Người dân có thể khởi kiện đòi Công ty Rạng Đông bồi thường
Các chuyên gia pháp lý nhận định trong vụ cháy Công ty Rạng Đông, đơn vị này đã cung cấp thông tin sai sự thật, không thực hiện trách nhiệm ứng phó với sự cố kịp thời, gây thiệt hại nghiêm trọng đến sức khoẻ, tài sản của người dân.
Người dân có thể khởi kiện đòi Công ty Rạng Đông bồi thường
Các chuyên gia pháp lý nhận định trong vụ cháy Công ty Rạng Đông, đơn vị này đã cung cấp thông tin sai sự thật, không thực hiện trách nhiệm ứng phó với sự cố kịp thời, gây thiệt hại nghiêm trọng đến sức khoẻ, tài sản của người dân.
Hơn 10 ngày sau vụ cháy Công ty Rạng Đông cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông (Công ty Rạng Đông), hàng trăm người dân sống ở khu vực này vẫn còn rất hoang mang, nhiều người “tự cứu” mình bằng cách di chuyển đến nơi khác.
Bình luận về sự bất nhất, lúng túng trong thông tin từ phía chính quyền lẫn công ty, các chuyên gia pháp lý cho rằng người dân là “đối tượng chịu thiệt thòi nhất khi hứng chịu mọi hậu quả”.
‘Có lỗi hay không, công ty cũng phải chịu trách nhiệm’
Theo luật sư Trương Anh Tú, Luật bảo vệ môi trường quy định rất cụ thể về trách nhiệm của chủ cơ sở sản xuất, cơ quan quản lý, các cấp chính quyền địa phương trong việc phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, xác định thiệt hại và khắc phục sự cố.
Theo đó, người đứng đầu trực tiếp của tổ chức phải chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường có liên quan đến hoạt động của tổ chức mình. Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường có trách nhiệm khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra.
Người dân có quyền trong việc tiếp cận thông tin và tham gia vào quá trình thực hiện của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Hàng loạt ngôi nhà, cửa hàng đều đóng cửa hoặc treo biển tạm thời nghỉ, chuyển địa chỉ khác vì người dân lo nhiễm độc thủy ngân – Ảnh: DANH TRỌNG
Luật sư Tú nhận định việc sử dụng nguồn hóa chất nguy hiểm cao độ như thủy ngân phải được quản lý một cách đặc biệt. Cơ quan điều tra cần kết luận phía Công ty Rạng Đông đã quản lý thủy ngân đúng quy định chưa, nguyên nhân vụ cháy là gì.
Tuy nhiên, diễn biến vụ việc đến nay cho thấy công ty đã phản ứng rất chậm trễ, thậm chí “gian dối” trong công bố thông tin.
Ban đầu có văn bản khẳng định đã đưa vào nghiên cứu sử dụng viên amalgam thay thế thủy ngân để sản xuất bóng đèn từ năm 2016, nên các sản phẩm bị cháy đều vô hại với môi trường. Nhưng sau đó, công ty lại thừa nhận toàn bộ 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng thủy ngân lỏng (độc tính cao hơn viên amalgam).
“Dù cơ quan chức năng xác định công ty có lỗi hay không có lỗi trong vụ cháy thì cũng phải có trách nhiệm trong việc để thủy ngân phát tán, gây thiệt hại cho người dân trong khu vực bị ảnh hưởng.
Lẽ ra, công ty phải công bố công khai hóa chất đã sử dụng để sản xuất bóng đèn trong thời gian sớm nhất, đưa ra giải pháp kịp thời để giảm thiểu hậu quả”, luật sư Tú phân tích.
Người dân có quyền yêu cầu bồi thường
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Thế Truyền cho biết điều 602 Bộ luật dân sự 2015 có qui định về bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường có qui định “chủ thể làm ô nhiễm môi trường mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo qui định của pháp luật, kể cả trường hợp chủ thể đó không có lỗi”.
Theo nguyên tắc của bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, người dân trong khu vực có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại về sức khoẻ, tài sản, tổn thất tinh thần…
Trong vụ cháy Công ty Rạng Đông, nếu người dân không thỏa thuận được mức bồi thường thì có quyền yêu cầu khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trường hợp này có thể hiểu là khởi kiện tập thể.
