07/01/2025

‘Làm đẹp’ cho bệnh nhân

Không chỉ trực tiếp phẫu thuật, một bác sĩ trẻ tại Bệnh viện Đà Nẵng còn tự mày mò nghiên cứu thiết kế 3D tạo hình những khiếm khuyết cho bệnh nhân sau phẫu thuật.

 

‘Làm đẹp’ cho bệnh nhân

Không chỉ trực tiếp phẫu thuật, một bác sĩ trẻ tại Bệnh viện Đà Nẵng còn tự mày mò nghiên cứu thiết kế 3D tạo hình những khiếm khuyết cho bệnh nhân sau phẫu thuật.


 
 

Bác sĩ Bách (trái) kết thúc ca phẫu thuật khuyết sọ cho bệnh nhân bằng ứng dụng 3D 
	 /// Ảnh: An Quân

Bác sĩ Bách (trái) kết thúc ca phẫu thuật khuyết sọ cho bệnh nhân bằng ứng dụng 3D   Ảnh: An Quân

 

 

Hơn 1 năm nay, Khoa Ngoại thần kinh (Bệnh viện Đà Nẵng) triển khai ứng dụng kỹ thuật thiết kế và in 3 chiều trong tạo hình sọ mặt. Đây là phương pháp tiên tiến đã ứng dụng tại nhiều nước phát triển trên thế giới nhưng là lần đầu triển khai tại miền Trung. Người trực tiếp nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật mới này là bác sĩ (BS) Nguyễn Ngọc Bách (28 tuổi).

Theo BS Bách, trước khi có ứng dụng 3D phục vụ thiết kế, các BS phẫu thuật ngoại khoa thần kinh sử dụng các phương pháp truyền thống trong vá khuyết sọ, sọ mặt. Cụ thể, BS và kỹ thuật viên phải tự uốn nắn, tạo hình thủ công ngay trong ca phẫu thuật. Điều này khiến cho ca phẫu thuật kéo dài kéo theo nhiều nguy cơ, đặc biệt là yếu tố thẩm mỹ, tính hài hoà, đối xứng rất thấp. Ứng dụng kỹ thuật dựng hình 3D đã mang lại rất nhiều điểm ưu việt…

 

'Làm đẹp' cho bệnh nhân - ảnh 1

 

BS Bách (trái) thực hiện kỹ thuật khoan cắt xương thẩn mỹ   An Quân

 

Âm thầm “làm đẹp”

BS Bách đã tự dịch và nghiên cứu kỹ thuật chuyên môn từ các tài liệu y khoa nước ngoài để nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật thiết kế và in 3D trong phẫu thuật tạo hình sọ mặt. “Không chỉ bằng chuyên môn của một BS giỏi, ở Bách còn có niềm đam mê đặc biệt với ngành kỹ thuật, công nghệ máy tính. Bệnh nhân của BS Bách không chỉ được cứu sống, phục hồi mà còn được “làm đẹp” hơn”, TS-BS Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, tự hào giới thiệu.
 
Ca đầu tiên BS Bách “ra tay” là một nam bệnh nhân 20 tuổi, ở Đà Nẵng bị khuyết sọ vùng thái dương. Thường với ca di chứng do chấn thương sọ não sau tai nạn giao thông, các BS sẽ dùng vật liệu xi măng y sinh học để tạo hình bằng tay trong suốt hơn 2 giờ phẫu thuật để xử lý và tạo hình hộp sọ. Nhưng BS Bách chọn ứng dụng công nghệ 3D để thiết kế, tạo hình vùng khuyết sọ cho bệnh nhân. Anh mất 3 ngày ròng rã, chắt chiu thời gian ngoài ca trực, để chụp khuyết sọ, dựng hình 3D phần sọ khuyết, thiết kế kích cỡ lấy dữ liệu để nạp vào chạy chương trình tái tạo 3D…
 
Sau khi thiết kế miếng vá sọ với kích thước trùng khớp với phần khuyết sọ của bệnh nhân, BS Bách bỏ tiền túi đi tìm những chỗ in 3D giá rẻ để in khuôn, rồi thuê máy dập thủy lực để dập lưới tạo hình… “Mình tự làm nhiều khâu, kể cả tự tay dập thủy lực. Vì chỉ có mình mới biết lực mỏng hay dày, chứ thợ không làm được. Lỡ mạnh tay một tí là hỏng ngay, phải làm lại từ đầu”, BS Bách kể. Những ca đầu mất nhiều thời gian để thực hiện, trung bình 3 – 5 ngày/ca.
 
