08/01/2025

Quỹ nghiên cứu khoa học cần một cơ chế đặc thù

Đó là khẳng định của nguyên Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân, để các quỹ nghiên cứu khoa học hoạt động hiệu quả hơn.

 

Quỹ nghiên cứu khoa học cần một cơ chế đặc thù

Đó là khẳng định của nguyên Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân, để các quỹ nghiên cứu khoa học hoạt động hiệu quả hơn.
 
 
 
 

Quỹ nghiên cứu khoa học cần một cơ chế đặc thù - Ảnh 1.

Hoạt động nghiên cứu khoa học rất cần sự hỗ trợ về tài chính. Trong ảnh: sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) làm việc trong phòng thí nghiệm của trường – Ảnh: TRẦN HUỲNH

 

“Trước hết, phải khẳng định cần có những quỹ như NAFOSTED, NATIF để làm nhiệm vụ đầu tư có tính đặc thù cho nghiên cứu khoa học. Bởi vì có những hoạt động, lĩnh vực nghiên cứu không thể trông chờ vào xã hội hóa. 

Ví dụ như đầu tư cho khoa học cơ bản, an ninh quốc phòng… là trách nhiệm của nhà nước, xã hội và doanh nghiệp gần như không bao giờ bỏ tiền đầu tư. Tất cả các quốc gia phát triển trên thế giới đều đầu tư cho các quỹ dành cho nghiên cứu khoa học”, ông Quân nói.

Theo ông Quân, với các quỹ đã có như NAFOSTED, NATIF hiện nay thì vướng mắc lớn nhất là quản lý hoạt động một cách cứng nhắc theo cơ chế ngân sách nhà nước. 

Luật ngân sách nhà nước quy định các dự án chỉ được bố trí vốn khi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nhiệm vụ KH-CN không phải là dự án đầu tư xây dựng cơ bản nhưng cũng bị áp quy định này. 

Vì vậy, các nhà khoa học phải đề xuất nhiệm vụ nghiên cứu với quỹ từ năm trước, quỹ làm thủ tục thẩm định, phê duyệt đề tài, tổng hợp danh mục đề tài gửi Bộ Tài chính, trình Chính phủ và Quốc hội phê duyệt kinh phí trong tổng chi ngân sách dành cho KH-CN hằng năm, thường mất cả năm trời mới có kinh phí để thực hiện.

Việc ra đời quỹ này nhằm khắc phục bất cập này, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học, nhưng hiện nay quỹ hoạt động không khác gì các chương trình nghiên cứu cấp nhà nước và cấp bộ. 

 

“Đối với NAFOSTED chỉ thông thoáng hơn các chương trình nghiên cứu cấp nhà nước một chút về quy trình và thẩm quyền phê duyệt, nhưng vẫn phụ thuộc niên chế ngân sách và chỉ được bố trí tổng kinh phí hằng năm sau khi có danh mục đề tài được duyệt. Còn đối với NATIF thì cực kỳ khó khăn, tôi cũng không rõ vì sao không giải ngân được”, ông Quân băn khoăn.

Quỹ nghiên cứu khoa học cần một cơ chế đặc thù - Ảnh 2.

Nguyên Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân

 

Theo ông Quân, cách quản lý hiện nay rất khó để các nhà khoa học, doanh nghiệp được hỗ trợ hiệu quả từ NAFOSTED, NATIF. Vì thế thông tin muốn đưa về quản lý quỹ như quản lý chi ngân sách nhà nước thông thường, tức là còn ít thông thoáng hơn hiện nay, đang gây hoang mang cho cả những người quản lý quỹ và các nhà khoa học, bởi vì quỹ dành cho khoa học rất cần một cơ chế đặc thù.

“Đồng ý là cần quản lý chặt chẽ ngân sách, tránh lãng phí nhưng cần theo tinh thần Luật KH-CN 2013 và nghị định 08/2014/NĐ-CP. Đó là quỹ dành cho khoa học phải giải ngân theo tiến độ nhiệm vụ nghiên cứu, được bố trí ngay từ đầu năm tài chính theo mức vốn điều lệ quỹ, khi nhà khoa học có nhiệm vụ nghiên cứu được phê duyệt thì cấp kinh phí thực hiện kịp thời, nói một cách dân dã là “tiền chờ đề tài”, thay vì tình trạng hiện nay “đề tài chờ tiền”. Kinh phí không sử dụng hết được tự động chuyển nguồn sang năm sau”, ông Quân nói.

Các quỹ dành cho nghiên cứu khoa học có điểm khác biệt là đầu tư cho các nhiệm vụ mang tính mạo hiểm, rủi ro cao nhưng cho đến nay chúng ta chưa có quỹ đầu tư mạo hiểm, dù Luật công nghệ cao đã quy định từ năm 2009. Không có quốc gia nào muốn đổi mới sáng tạo mà không có quỹ đầu tư mạo hiểm.

Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ 2017, nghị định 38/2018/NĐ-CP đã có một số quy định về quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, thực chất là quỹ đầu tư mạo hiểm, nhưng cho đến nay chưa ban hành được thông tư hướng dẫn quy định rõ chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và cơ chế vận hành của quỹ khởi nghiệp sáng tạo.

 

THANH HÀ ghi