Thương chiến và trò chơi kiên nhẫn
Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow nhấn mạnh cách tiếp cận kiên nhẫn trong cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh dù cho mất nhiều năm đi nữa, khi sự hoài nghi đang bao trùm lên cuộc đàm phán sắp tới giữa hai bên ở Washington vào tháng 10.
Thương chiến và trò chơi kiên nhẫn
Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow nhấn mạnh cách tiếp cận kiên nhẫn trong cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh dù cho mất nhiều năm đi nữa, khi sự hoài nghi đang bao trùm lên cuộc đàm phán sắp tới giữa hai bên ở Washington vào tháng 10.
Tôi nghĩ bạn sẽ thấy sự cam kết của tổng thống hiện tại (Donald Trump) là không có giới hạn, vì ngài ấy tin rằng mình đang bảo vệ đất nước cùng người lao động và an ninh quốc gia.
Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow
Phát biểu trước phóng viên ngày 6-9 (giờ Mỹ), ông Larry Kudlow, người từng phục vụ dưới thời tổng thống Mỹ Ronald Reagan, so sánh quá trình đàm phán với Trung Quốc hiện nay giống như sự bế tắc trong quan hệ Xô – Mỹ thời Chiến tranh lạnh.
Phát biểu này cho thấy cuộc đàm phán giữa hai bên có thể kéo dài và cũng đẩy “trò chơi kiên nhẫn” lên một cấp độ mới, Hãng tin AP bình luận.
Thương chiến dài như Chiến tranh lạnh
Nhận định của ông Kudlow phù hợp với lập trường của chính quyền ông Trump, theo đó khẳng định Washington không vội ký thỏa thuận và rằng Trung Quốc là bên đang chịu thiệt hại nặng hơn từ thương chiến.
Giới chuyên gia cho rằng những đòn thuế lớp này chồng lên lớp khác từ hai nước gần đây khiến khả năng đạt được thỏa thuận trở nên khó khăn.
Cũng cần nhớ rằng những đòn thuế không phải là rào cản duy nhất hai bên cần tháo gỡ, mà còn nhiều “cái gai” khác từ vấn đề đánh cắp tài sản trí tuệ cho tới chuyện ép chuyển giao công nghệ. Do đó, bầu không khí hòa bình không dễ đến trong một sớm một chiều.
“Tôi không nghĩ Trung Quốc có ý định thực hiện các cải cách cơ cấu. Tương tự, Mỹ cũng không thể nhượng bộ về các vấn đề cốt yếu” – ông Tim Summers, chuyên gia về châu Á tại Đại học Trung Văn Hong Kong, lý giải trên Đài CNN.
Nhà nghiên cứu Niall Ferguson từ Đại học Stanford bình luận trên thực tế Mỹ và Trung Quốc “đã bước vào giai đoạn đầu tiên” của một cuộc Chiến tranh lạnh lần 2. Về lâu dài, xung đột thương mại Mỹ – Trung không chỉ dừng lại ở vấn đề thương mại, mà còn liên quan tới công nghệ và chính trị, trở thành một cuộc chiến đa mặt trận.
Ngắt hay giữ kết nối?
Nhìn lại thế bế tắc hồi tháng 5 khi Mỹ cáo buộc Trung Quốc lật lọng các điều khoản cam kết với việc cắt dự thảo thỏa thuận thương mại từ 150 còn 105 trang, người ta có lý do để tin rằng không dễ để hai bên đặt bút ký thỏa thuận.
Tuy nhiên, sự dịu giọng đột ngột của Bắc Kinh gần đây để hai bên quay lại bàn đàm phán đã hé lộ một giải pháp cho cuộc chiến này. Giải pháp này đến từ Mỹ: “decoupling” (ngắt kết nối).
Theo nhà phân tích kinh tế Jake Novak trên Đài CNBC, giải pháp này sẽ khác với các nỗ lực của Mỹ trước đây nhằm buộc Trung Quốc mở rộng thị trường với các công ty Mỹ. Thay vào đó, Mỹ tập trung cắt giảm sự phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc cho nhu cầu sản xuất. Trước đây, nhiều chuyên gia cũng kêu gọi Mỹ đa dạng hóa nguồn hàng nhập khẩu.
Việc kiếm những nguồn hàng mới có thể không làm giảm bớt tình trạng mất cân bằng thương mại của Mỹ nhưng sẽ giảm bớt rủi ro gây ra sự gián đoạn to lớn cho nền kinh tế Mỹ khi xuất hiện xung đột hoặc các vấn đề khác liên quan tới một quốc gia mà Washington quá lệ thuộc.
“Ngắt kết nối” cũng không có nghĩa sẽ giúp tăng việc làm của người Mỹ hay trở thành động lực chính kích thích kinh tế Mỹ. Nhưng đây được xem là giải pháp tốt nhất mang lợi cho an ninh quốc gia Mỹ, đặc biệt khi đặt các lo ngại an ninh lên trên những lợi ích kinh tế ngắn hạn.
Xu hướng “ngắt kết nối” dường như đang diễn ra gần đây. Hôm 28-8, báo Nikkei cho biết Google đã bắt đầu chuyển dây chuyền sản xuất điện thoại Pixel từ Trung Quốc sang Việt Nam và đồng thời muốn chuyển một phần dây chuyền sản xuất loa thông minh sang Thái Lan. Không chỉ Google, hơn 50 công ty đa quốc gia, từ Apple cho tới Dell, cũng gấp rút chuyển hoặc giảm quy mô sản xuất từ Trung Quốc.
Đối với Trung Quốc, “ngắt kết nối” sẽ là một kịch bản tệ hại vì Mỹ vẫn là thị trường tiêu thụ số 1 thế giới. Do đó, Bắc Kinh cần đưa ra một số đề xuất với Mỹ tại bàn đàm phán để làm chậm xu hướng này, hay thực hiện các dàn xếp gì đó với những nhà sản xuất Mỹ vẫn đang ở lại Trung Quốc, theo CNBC.