Về sau, khi đã quen với quy trình, công việc nhanh dần. “Giờ thì có khi 1 ngày có thể thiết kế được 2 mảnh khuyết sọ, chuẩn không cần chỉnh”, BS Bách hài hước.
 
Nhưng để tiến đến quy trình “chuẩn không cần chỉnh” này, BS Bách đã tự tay xử lý thành công gần 50 ca phẫu thuật khuyết sọ não và nhiều bộ phận khác cho các bệnh nhân Khoa Ngoại thần kinh. “Ban đầu tôi “xén” bớt một phần thu nhập từ ca trực để chi phí cho phần vật liệu và phí thuê máy móc, mỗi ca khoảng 3,5 triệu đồng. Về sau này, cứ mỗi ca tôi làm, lại được anh em đồng nghiệp hỗ trợ chi phí, vì kỹ thuật mới này không nằm trong danh mục thanh toán và phí bảo hiểm. Tính đến nay đã chi hơn 150 triệu đồng cho gần 50 ca”, BS Bách nhẩm tính.

Không ngừng sáng tạo

'Làm đẹp' cho bệnh nhân - ảnh 2

Bác sĩ Bách với mẫu khuôn tự chế trên tay  An Dy

 

Không dừng lại ở kỹ thuật 3D trong vá sọ, tùy vào từng khiếm khuyết của bệnh nhân mà BS Bách nghiên cứu thêm nhiều ứng dụng khác. N.V.G.P, bệnh nhân 25 tuổi ở Quảng Nam, không giấu được niềm vui khi có cơ duyên gặp BS Bách và được “trả” lại khuôn mặt cân đối, bình thường. Trước đó, P. bị trâu húc gây vỡ sàn ổ mắt khiến đôi mắt lệch nhau khi hốc mắt trái bị vỡ, tổ chức hốc mắt bị sụp xuống dần, ảnh hưởng thị lực và nguy cơ tiêu đi tổ chức hốc mắt… P. được bác sĩ Bách thiết kế riêng một khung lưới vá sàn ổ mắt với yêu cầu chuẩn xác hơn nhiều vì đây là vị trí tập trung nhiều dây thần kinh với nguy cơ chèn ép cao… Sau khi sàn ổ mắt của anh P. được vá, hai hốc mắt và khuôn mặt anh đã cân đối, cải thiện dần thị lực.

Bé P.B.A.Th (6 tuổi, ở Đà Nẵng) cũng lần đầu tiên được BS Bách nghiên cứu chế tạo khuôn cắt xương thẩm mỹ, cắt đi khối u sừng trên trán. Th. đã không còn tự ti khi phải mang khối sừng bất đắc dĩ trên khuôn mặt. “Đây là một kỹ thuật cao, rất đặc biệt và chưa từng có tại VN”.
 
Những bệnh nhân được BS Bách “âm thầm” phẫu thuật và làm đẹp miễn phí không hề biết rằng, chỉ với bước ứng dụng thiết kế 3D tạo hình này, nếu thực hiện ở nước ngoài thì phải chi trả không dưới 80 triệu đồng/ca.
 
BS Bách lặng lẽ theo đuổi đam mê, vừa truyền cảm hứng cho đồng nghiệp vừa sát lại gần hơn với người bệnh. TS-BS Lê Đức Nhân không tiếc lời khen: “Để có được thành công này, BS Bách vừa đặt mình vào nỗi mặc cảm của bệnh nhân vừa dấn thân vào điểm khó của đồng nghiệp để tìm ra giải pháp tốt nhất. Chúng tôi tự hào được làm việc với những cộng sự như vậy”.
 
 
 
AN DY