10/01/2025

Nguy cơ tử vong khi vào viện cao gấp 10.000 lần đi máy bay

Lần đầu tiên phát động chiến dịch ngày “An toàn người bệnh thế giới” (17-9), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố 10 con số cảnh báo thực trạng các tai biến, sự cố y khoa trong chăm sóc sức khoẻ người bệnh trên toàn cầu.

 

Nguy cơ tử vong khi vào viện cao gấp 10.000 lần đi máy bay

Lần đầu tiên phát động chiến dịch ngày “An toàn người bệnh thế giới” (17-9), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố 10 con số cảnh báo thực trạng các tai biến, sự cố y khoa trong chăm sóc sức khoẻ người bệnh trên toàn cầu.


 

Nguy cơ tử vong khi vào viện cao gấp 10.000 lần đi máy bay - Ảnh 1.

Bệnh nhân của sự cố y khoa “khoan nhầm cẳng chân” mới đây tại một bệnh viện – Ảnh: HOÀNG LỘC

 

Khảo sát của WHO cho thấy các yếu tố dẫn đến sự cố y khoa gây thương tật, chết người chủ yếu xuất phát từ: nhiễm trùng bệnh viện; chẩn đoán, kê đơn, sử dụng thuốc không an toàn; chẩn đoán không chính xác hoặc chậm trễ; biến chứng phẫu thuật; phơi nhiễm do phóng xạ… WHO đưa ra một con số so sánh là nếu như nguy cơ tử vong khi đi máy bay là 1/3.000.000 thì nguy cơ tử vong do các sự cố trong chăm sóc y tế là 1/300.

Nguyên nhân tử vong hàng đầu

Về sai sót trong sử dụng thuốc không an toàn như liều lượng không đúng, hướng dẫn không rõ ràng, sử dụng chữ viết tắt trong kê đơn và đơn thuốc không phù hợp…, WHO đánh giá là nguyên nhân hàng đầu gây nguy hiểm cho người bệnh.

Lỗi này có thể xảy ra do hệ thống cung ứng và sử dụng thuốc còn yếu, hoặc do yếu tố con người như mệt mỏi, điều kiện làm việc kém hoặc thiếu nhân viên liên quan đến các công việc kê đơn, lưu trữ, chuẩn bị, pha chế, quản lý và theo dõi.

“Lỗi này hoàn toàn có thể tránh được. Bất kỳ một hoặc sự kết hợp nào trong số này có thể dẫn đến tổn hại nghiêm trọng cho người bệnh, gây tàn phế và thậm chí tử vong” – WHO đánh giá.

Ngoài ra, lỗi chẩn đoán có khả năng gây ra tác hại nghiêm trọng cho người bệnh. Một nguy cơ đe dọa đến sự an toàn của người bệnh nữa là biến chứng của phẫu thuật.

Theo đó, hằng năm có gần 7 triệu người bệnh phẫu thuật bị biến chứng, trong đó có 1 triệu người chết trong hoặc ngay sau phẫu thuật. Và số người bệnh bị biến chứng do phẫu thuật tại các nước thu nhập thấp và trung bình vẫn cao gấp 2-3 lần so với các nước thu nhập cao.

WHO đưa ra một nghiên cứu ở 26 bệnh viện tại 8 nước có thu nhập thấp và trung bình, cho thấy tỉ lệ sự cố y khoa khoảng 8%. Trong đó có đến 83% các trường hợp có thể phòng ngừa được và khoảng 30% có liên quan đến cái chết của bệnh nhân.

“Sự cố y khoa do chăm sóc không an toàn có thể là 1 trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn phế. Bằng chứng là trong số 134 triệu sự cố y khoa xảy ra mỗi năm tại các bệnh viện ở các nước thu nhập thấp và trung bình có đến 2,6 triệu trường hợp tử vong” – phân tích của WHO.

