sao thu tiền…
Kinh nghiệm từ việc bảo vệ di sản của các đô thị trên thế giới cho thấy các di sản văn hóa là cỗ máy kiếm ra tiền. Nhờ biết cách bảo tồn, khai thác giá trị của các di sản mà nguồn thu từ những khu đô thị di sản không hề nhỏ.
Tại nhiều đô thị trên thế giới, những khu phố cổ đem lại nguồn thu cao nhất cho thành phố chứ không phải những khu vực có các tòa nhà chọc trời hay khu phát triển bất động sản.
KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng TP.HCM đang trong giai đoạn phát triển nóng nhưng vẫn còn kịp để chính quyền hành động nhằm bảo tồn di sản, để “nuôi con gà đẻ trứng vàng”. Câu chuyện lịch sử của TP.HCM là câu chuyện hấp dẫn.
Vị KTS này đề xuất UBND TP cần xác định ranh giới của một khu trung tâm lịch sử để có định hướng đầu tư và phát triển. Khu trung tâm lịch sử được đề xuất giới hạn bởi các tuyến đường Trương Định – Nguyễn Đình Chiểu – Nguyễn Bỉnh Khiêm – Lê Lợi – Nguyễn Siêu…
Trong khu vực này, Nhà nước xây dựng chính sách riêng để quản lý, bảo tồn; việc xây dựng cao tầng, việc phát triển dự án mới phải hết sức cân nhắc. “Tôi dám chắc khu trung tâm lịch sử này sẽ đem lại thu nhập cao nhất so với những khu vực khác của thành phố” – ông Ngô Viết Nam Sơn quả quyết.
Một chuyên gia bảo tồn di sản đến từ Malaysia ví việc bảo tồn di sản như “con gà đẻ trứng vàng”. Nếu người sở hữu con gà nói tôi đói quá nên làm thịt con gà ăn ngay cho khỏi đói thì chỉ được một bữa no. Nếu người chủ biết nuôi nấng thì con gà sẽ đẻ trứng vàng hằng ngày.