“Luật cũng quy định rõ người gây ô nhiễm môi trường, ngoài bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của cá nhân, tổ chức khác còn phải bồi thường thiệt hại cho môi trường tự nhiên thường được gọi dưới dạng khắc phục sự cố về môi trường”, luật sư Truyền phân tích thêm.
Bình luận về việc chính quyền địa phương từ phường đến quận và cao hơn là UBND TP “lúng túng” trong việc thông tin về ảnh hưởng đến môi trường từ vụ cháy, luật sư Truyền cho rằng người dân có quyền trong việc tiếp cận thông tin và tham gia vào quá trình thực hiện của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
“Trong vụ cháy Công ty Rạng Đông, người dân hoàn toàn bị “thụ động” trong việc nắm bắt thông tin sau khi xảy ra vụ cháy. Một số người còn chưa nhận thức đầy đủ về sự tác động của các sự cố môi trường đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của bản thân và cộng đồng dân cư.
Chính quyền cần cho họ khuyến cáo kịp thời là sơ tán hay không, cho họ câu trả lời phải đi hay ở để tránh ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Việc các cấp có thẩm quyền đưa ra những kết luận khác nhau đánh giá về hậu quả của vụ cháy thể hiện sự lúng túng và thiếu kinh nghiệm”, luật sư Truyền nhìn nhận.
Luật sư Trương Quốc Hòe, Đoàn luật sư TP Hà Nội, cũng nhận định sau khi xảy ra sự cố, Công ty Rạng Đông phải lập tức có biện pháp để ứng phó, xử lý đồng thời đánh giá nhanh mức độ ảnh hưởng và có phương án xử lý cũng đưa ra các khuyến cáo cho người dân được biết.
Tuy nhiên, theo thông tin đăng tải trên báo chí, Công ty Rạng Đông đã cung cấp thông tin sai sự thật, không thực hiện trách nhiệm ứng phó với sự cố, gây hậu quả là thiệt hại nghiêm trọng đến sức khoẻ, tài sản của người dân.
“Có thể thấy, đây là một bài học đắt giá trong việc ứng phó, khắc phục sự cố môi trường của cơ quan chức năng địa phương. Bởi ngay sau vụ cháy, UBND phường Hạ Đình đã khuyến cáo người dân phải tẩy độc đất, nước quần áo và không sử dụng thực phẩm quanh khu vực bị cháy trong vòng bán kính 1,5km.
Thế nhưng, khuyến cáo này đã bị quận Thanh Xuân yêu cầu thu hồi ngay lập tức với lý do “không đúng thẩm quyền và nội dung chưa đủ cơ sở”, để rồi sau đó chính người dân lại phải hứng chịu mọi hậu quả”, luật sư Hòe nêu quan điểm.
Thủy ngân vẫn còn trong đất và nước
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 10-9, ông Hoàng Dương Tùng – nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam – cho biết điều người dân quan tâm nhất chính là môi trường nơi đây còn nguy hại hay không, nồng độ thủy ngân hiện nay còn bao nhiêu.
Nhiều người dân lo lắng về sức khỏe của bản thân đến mức tự sơ tán, chuyển trường cho con…
Hiện nay, theo cơ quan của Bộ Tài nguyên – môi trường, quan trắc, khuyến cáo của WHO, nồng độ thủy ngân ở trong không khí đã ở mức an toàn. Kết quả này cần truyền tải tới người dân một cách kịp thời nhất và sâu rộng nhất để tránh hoang mang lo lắng.
“Hiện tại, thủy ngân còn một phần trong đất và trong nước. Trong nước thì không quan ngại lắm vì chúng ta sử dụng nước máy. Kết quả quan trắc một số nơi trong đất cũng có nồng độ nhất định nhưng không lớn.
Các cơ quan chính quyền phải công bố rõ ràng nồng độ để người dân bình tĩnh, yên tâm ổn định cuộc sống cũng như có những ứng phó kịp thời, phù hợp”, ông Tùng nói.