Các sự cố y khoa nghiêm trọng

– Phẫu thuật: sai vị trí, sai người bệnh, sai phương pháp, hoặc bỏ quên dụng cụ trong cơ thể người bệnh.

– Trang thiết bị: thuốc, thiết bị, sinh phẩm.

– Quản lý người bệnh: giao nhầm trẻ sơ sinh, người bệnh bỏ trốn bị tử vong hoặc di chứng nghiêm trọng, tự tử trong bệnh viện.

– Chăm sóc tại cơ sở khám chữa bệnh: lỗi dùng thuốc, truyền nhầm nhóm máu, nhầm lẫn cấy ghép tạng…

– Môi trường: điện giật, phỏng, nhầm lẫn chất khí hoặc chất khí lẫn chất độc.

– Phạm pháp hình sự: giả mạo nhân viên y tế, bắt cóc, tấn công tình dục trong khuôn viên bệnh viện.

Ám ảnh về sau

Sự cố y khoa là điều không ai mong muốn. Khi xảy ra, người bệnh có thể phải đánh đổi bằng cả sinh mạng. Theo thời gian sự cố rồi sẽ nguôi ngoai nhưng nỗi đau vẫn còn dai dẳng…

Thân thể không còn lành lặn từ khi trở về sau sự cố “khoan nhầm cẳng chân” tại một bệnh viện ở TP.HCM, anh N.Đ.T. (30 tuổi, quê Cà Mau) nói rằng không thể nào quên hình ảnh giây phút bị nhân viên y tế gí mũi khoan vào chân.

“Tôi đã nhắc đi nhắc lại tên mình nhưng nhân viên y tế vẫn chích thuốc tê, bấm máy khoan. Tiếng khoan kêu “rò, rò”, mũi khoan xuyên vào xương đau buốt. Tôi la lên và lúc đó phát hiện khoan nhầm” – anh T. ấm ức.

 

Gần 3 tháng sau ngày định mệnh ấy, vết thương ở chân của anh T. dần lành lặn, chỉ còn vết sẹo nhỏ. “Đến nay tôi vẫn phải uống thuốc, sữa bổ sung canxi hằng ngày. Tôi đang hồi hộp chờ đợi sau 6 tháng để xem cẳng chân liệu có bình phục hoàn toàn hay không” – anh T. nói.

Câu chuyện của anh T.Q.C. (ngụ Q.8, TP.HCM) có lẽ là niềm đau không thể nào nguôi ngoai. Tròn hai tháng, bà N.T.T. (57 tuổi, mẹ anh) vĩnh viễn ra đi sau gần 4 giờ chuyển vào bệnh viện cấp cứu. Hệ quả của sự cố đáng tiếc này, ngay sau đó được bệnh viện nhìn nhận do bác sĩ khám bệnh chưa có nhiều kinh nghiệm xử lý nên không tiên lượng được diễn biến có thể xảy ra.

“Mẹ tôi mất, khoa cấp cứu xin lỗi và hỏi có mong muốn gì không. Mẹ tôi mất rồi, tôi còn mong muốn gì nữa” – anh C. khóc nói về ngày xảy ra sự cố với người mẹ của mình.

Và nếu điểm qua “sự cố y khoa” gần đây, có thể thấy ở đâu đó từ bệnh viện tuyến huyện, tỉnh đến trung ương, sự việc đau lòng vẫn tiếp diễn.

Chỉ mới đầu tháng 8-2019, một sự cố truyền nhầm máu khá hi hữu xảy ra tại khoa sản một bệnh viện. Cách đây ít ngày là câu chuyện cháu M.T.K. (13 tuổi, ngụ TP Biên Hòa). Do bác sĩ thiếu lưu tâm khi chẩn đoán bệnh, cháu K. đã qua đời vì bị sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng trên nền bệnh lý về tim kéo dài. Nhiều bác sĩ bị kỷ luật, bệnh viện nhận thiếu sót nhưng nỗi đau mất đi người thân của gia đình bé sẽ không bao giờ khỏa lấp…

Nguy cơ tử vong khi vào viện cao gấp 10.000 lần đi máy bay - Ảnh 3.

Một bệnh nhân bị truyền nhầm nhóm máu – Ảnh: H.C.ĐÔNG

 

Công khai sự cố để giảm thiểu sai sót

Để phòng ngừa tình trạng này, từ cuối năm 2018, Bộ Y tế ban hành thông tư hướng dẫn phòng ngừa sự cố y khoa trong các cơ sở khám, chữa bệnh. Thông tư này chỉ ra các sự cố được cho là tổn thương nặng, bắt buộc phải báo cáo gồm gây nguy hại kéo dài để lại di chứng, cần hồi sức tích cực hoặc có ảnh hưởng hoặc trực tiếp gây tử vong cho người bệnh.

Bộ Y tế có quy định khuyến khích báo cáo sự cố tự nguyện đối với các nguy cơ chưa xảy ra; tổn thương nhẹ (tự hồi phục hoặc không cần can thiệp điều trị) hoặc trung bình (đòi hỏi can thiệp điều trị, kéo dài thời gian nằm viện, ảnh hưởng đến chức năng lâu dài).

Trong một hội nghị về quản lý chất lượng bệnh viện cuối năm 2018, bác sĩ Huỳnh Thị Thanh Trang – Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM) – cho biết từ các nghiên cứu cho thấy việc thiếu kinh nghiệm cộng thêm khối lượng công việc căng thẳng, thiếu giao tiếp, thiếu kiến thức y khoa dẫn đến gia tăng tần suất xảy ra sự cố nhưng ít được báo cáo.

Đặc biệt, văn hóa buộc tội, nỗi sợ bị trừng phạt do sai sót y khoa là rào cản lớn hạn chế báo cáo các sự cố ở nhân viên y tế. “Việc công khai sự cố y khoa sẽ giúp nhận diện đúng nguyên nhân gốc để rút ra bài học đắt giá, từ đó có các giải pháp khắc phục nhằm phục vụ người bệnh tốt hơn” – một chuyên gia về quản lý chất lượng bệnh viện nói.

TS.BS Trần Vĩnh Hưng – giám đốc Bệnh viện Bình Dân – khẳng định né tránh sự cố y khoa là thực trạng chung ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên ở nước ngoài với các sự cố nhẹ, họ không có văn hóa trừng phạt mà khuyến khích tự nguyện.

“Riêng ở Bệnh viện Bình Dân, nếu cố giấu mà bị phát hiện chúng tôi xử phạt rất nặng, còn nếu tự nói ra với nhóm lỗi nhẹ chúng tôi rất khuyến khích, không xử phạt mà xem đó là bài học để đưa ra quy trình tránh xảy ra các sự cố tương tự” – BS Hưng nhấn mạnh.

Không buộc tội nhưng có biện pháp chế tài

Sở Y tế TP.HCM cho biết nhằm phòng ngừa sự cố y khoa, đơn vị đã ban hành 13 khuyến cáo về xây dựng văn hóa an toàn người bệnh tại các bệnh viện. Qua đó yêu cầu các lãnh đạo bệnh viện phải là người khởi xướng, cụ thể hóa việc xây dựng văn hóa an toàn người bệnh gồm bổ sung quy trình chuyên môn kỹ thuật, rà soát bộ phận thường xuyên bị quá tải điều chỉnh kịp thời, đồng thời tạo không khí cởi mở cho nhân viên tự nguyện trao đổi về sai sót, tuân thủ nguyên tắc phân tích hệ thống để xác định lỗi hệ thống hay lỗi cá nhân khi có sai sót xảy ra.

Đặc biệt, hành xử không buộc tội không đồng nghĩa với không có biện pháp chế tài với lỗi cá nhân. Tuy nhiên, cần phân tích rõ về kiến thức, kỹ năng và tính kỷ luật của nhân viên trước khi áp dụng hình thức và mức độ chế tài.

 

HOÀNG LỘC